Mẹ bỉm sữa nghỉ việc công ty nước ngoài về trồng và bán rau quả sạch

09:52 | 15/04/2018;
Một bà mẹ bỉm sữa đã mạnh dạn bỏ ra số tiền gần 4 tỉ đồng để xây dựng các vườn rau không hóa chất và mở cửa hàng với thương hiệu 'Vườn của mẹ'. Sau 3 năm khởi nghiệp, cửa hàng của chị đã được nhiều người biết đến. Chị là Bùi Thị Kim Thoa, ở đường Nguyễn Hoàng, quận 2, TPHCM.

Đầu tư gần 4 tỉ đồng làm 3 vườn cùng lúc

Vốn xuất thân là con gái thành phố, bố mẹ đều là công chức nhưng chị Thoa lại chọn hướng đi mới cho mình là nghề nông, khiến nhiều người bất ngờ. Trước thực tế, nhiều nơi người tiêu dùng phải “ngụp lặn” trong “rừng hóa chất”, không thể nhận biết thực phẩm nào có chất độc hại, nhất là các mẹ đang có con nhỏ ở TPHCM. Bản thân chị Thoa cũng có con nhỏ và cần nuôi dưỡng con bằng những bữa ăn chất lượng. Từ đó, chị quyết tâm xây dựng thương hiệu thực phẩm không hóa chất hướng đến đối tượng khách hàng chủ yếu là mẹ và bé.

thoa.jpg
Chị Thoa (trái) hướng dẫn cách giới thiệu sản phẩm cho nhân nhân viên 

Tháng 1/2015, chị chính thức triển khai ý tưởng vào thực tế. Chị kết hợp song song giữa vừa làm ở công ty cũ với đi nghiên cứu thổ nhưỡng, tìm vườn trồng rau sạch. “Thời gian đầu, tôi xác định là rất vất vả, cứ cuối tháng nhận lương ở công ty về là ngày hôm sau hết sạch. Tôi đổ dồn tài chính cho việc trồng rau, củ. May mắn là tôi được gia đình ủng hộ và giúp đỡ nhiệt tình. Tôi cũng có duyên được gặp những cộng sự cùng đam mê, họ đã giúp tôi vượt qua được thời gian khó khăn nhất”, chị Thoa bộc bạch.

Bằng sự nhạy bén, năng động, chị Thoa thực hiện áp dụng mô hình trồng rau sạch. Chị đã mạnh dạn đầu tư gần 4 tỉ đồng để làm 3 vườn cùng lúc. Một vườn trồng trái cây, củ quả ở Bình Dương, vườn tại Đà Lạt trồng cây ôn đới và vườn ở Đắk Lắk chuyên về rau ăn lá.

Với mảnh đất tại Bình Dương, đây là đất của ông bà bên chồng, rộng 2.000m2. Sau nửa năm trồng hết vụ rau này đến vụ rau khác đều không cho kết quả như mong đợi, tiền bạc, công sức cứ “đội nón ra đi", lúc này chị Thoa mới nhận ra, thổ nhưỡng nơi đây không hợp để trồng rau. Chị xoay qua trồng các loại cây như tắc, chuối, bầu bí, khoai môn, khoai lang… và nhận được kết quả khả quan.  

Vườn tại Đà Lạt rộng 5.000m2 chủ yếu trồng củ quả như cà rốt, củ dền, bắp cải, khoai tây… Vườn tại Đắk Lắk, chị kết hợp với một nông dân bản địa cùng chung đam mê trồng rau không hóa chất. Chị cam kết bao tiêu sản phẩm và hỗ trợ kỹ thuật chuyên nghiệp cho hộ trồng. Để thải độc trong đất và tạo độ mùn tự nhiên, chị chấp nhận 6 tháng đầu không thu hoạch rau nhưng vẫn đảm bảo tiền lương cho nông dân.

Quy trình trồng của chị Thoa được thực hiện kiểm tra khá nghiêm ngặt, từ khâu chọn đất đến khâu trồng và bảo quản. Đất tại vườn phải được kiểm nghiệm không bị nhiễm hóa chất, các loại cây trồng xuống đều thực hiện quy trình trồng hữu cơ. Vì không sử dụng hóa chất nên củ quả thành phẩm không được đẹp mắt về hình thức, kích thước cũng không đồng đều, thậm chí nhiều củ còn nhỏ hơn so với ngoài thị trường.

