Mẹ chồng đã tiếp thêm sức mạnh để tôi chống chọi với ung thư

11:02 | 05/06/2019;
Tôi nắm tay mẹ chồng nói hết tâm trạng, suy nghĩ của mình và xin lỗi bà. Bà gạt nước mắt cho tôi, còn bảo tôi hãy luôn lạc quan để chiến thắng bệnh tật cũng như trước đây bà đã làm. Bà cũng không trách cứ gì tôi cả.
40 tuổi, tôi bị chẩn đoán ung thư vú. May mắn là mới chỉ ở giai đoạn 1 - giai đoạn có thể cắt bỏ khối u mà vẫn bảo toàn vú, cũng như hóa xạ trị không còn tế bào ung thư. Vậy là không chỉ tôi mà cả gia đình tôi bước vào một giai đoạn khó khăn. Gia đình tôi chỉ còn mẹ chồng năm nay đã ngoài 70 tuổi. Tôi kết hôn muộn nên sinh con muộn, vì vậy hai con tôi còn quá nhỏ, nhưng các cháu rất ngoan và đã biết giúp đỡ bố mẹ việc nhà.
 
con-dau-1_4.jpg
Tôi cảm ơn tấm lòng bao dung của mẹ chồng, không hề để bụng mà rất mực thương con dâu
 
 
Xạ trị là khoảng thời gian kinh khủng nhất, do tác dụng phụ của thuốc nên tôi không chỉ mệt mỏi mà còn buồn nôn, không thiết tha ăn gì cả. Tóc rụng, tâm trạng buồn bực, tiêu cực khiến tôi hay nổi cáu và nghĩ ngợi linh tinh. Lúc này, tôi mới thấm thía nỗi khổ của mẹ chồng tôi khi xưa.
 
Bà cũng bị ung thư vú, cũng phải cắt bỏ một bên vú trái và đi xạ trị thường xuyên trước khi tôi và chồng lấy nhau. Sau đấy, mẹ chồng tôi vẫn phải đến viện truyền hóa chất theo đợt. Có khi mệt quá, không theo nổi, bà bỏ giữa chừng. Giống hệt tôi bây giờ, bà cũng hay suy nghĩ, tưởng tượng nhiều chuyện không hay. Thế mà khi đó tôi đã vài lần cãi lại bà, thậm chí còn nói khó nghe. Có lúc tôi còn chẳng buồn hỏi thăm bà. Tôi nói hóa chất không tốt với trẻ nhỏ nên tôi bắt bà tránh lại gần cháu. Vì vậy, mẹ chồng tôi chỉ biết cách xa, không dám bế cháu, cả không ăn cơm cùng chúng tôi đến khi hết đợt thuốc. 
 
Tôi thấy mình thật chẳng ra gì, nỡ đối xử tàn nhẫn với mẹ chồng. Bởi có trải qua, tôi mới thấy cảm giác khổ sở vì bệnh tật hành hạ, tủi thân vì không được lại gần con. Cảm giác trở thành gánh nặng với mọi người trong gia đình cứ đè nặng tâm trí tôi. Tôi nắm tay mẹ chồng nói hết tâm trạng, suy nghĩ của mình và xin lỗi bà. Bà gạt nước mắt cho tôi, còn bảo tôi hãy luôn lạc quan để chiến thắng bệnh tật, mặc cho bên trong cơ thể diễn ra, hãy nghĩ đến nó để yêu thương bản thân mình, nghĩ rằng mình vẫn sống khỏe cần phải nhiệt huyết và sống hết mình, phải nhanh khỏe để còn chăm sóc các con, vì chúng vẫn cần có mẹ. Nếu như càng bi quan, càng ủ dột thì càng lâu khỏi, như vậy không chỉ vất vả cho cả nhà mà còn tội nghiệp cho các con.
 
Từ khi đón nhận cái bệnh án “tử thần” ấy, cần chấp nhận sống chung, từng ngày chiến đấu và vượt qua, cũng như trước đây bà đã làm. Bà cũng không trách cứ gì tôi cả. Thậm chí còn chăm sóc tôi rất tận tình, nấu và mang cơm vào viện động viên tôi ăn. Ngày hè nắng nôi, mẹ chồng tôi mướt mồ hôi, thật tội! Tay chân tôi nhức mỏi, bà cũng không ngại xoa bóp. Nhờ có mẹ chồng mà tôi khỏe lên rất nhiều.
 
Tôi thấy hổ thẹn vì khi bà bị bệnh, tôi chẳng làm tròn bổn phận, đạo hiếu. Tôi cũng cảm ơn tấm lòng bao dung của mẹ chồng, không hề để bụng mà rất mực thương con dâu. Cảm ơn bà đã tiếp cho tôi thêm sức mạnh để tôi chống chọi lại với bệnh tật! Có một người mẹ chồng tốt như vậy tôi chẳng còn mong muốn gì hơn nữa. Tôi thật sự mong mẹ sẽ sống thật khỏe mạnh, bên chúng tôi thật lâu để chúng tôi có thể chăm sóc, báo hiếu. Bởi vậy mới nói, cha mẹ (dù không phải là bố mẹ đẻ) không sống với chúng ta mãi, vì thế hãy đối xử với cha mẹ bằng tình yêu mà cha mẹ đã dành cho chúng ta để không bao giờ phải hối hận.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn