Hường gửi một cái tin nhắn khẩn cho toàn thể anh chị em trong gia đình: “Mọi người chọn cho em một thứ yêu thích ở Pháp đi nhé. Giá khoảng 500 ngàn đồng đổ lại. Hoàng muốn tặng quà cho tất cả mọi người. Mà mọi người biết rồi đấy, nếu để Hoàng tự chọn thì em sợ bọn em không còn tiền để mua vé máy bay về nhà”.
Ai nhận được tin nhắn cũng phì cười. Hường và Hoàng đang hưởng kỳ nghỉ phép năm, đi 10 ngày thì cãi cọ 7 ngày chỉ vì Hoàng thích la cà shopping hơn là ngắm danh lam thắng cảnh ở Pháp. Mặc dù Hường đã cố kéo chồng vào các shop có chữ “sale off” rồi nhưng Hoàng sờ vào cái gì, Hường cũng kêu trời vì số tiền quy ra đồng Việt Nam đắt quá. Tin nhắn gần nhất mà Hường gửi cho cả nhà có đoạn: “Anh ấy đưa cho em một bộ dao với đôi mắt không thể ngời sáng hơn: Có 6 triệu đồng thôi em này! Chắc thấy em kinh hãi quá nên anh ấy cụp mắt xuống, giải thích: Bác Thương chả khoe hình 1 con dao gọt hoa quả mua lúc “sale” mà 2 triệu đồng còn gì. Mình mua cả bộ lớn bé như này còn rẻ gấp vạn lần con dao nhỏ xíu của bác Thương”.
“So làm sao được với bác Thương lấy chồng đại gia, cả nhà công nhận không? Em đã nói với anh ấy là với số tiền này, ở Việt Nam em mua được 3 bộ dao ngon lành nhưng xem chừng Hoàng vẫn muốn trốn em quay lại mua bộ dao kia lắm!”.
Hoàng là người thích mua sắm tới mức thành nghiện (Ảnh minh họa: Internet) |
Vợ tủi vì chồng chẳng làm ra nhiều tiền mà lại thích tiêu hoang. Chồng hờn vì có cô vợ suốt ngày kèn kẹt ngăn cản anh mua thứ này, thứ khác. Tháp Eiffel có đẹp thế chứ đẹp nữa cũng không mang về Việt Nam được. Sao không lợi dụng cơ hội có một không hai này mà tận hưởng thú shopping, vừa vui vẻ mà lại có nhiều kỷ niệm bằng hiện vật, nhìn thấy, sờ thấy hàng ngày?
Hoàng nghiện shopping đến mức tháng nào cũng phải trả nợ cho cái thẻ mua sắm do ngân hàng “tặng”. Hường đau khổ kể: “Quần áo đầy tủ rồi mà mỗi khi nhìn thấy cái gì vừa mắt, anh ấy lại sùng sục khuân về bằng được. Mà toàn mua ở hàng hiệu, đèn gương sáng choang thì có cái gì không vừa mắt đâu cơ chứ. Thích gì mua nấy, mua không mặc hết thì mang đi cho, chả cần biết ngày mai vợ con sẽ sống bằng gì”.
Hoàng cũng có “nỗi muộn phiền” riêng. Anh tâm sự với bạn: “Đời có mấy tí mà vợ tớ chả dám ăn chả dám tiêu. Cái áo tớ mua có 2 triệu đồng, bình thường lúc chưa “sale” giá không dưới 8 triệu đồng. Thế mà cô ấy đã gào lên như tớ là đồ phá hoại vậy. Mua cho vợ mà còn khổ thế đấy, mua cho mình không biết còn bị dằn vặt đến cỡ nào?”.
Chuyện chồng tiêu, vợ cản ở nhà Hoàng, từ người trong gia đình đến bạn ngoài xã hội, chẳng ai lạ gì. Vì thế, lúc nhận được tin nhắn của Hường, mọi người đều biết ý, chọn những món quà mà họ đã khảo giá kỹ càng qua mạng, mỗi thứ không quá 500 ngàn đồng. Lại còn dặn Hoàng đi chơi là chính, mua sắm là phụ, giờ ở Việt Nam không thiếu gì đồ đâu.
Tháng nào Hoàng cũng phải trả nợ cho cái thẻ mua sắm do ngân hàng “tặng” (Ảnh minh họa: Internet) |
Đi mua quà theo đơn đặt hàng của mọi người là buổi shopping yên ả nhất của 2 vợ chồng. Song, bình yên suýt vỡ toang vì khi đi ngang qua hàng nước hoa, Hoàng kéo Hường dừng lại, hít hà: “Mấy cái lọ kia xinh chưa em kìa!”. Hường phải giơ túi to túi bé ra cho chồng thấy đã quá đủ rồi, Hoàng mới chịu bước chân. Vừa đi vừa ngoái lại nhìn với sự tiếc rẻ không giấu giếm.
“Lần này về, khóa cái thẻ mua sắm của nó lại, con ạ. Cầm tiền mặt tiêu thì còn biết thiếu đủ như thế nào mà dừng lại. Cầm thẻ, được mua vay mua nợ, nó không biết bao nhiêu là đủ đâu”, mẹ chồng Hường mách nước. Bà vốn biết “khả năng” mua sắm của con trai mình, nên rất đồng cảm với con dâu, mỗi khi Hường kể chuyện Hoàng vừa mua cái nọ, cái kia.
Hường như bừng tỉnh. Đúng là từ ngày có cái thẻ thanh toán này, tần suất shopping của Hoàng tăng lên đáng kể. Đi nước ngoài, việc mua sắm qua thẻ lại càng thuận tiện. Cái thẻ khác nào kẻ “đồng phạm” với thú tiêu tiền không cần biết đến ngày mai của Hoàng. Lần này về nước, nhất định Hường sẽ làm theo cách của mẹ chồng. Nếu Hoàng không đồng ý, Hường sẽ lại… mách mẹ.