Đổi lại, củ quả từ vườn chị Thoa đưa ra luôn giữ được trong thời gian khá dài và độ dinh dưỡng khá cao. Các sản phẩm từ vườn cung cấp cho khách hàng theo đúng mùa với giá cả phải chăng.

95% khách hàng là các bà mẹ có con nhỏ

Nhiều người thắc mắc là tại sao các mảnh vườn của chị Thoa lại nằm rời rạc, mỗi vườn ở mỗi tỉnh khác nhau? Chị quan niệm: “Trong nông nghiệp, quan trọng là yếu tố con người. Nếu có mảnh đất gần mà không tìm được người có tay nghề và đủ tin tưởng thì nó cũng không có ý nghĩa, sẽ không cho ra thành phẩm như mình mong muốn. Các mảnh vườn của tôi tuy ở xa nhưng tôi tìm được người tin tưởng, cộng với khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp từng loại cây để tôi yên tâm giao vườn”.

Thời gian đầu, tuy khó khăn nhưng chị nuôi một niềm tin là: Chỉ có thực phẩm do mình tự làm ra thì mới thực sự yên tâm. Từ đó, chị Thoa không quá đặt nặng về vấn đề cạnh tranh với thị trường. “Quan trọng là mình làm như thế nào, chất lượng thực sự ra sao, qua thời gian khách hàng sẽ tự cảm nhận được. Tôi tin khách hàng là người tiêu dùng thông thái”, chị Thoa chia sẻ.

a4.jpg
Khoai tây do vườn chị Thoa trồng tuy có kích cỡ không đồng đều nhưng độ dinh dưỡng khá cao 

Đến năm 2017, chị quyết định nghỉ hẳn việc ở công ty nước ngoài về tập trung cho việc trồng trọt. Khi năng suất các vườn đi vào ổn định, chị Thoa mở cửa hàng có thương hiệu “Vườn của mẹ” tại quận 2, TPHCM. Cửa hàng cung cấp rau quả theo chuẩn “mùa nào thức nấy”. Hiện nay, 80% lượng khách chủ yếu đặt online và 95% khách hàng là các bà mẹ có con nhỏ. "Vườn của mẹ" có dịch vụ giao hàng tận nơi. Đối với các khách hàng ở tỉnh xa thì “Vườn của mẹ” sẽ chuyển rau, củ ra bến xe và khách hàng sẽ chịu chi phí vận chuyển.

a3.jpg
a2.jpgCác mặt hàng rau, củ tại cửa hàng luôn nhận được sự ủng hộ của nhiều mẹ bỉm sữa

Khách hàng Trần Thị Hồng Nhung (quận Thủ Đức, TPHCM) cho  biết: “Bây giờ, thực phẩm bẩn tràn lan ngoài thị trường, ngày nào báo chí cũng phanh phui nhiều vụ ngâm hóa chất, phun thuốc kích thích cho rau quả khiến gia đình tôi rất lo lắng. Khi tìm được một địa chỉ tin cậy như vậy, tôi rất vui. Hằng ngày, cứ cuối giờ chiều, tôi lại ghé vào cửa hàng để mua thực phẩm. Giá cả ở đây có cao hơn ngoài thị trường nhưng thà bỏ tiền ra mua thức ăn sạch còn hơn sau này phải bỏ tiền mua thuốc chữa bệnh”.

Hiện nay, chị Thoa tiếp tục tiến hành trồng lúa sạch tại huyện Krông Nô, tỉnh Đăk Nông, trên diện tích 1.700m2, sau đó dần mở rộng lên 5ha cùng với sự tham gia của 5 hộ nông dân. Trong tương lai, chị dự kiến phát triển nông nghiệp du lịch, đưa khách trải nghiệm các vườn rau sạch để họ hiểu rõ hơn về quá trình tạo nên những nông sản không hóa chất và xây dựng quỹ từ thiện để tạo “cần câu” cho các hộ nông dân nghèo có kế sinh nhai. 

Xem clip chị Bùi Thị Kim Thoa chia sẻ bí quyết khởi nghiệp với nông nghiệp sạch:

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn