Mẹ chồng gọi con dâu là 'hồ ly tinh'

10:55 | 01/12/2018;
Bà Hoan gọi Thủy, con dâu mình, là “hồ ly tinh” bởi bà cho rằng, chính Thủy đã “tiêm nhiễm” vào đầu con trai Thủy, khiến nó yêu ông bà ngoại hơn ông bà nội.
Hùng, con trai cả của bà Hoan, sống cùng bố mẹ vợ trên thành phố. Do công việc bận rộn, lại thường xuyên đi công tác nên một năm cũng chỉ đôi ba lần vợ chồng Hùng đưa con về quê thăm ông bà nội. Bé Bi, con trai Hùng, vì thế mà cũng gắn bó với ông bà ngoại hơn cả.
 
Cu Bi về quê nghỉ hè, bà nội tất tả đi mua cua về nấu bát canh ngon cho cháu nhưng đến bữa, cu Bi vừa bưng bát lên đã nhăn mặt: “Canh này ăn không ngon như bà ngoại nấu”. Ông nội cho cu Bi ít tiền để mua quần áo, đồ dùng học tập đón năm học mới thì cu Bi bảo: “Cháu không lấy đâu, ông ngoại cháu cho rồi”. Thằng bé luôn phản ứng, tỏ thái độ cáu kỉnh mỗi lần ông bà nội gần gũi.
 
6a0112791f997e28a4017d3dc7fc72970c-1100x797.jpg
Ảnh minh họa

 

Những lúc đó, hơn ai hết Thủy hiểu được sự tự ái và tủi thân của bố mẹ chồng nên Thủy cố gắng giải thích để con hiểu ông bà có yêu thương con mới gần gũi con như thế. Nhưng trẻ con nói thế thôi chứ chúng đâu có hiểu được ngay.
 
Đã vậy, mới về với ông bà nội được hơn một ngày, cu Bi đã liên tục hỏi mẹ: “Mẹ ơi, bao giờ con được về với ông bà ngoại, con nhớ ông bà ngoại lắm”. Những câu hỏi ấy cứ như nhát dao cứa vào ruột gan ông bà Hoan. Bà Hoan bảo với chồng: “Đích thị là mẹ nó tiêm nhiễm vào đầu thằng bé rồi. Lại định “trọng ngoại, khinh nội” đây. Phen này tôi với ông phải nghĩ cách, không thì mình mất cháu như chơi”.
 
Thế là ông bà Hoan bàn nhau, ngày nào cũng phải gọi Facetime để nói chuyện với cháu. Tối đến, như thường lệ, ông bà sẽ ngồi xem hết bộ phim này đến bộ phim khác nhưng nay, không việc gì quan trọng bằng việc nói chuyện với cháu.
 
Nhưng ông bà gọi điện lúc thì cu Bi đang ăn cơm, lúc lại đang học bài. Khi đang mải làm một việc gì đó, cu Bi nhất định không chịu nói chuyện với ông bà. Ông Hoan năn nỉ: “Cháu nói chuyện với ông bà chút đi nào”. Ấy vậy nhưng cu Bi hiếu động, chẳng đoái hoài đến lời ông bà nói. Lần vừa rồi cả gia đình về quê ăn giỗ, Thủy cảm nhận rõ sự lạnh nhạt của cả họ hàng nhà chồng đối với cô. Ai cũng nghĩ cô là nguyên nhân khiến bé Bi xa lánh ông bà nội.
 
Lúc nhặt rau trong bếp, Thủy nghe mấy bà thím nói bóng gió: “Cu Bi tuy sống với ông bà ngoại nhưng mẹ nó không được quên tổ tiên của nó đâu. Nó là người nhà họ Phạm”. Thủy cố gắng thanh minh: “Dạ vâng, hằng năm lễ Tết, con vẫn đưa cháu về thắp hương và ra thăm mộ cụ tổ đấy ạ. Con vẫn nhắc nhở cháu luôn ạ”. Bên ngoài tỏ ra bình thản nhưng trong lòng Thủy sóng gió cuộn trào.
 
Tưởng rằng những lời nhắc nhở chỉ dừng ở đấy, nào ngờ, đến bữa ăn, khi mọi người đã ngồi vào mâm, bố chồng Thủy cất cao giọng: “Anh Hùng, chị Thủy, ra đây cho tôi hỏi!”. Hùng vẫn chưa biết có chuyện gì mà bố lại phải trịnh trọng đến vậy còn linh tính Thủy đã mách bảo cô về việc mà bố chồng cô sắp nói.
 
Ông Hoan đập tay rất mạnh xuống bàn, khiến bộ ấm chén cạnh đó cũng phải rung lên: “Anh chị nói tôi nghe, tại sao thằng cháu Huy (tên thật của cu Bi) lại là Phạm Gia Huy mà không phải là Phạm Văn Huy. Dòng họ nhà này bao đời nay vẫn là Phạm Văn, cớ sao đến đời thằng cháu Huy lại là Phạm Gia. Phải chăng anh chị có ý gì?”. Hùng thanh minh rằng, ngày xưa cứ con trai là “Văn”, con gái là “Thị”, còn bây giờ cách đặt tên đã phong phú hơn nên không cần duy trì cái đệm “Văn” như thế nữa.
 
Thủy thì im lặng lùi lại phía sau chồng để quan sát thái độ của gia đình nhà chồng. Ông Hoan một mực yêu cầu vợ chồng Thủy phải đặt lại tên cho Huy, nhất định phải là “Phạm Văn Huy”, nếu không thì sẽ “không có bố con cháu chắt gì hết”. Thủy không ngờ, chuyện đặt tên ấy đã xảy ra 6 - 7 năm trời, hồi đấy ông bà nội cũng biết mà tự dưng giờ lại thành “vấn đề lớn”.
 
Sau lần đó, bà Hoan lên thành phố thăm cháu, tiện thăm bà bạn ở gần đó. Bà dự tính chỉ lên trong ngày rồi về quê vì ở nhà thông gia cũng bất tiện. Ban ngày cháu đi học, con trai con dâu đều đi làm, ngồi nói chuyện với ông bà thông gia được một lúc, bà sang thăm bà bạn lâu ngày không gặp.
2_164778.jpg
Ảnh minh họa

 

Câu chuyện của hai người bạn già sau một hồi ôn kỷ niệm lại quay về chuyện con cháu. Bà Hiên tấm tắc khen bà Hoan có thằng cháu trông khôi ngô, kháu khỉnh rồi bà Hiên chợt hỏi: “Sao bà không lên thành phố chăm cháu?”. Tức thì bà Hoan trả lời: “Chăm trẻ nhọc lắm, tôi không quen”.
 
Bà Hiên như không hài lòng với câu trả lời của bạn mình: “Có ai là quen việc “con mọn” ấy đâu nhưng cháu mình, mình không chăm thì ai chăm? Trẻ con tinh lắm, ai chăm bẵm nó là nó yêu và bám chặt đấy”. Rồi bà Hiên bảo, bà cũng có cháu nội, bà không cho con thuê người giúp việc mà tự tay chăm cháu, vì thế mà cháu nội quấn bà lắm.
 
Bà Hiên không hay biết nỗi lòng của bà Hoan nên cứ vô tư kể chuyện: “Tôi thấy nhà ngoại thằng Bi chăm nó lắm. Nó mà ốm đau thì đến mẹ cũng chẳng cho ăn được, chỉ có bà ngoại là cưng nựng, dỗ dành và cho ăn được thôi. Rồi ông ngoại cũng thế, đi làm thì thôi chứ hễ về đến nhà, dù đang mướt mải mồ hôi là cũng xỏ giày dắt cháu ra công viên. Thằng bé suốt ngày quấn quýt với ông bà ngoại thôi”. Bà Hoan nghe vậy, bụng bảo dạ, có khi bà sẽ phải năng lên thành phố với cu Bi nhiều hơn mới được.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn