Mẹ chồng có tài hòa giải

08:29 | 26/11/2015;
Vợ chồng Châu là 8x “đời cuối”. Vốn vui vẻ, trẻ trung nên họ hay bị bố mẹ 2 bên cằn nhằn là “Trẻ con quá!”.

Châu và chồng vốn học cùng một lớp, chơi thân trong cùng một nhóm. Họ thường xưng hô với nhau rất thân mật, thoải mái. Khi chuyển từ tình bạn sang tình yêu, họ vẫn quen gọi nhau là “cậu - tớ”, “ấy - tớ”, “ta - nhà ngươi”… Sau ngày cưới, họ vẫn duy trì những cách gọi cũ, thỉnh thoảng vợ chồng còn ngẫu hứng bổ sung thêm tên gọi mới như “Chồng ơi/Vợ ơi”, “Tình yêu ơi”, “Mình ơi”, “Honey ơi”… Với cả 2, chuyện xưng hô như vậy là rất bình thường, thể hiện sự yêu thương và gắn bó.

Song, khoảng 1 tháng sau đám cưới, bố chồng Châu lên tiếng nhắc nhở con dâu: “Đã là vợ chồng rồi, 2 đứa phải thay đổi cách xưng hô đi!”. Nghe vậy, Châu thấy hơi buồn cười. Cô cho rằng chắc ông chỉ nhắc cho phải phép, còn việc gọi như thế nào thì vẫn là quyền của mình. Cô chỉ cười cười rồi bỏ qua.

 Mẹ chồng dùng lời nhẹ nhàng trò chuyện, góp ý khiến Châu cảm thấy tâm phục khẩu phục (Ảnh minh họa)

Vài tháng sau, bố chồng vẫn chú ý quan sát cách xưng hô của 2 đứa và thấy không có thay đổi gì, ông lại nhắc tiếp. Châu cảm thấy hơi khó chịu vì nghĩ ông khó tính, can thiệp quá sâu vào quan hệ của 2 đứa. Cô tỏ thái độ không vui, nói với bố: “Chúng con quen gọi nhau như thế rồi! Mà xưng hô như vậy thì có sao đâu. Con thấy nó đâu có xấu, có ảnh hưởng gì đâu?”. Ngay lập tức, bố chồng không giữ được bình tĩnh. Ông lên án Châu rằng cô chưa phải là người phụ nữ chững chạc, trưởng thành. Cô có học mà không biết ăn nói thế nào cho đúng tôn ti trật tự. Mỗi lần ông nghe thấy 2 đứa gọi nhau là ông rất chướng tai… Châu ngồi im nghe. Cô không cãi lại lời bố chồng nữa nhưng trong thâm tâm, Châu cảm thấy rất tự ái, không vừa lòng. Cô cho rằng bố chồng quá cổ hủ và thích nâng quan điểm.

Sau cuộc xung đột ấy, Châu thấy nếu làm theo lời bố chồng, thay đổi ngay cách xưng hô với chồng thì khác nào “xuống nước” và rất ngượng miệng, khó khăn. Thế là Châu chọn cách nói trống không, trung tính với chồng những lúc cần thiết. Bố chồng và con dâu, tuy không còn nhắc lại chuyện cũ nữa nhưng dư âm, sự ám ảnh của nó luôn hiện diện. Châu càng ngày càng trở nên ít nói, ngại giao tiếp không chỉ với bố chồng mà cả với chồng…

Một ngày nọ, khi thấy “không khí bất hòa” trong nhà kéo dài quá lâu, mẹ chồng Châu buộc phải vào cuộc. Bà tỉ tê với chồng rằng giới trẻ ngày nay có nhiều cách nghĩ khác, làm khác. Bà khuyên ông nên bao dung, chấp nhận những khác biệt “khoảng cách thế hệ”. Ngoài ra, bà cũng góp ý với chồng, nếu có gì không hài lòng, muốn dạy bảo con cái thì nên khéo léo, nhẹ nhàng, bình tĩnh hơn.

Sau đó, bà có buổi nói chuyện dài với vợ chồng Châu. Bà nhắc lại cho con trai nhớ và cũng để con dâu hiểu rằng trong gia đình mình, từ xưa đến nay việc xưng hô theo trật tự, tôn ti, thứ bậc đã luôn là luật bất thành văn. Nó không chỉ thể hiện văn hóa, đạo lý truyền thống mà còn là cơ sở tạo nên sự khăng khít, hòa thuận.

Song, bà cũng đồng ý rằng riêng với trường hợp của vợ chồng Châu, nếu tuân thủ “ngay và luôn theo luật” thì có vẻ hơi khó nên ban đầu có thể được linh hoạt và tế nhị một chút. Sau đó, nếu có thể thì hãy học cách chuyển đổi dần dần cách xưng hô cho phù hợp… Lần này, Châu ngồi im lắng nghe và cảm thấy dễ chịu. Cô tâm phục khẩu phục với những gì mẹ chồng nói. Cô tự nhủ mình sẽ cùng chồng cố gắng để thay đổi.

Giảm mâu thuẫn từ cách xưng hô

- Cần xác định việc xưng hô theo thứ bậc giữa các thành viên trong gia đình là rất quan trọng và không thể tùy tiện.

- Khi gia đình có thành viên mới, nên nhắc nhở, góp ý một cách khéo léo để người đó hiểu, làm quen dần và tuân thủ theo.

- Nếu xung đột do cách xưng hô gây ra thì cần có sự vào cuộc của các thành viên khác trong gia đình để cùng tìm ra giải pháp khắc phục.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn