PV: Thưa chị, vì lý do gì mà tới thời điểm này gia đình mới quyết định công khai rộng rãi trên truyền thông?
- Sau khi con tôi qua đời tại khu resort ở Mũi Né, tôi rất hoảng loạn nên không thể làm gì ngoài việc khóc suốt ngày. Nhờ sự động viên an ủi của gia đình và bạn bè tôi mới dần bình tâm trở lại. Thời điểm này, gia đình tôi quyết định nhờ truyền thông công khai vụ việc, như một chia sẻ đến các bậc cha mẹ có con nhỏ và để các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Thuận, nơi khu resort này đang hoạt động, đặc biệt quan tâm đến yếu tố an toàn khi vận hành.
PV: Xin lỗi chị vì phải nhắc tới câu chuyện buồn của gia đình, thời điểm cháu bị lâm nạn, chị có ở gần đó không và trực tiếp chứng kiến những chi tiết nào, được nghe kể lại chi tiết nào?
- Tôi ngồi trên bờ cùng mẹ của 3 bé đang cùng chơi với Yukiji để quan sát các bé. Vào thời điểm xảy ra sự việc, các bé đang chơi trò chơi dưới hồ bơi, nơi có mực nước chỉ khoảng 1m mà các bé đều cao trên 1,3 m, riêng Yukiji cao 1,4m. Tôi di chuyển trên thành hồ để chụp hình cho bé Yukiji. Trong một khoảnh khắc rất ngắn, do không nhìn thấy bé Yukiji, bé Saki chạy đến báo cho các mẹ, nên tất cả chia nhau đi tìm. Tôi có thấy một nhân viên của resort mặc áo thun màu vàng gần đó và nhờ người này đi tìm hộ, anh này trả lời "chắc bé đang chơi khu vực bên kia, chị qua đó tìm đi". Theo chỉ dẫn, tôi chạy đi tìm ở khu vực bên cạnh hồ bơi, nơi có các cầu trượt nước nhưng không thấy, tôi chạy ngược trở lại hồ bơi thì thấy một đám đông ở phía xa, cả trên bờ và dưới hồ đang la hét. Tôi nhảy xuống hồ bơi, chạy đến gần thì nhìn thấy một người đàn ông đang vác bé Yukiji trên vai, đầu chúc xuống đất.
Khi đó, tôi thấy lưng bé Yukiji có nhiều vết bầm tím như hình chụp kèm theo đơn gửi cho các cơ quan. Tôi hét lên và chỉ về phía khu vực có tấm kim loại ở thành hồ: "Cái chỗ đó hút thằng nhỏ". Bé Yukiji được đặt trên một ghế dài có nệm và được nhiều người thay nhau hô hấp nhân tạo. Trong khi đó, tôi thấy khu vực nước chỗ đã hút bé Yukiji nước vẫn còn cuộn lên rất mạnh nên lại hét lên: "Sao không chịu tắt để hút người khác nữa". Sau khoảng 30 phút hô hấp nhân tạo nhưng không cứu được bé, bác sĩ khi đến nơi cho tôi biết bé Yukiji đã tử vong.
Trong Đơn cứu xét của tôi gửi cho Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TPHCM, có nội dung các cháu bé phát hiện đã tìm cách kéo bé Yukiji ra khỏi tấm kim loại nhưng không được. Một số người lớn (nam giới) đang bơi gần đó đã lao vào để gỡ cháu ra khỏi chỗ bị hút. Những diễn biến này do chị Nguyệt Vĩ là mẹ của 2 bé chơi cùng với bé Yukiji kể lại cho tôi.
PV: Chị có quan sát được vào thời khắc xảy ra sự việc, bể bơi có bảo vệ và cứu hộ không?
- Tôi cũng không rõ resort bố trí nhân viên cứu hộ ngồi ở đâu và bao nhiêu người. Vào thời điểm chạy đi tìm bé Yukiji tôi có gặp một nhân viên mặc áo thun màu vàng và nhờ đi tìm hộ.
PV: Sau sự việc đau lòng này, đại diện khu nghỉ dưỡng trao đổi với gia đình chị như thế nào? Chị muốn nói gì thêm về việc này?
- Có một nhân viên nữ thuộc bộ phận chăm sóc khách hàng của resort và đại diện của Nova Service đến chia buồn với gia đình tại đám tang của bé Yukiji. Tôi chỉ muốn nói rằng, chủ đầu tư của khu resort cần phải đặt sự an toàn của khách hàng lên trên lợi nhuận.
PV: Chị đã gửi đơn cho Công an tỉnh Bình Thuận đề nghị khởi tố vụ án hay chưa, và đơn này được gửi trước hay sau khi chị gửi Đơn cứu xét tới Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản?
- Tôi đã gửi đơn cho Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận đề nghị khời tố vụ án hình sự để điều tra một cách toàn diện về vụ việc. Khộng chỉ xem xét kết luận giám định pháp y mà còn phải giám định các thiết bị của hồ bơi, để xác định có hay không những sai sót về thiết kế hay vận hành đã gây ra cái chết thương tâm của con tôi. Có như thế, mới có thể xác định chính xác nguyên nhân bé Yukiji bị hút vào tấm lưới kim loại ở thành hồ bơi, dẫn đến ngạt nước và tử vong. Đơn này được tôi gửi cùng ngày với đơn cứu xét gửi cho Tổng Lãnh sự quan Nhật Bản tại TPHCM.
PV: Cảm ơn chị đã trao đổi với báo Phụ Nữ Việt Nam và xin chia sẻ cùng nỗi đau này của gia đình.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn