Tết này là cái Tết sum vầy thứ 3 của vợ chồng chị Hà Thị Phương (SN 1992), cũng là cái Tết đoàn viên thứ 3 của cả gia đình mà bà Luận và các con cháu nội, ngoại 2 bên đều mong đợi.
Bà Luận làm nghề bán buôn ở thị trấn Tân Lạc (huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An). Trong những lần đi bỏ mối hàng xa giúp mẹ, Trần Văn Tuân – con trai bà Luận quen Phương. Tình cảm nhanh chóng nảy nở, đôi trẻ được gia đình 2 bên đồng ý vun vén để sớm nên duyên vợ chồng.
Theo phong tục cưới hỏi của đồng bào Thái, trước khi rước dâu, Tuân phải ở rể nhà Phương 2 năm. Mọi chuyện diễn ra suôn sẻ. Song trước lúc hai gia đình tổ chức lễ cưới thì biến cố xảy ra. Gần ngày cưới, bỗng dưng không thấy Phương đến thăm nhà và bàn kế hoạch cưới như dự định. Bà Luận nóng ruột gọi điện cho con dâu tương lai thì điện thoại không liên lạc được. Bà tìm đến tận nhà Phương ở xã Đồng Văn, bố mẹ cô cũng không biết con gái mình đi đâu.
Sự việc được gia đình báo cho chính quyền địa phương nhưng mọi nỗ lực tìm kiếm đều vô vọng. Bẵng đi một thời gian, một hôm bà Luận đang bán hàng ở chợ thì bất ngờ nhận được điện thoại của Phương từ số máy rất lạ, giọng nức nở: “Con bị lừa bán sang Trung Quốc rồi. Mẹ tìm cách cứu con về với”.
Bàng hoàng giây lát nhưng bà Luận mừng rỡ báo tin cho ông bà sui gia để cùng nhau bàn phương án giải cứu con trở về. Sau rất nhiều nỗ lực liên lạc bằng số điện thoại đã gọi về, bà Luận cũng tìm được chủ số máy là người Trung Quốc tốt bụng đã cho Phương mượn điện thoại và tìm được nơi Phương bị bán.
Bàng hoàng giây lát nhưng bà Luận mừng rỡ báo tin cho ông bà sui gia để cùng nhau bàn phương án giải cứu con trở về. Sau rất nhiều nỗ lực liên lạc bằng số điện thoại đã gọi về, bà Luận cũng tìm được chủ số máy là người Trung Quốc tốt bụng đã cho Phương mượn điện thoại và tìm được nơi Phương bị bán.
Ảnh minh họa: Ngày cưới, Phương quỳ xuống trước mặt mẹ chồng mà khóc nức nở |
Mất thêm nhiều tiền bạc và thời gian, bà Luận mới tiếp cận được Phương. Được biết, cô bị Mai Thị Lụa, một người bán buôn trên địa bàn xã Đồng Văn lừa bán sang Trung Quốc vào động mại dâm. Qua tìm hiểu từ Phương và nhiều nguồn tin, bà Luận biết, Lụa (SN 1966), quê ở xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy (Nam Định), vừa mãn hạn tù về tội buôn bán trái phép chất ma túy. Sau khi ra trại, Lụa rời quê lên xã Đồng Văn làm ăn sinh sống, nhưng thực chất là đến “vựa” ma túy của miền Tây Nghệ An để “ăn hàng”. Trong thời gian ở đây, thấy Phương xinh xắn, dù biết rõ cô gái sắp lên xe hoa về nhà chồng nhưng thị vẫn lên kế hoạch lừa bán.
Ngày 24/8/2012, nhân lúc bố mẹ Phương đi rẫy, Lụa đã rủ cô cùng một cô gái trẻ khác trong xã, nói là ra quê thị chơi. Nghe lời ngon ngọt, hai cô gái trốn gia đình theo chân Lụa về Nam Định. Từ đây, thị đã khống chế, bắt ép, đưa các cô sang Trung Quốc bán cho một người đàn bà người Việt tên Dương đang sinh sống tại đây với giá 2,4 vạn tệ (tương đương 60 triệu đồng). Bà Dương đã bán 2 cô gái vào động mại dâm, bắt ép phục vụ khách làng chơi.
Bà Luận cùng với sui gia và con trai đến nhà Lụa ở xã Châu Bình (Quỳ Châu) để gây sức ép, buộc Lụa phải thú nhận chuyện đã lừa bán Phương. Biết không thể chối cãi, Lụa thừa nhận tất cả và hứa sẽ chuộc Phương trả lại cho gia đình.
Ngày Phương trở về, người yêu cô lẩn tránh gặp mặt. Anh cũng không muốn cưới cô làm vợ. Phương mặc cảm về những chuyện đã qua, cũng xin bà Luận không làm dâu nữa. Bà Luận hiểu con trai đang rối bời tâm trí. Bà biết anh còn yêu Phương nhiều lắm nhưng anh không thể lấy cô làm vợ khi nghĩ đến cô đã mua vui cho bao người đàn ông khác. Bà Luận vừa an ủi Phương, vừa tâm sự, phân tích để con trai chấp nhận cưới Phương. Bà bền bỉ “nối sợi dây tình cảm” để đôi trẻ xích lại gần hơn. Tuân chịu ngồi nghe mẹ phân tích điều hơn thiệt, những giọt nước mắt xót xa cho người yêu, thương cho hoàn cảnh trớ trêu của mình. Sau nhiều ngày mông lung suy nghĩ, Tuân cũng hiểu ra và đám cưới của đôi trẻ được tổ chức đầm ấm.
“Ngày cưới, Phương quỳ xuống trước mặt tôi mà khóc nức nở. Tôi biết, đó là những giọt nước mắt ơn huệ và sung sướng. Giờ hai vợ chồng nó đã có một cô con gái, hạnh phúc viên mãn, song thi thoảng đi ra đường, Phương vẫn còn bị kì thị nên tôi càng thương nó hơn” - bà Luận nói.