Mẹ chồng nàng dâu giận nhau vì tranh chấp đất

07:00 | 12/05/2018;
Tôi đang thiu thiu ngủ thì có điện thoại. Vừa bấm nghe máy, một giọng nữ đậm chất thôn quê gấp gáp: "Cháu có nhà không? Bác Mận đây. Bác Mận ở Hải Hà, Quảng Ninh đây. Bác đang ngồi ở quán cà phê đầu ngõ nhà cháu. Bác có chuyện này muốn tâm sự và nhờ cháu tư vấn. Ra ngay nhé"...

Theo lời bác kể, gia đình bác đi làm kinh tế mới tại xã Quảng Thành, huyện Hải Hà từ những năm 90 của thế kỷ trước. Năm 1996, gia đình bác được địa phương giao cho 600m2 đất nông nghiệp để canh tác.

chi-em-dau1_291936391.jpg
Chỉ vì chuyện đất đai mà mất tình gia đình thêm căng thẳng. Ảnh minh họa

Do khu vực đó vẫn còn là đồi hoang hóa nên vợ chồng bác đã cải tạo, khai phá thêm được hơn 600m2 đất để trồng vải thiều. Hằng năm, gia đình bác vẫn nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp do ông trưởng thôn đứng ra thu.

Sự việc bắt đầu nảy sinh từ năm 2004, khi bà Lim, mẹ chồng bác Mận đề nghị nhà bác làm cho bà 2 gian nhà tạm để ở trông coi vườn hộ, vì nhà của bà trước đây đã cho người con dâu khác. Là mẹ của mình, lại thấy bà quan tâm, nhiệt tình nên vợ chồng bác Mận nào có nghi ngờ gì, liền dựng tạm hai gian nhà cho bà Lim ở với suy nghĩ, đằng nào cũng nhờ bà trông nom vườn tược luôn, vì lúc này nhà bác đang ở ngoài thị trấn. Những tưởng câu chuyện mẹ ở rồi trông nom đất cho con sẽ chẳng có vấn đề gì, thì một ngày đầu năm 2013, lúc ra thăm vườn vải, bác Mận ngỡ ngàng khi chứng kiến việc 17 cây vải gần 20 năm tuổi bị chặt phá tận gốc, nằm ngổn ngang.

Qua tìm hiểu, bác ngớ người ra khi biết, số cây đó chính là do mẹ chồng mình thuê người chặt hạ. Còn chưa hiểu lý do tại sao thì bác lại ngã ngửa người khi biết thêm rằng, từ năm 2011, mảnh đất của gia đình mình nhờ mẹ chồng trông hộ đã được huyện làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu cho bà, với diện tích 300m2 đất ở, còn lại là đất trồng cây lâu năm.

Sau nhiều lần tìm cách hòa giải nhưng không đi đến thống nhất, cuối cùng, bác đành phải làm việc “cực chẳng đã” đó là làm đơn khiếu nại tới cơ quan các cấp, đề nghị hủy quyết định cấp sổ đỏ cho mẹ chồng, đồng thời, trả lại toàn bộ diện tích đất canh tác đó cho mình.

anh234.jpg
Ảnh minh họa

Tôi như chưa tin vào câu chuyện của bác, liền hỏi: “Thế bà Lim còn minh mẫn không ạ?”. Bác lắc đầu: “Bà mất rồi cháu ạ. Thế nên mọi chuyện càng phức tạp. Trước khi mất, bà lại di chúc toàn bộ phần đất ấy cho con gái của mình. Thành ra, từ chỗ đất của mình được cấp, rồi khai hoang thêm, có đóng thuế, sau đó vì xây nhà tạm đón mẹ ra ở, trông coi giúp, giờ thành trắng tay. Bác trai thì mất lâu rồi”.

“Thế bác khiếu nại đến những đâu rồi? Họ trả lời ra sao? Sao sự việc bác kể nghe từ lâu mà đến giờ vẫn chưa thấy giải quyết dứt điểm?”, tôi gợi hỏi. Bác mặt càng rầu hơn: “Đấy, cháu nhìn tập đơn từ công văn kia thì hiểu. Việc tưởng sáng như ban ngày ấy mà suốt mấy năm khiếu nại, đơn từ, người ta vẫn chưa đưa ra được quyết định hợp tình, hợp lý. Mình là người bị mất đất, mà giờ thành kẻ vu vạ, như kiểu đi ăn xin ấy cháu ạ”.

Nói rồi, bác lục hồ sơ, đưa cho tôi xem một loạt văn bản liên quan đến sự việc. Trong đó, có những quyết định của UBND huyện, cái nọ phủ nhận cái kia, lãnh đạo sau thu hồi quyết định của lãnh đạo trước.

Lúc thì người ta ra văn bản thừa nhận sổ đỏ cấp cho bà mẹ chồng có trùng với một phần đất của bác Mận, sau đó văn bản sau lại ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho bà Lim vì sai đối tượng. Vài tháng sau, vẫn là ủy ban huyện, lại ra quyết định thu hồi, hủy quyết định thu hồi trước, và cho rằng việc cấp sổ đỏ cho bà Lim là đúng.

Cùng một cơ quan mà mỗi lúc họ trả lời, ra quyết định một kiểu, trong khi đất vẫn còn đó, những người chứng kiến vẫn còn, chứng cứ pháp lý liên quan đến việc sử dụng bác Mận vẫn giữ. Quả thật khó hiểu!

“Thế bây giờ bác định gửi đơn thư lên cấp trên nữa à?”, tôi ái ngại nhìn bác hỏi khẽ. Mắt bác rực lên niềm quyết tâm: “Bao nhiêu năm bác theo đuổi, tốn bao thời gian, công sức, tiền của, bị thị phi, điều tiếng, chẳng lẽ giờ bỏ cuộc sao cháu? Thực ra, nhà bác ở chỗ khác, chỗ đất bị lấy mất là khu trong sâu, xác định chỉ là nơi canh tác, giá trị cũng chẳng đáng bao nhiêu. Có điều, bác muốn mọi thứ phải rõ ràng, minh bạch. Chẳng lẽ lại im lặng để trắng biến thành đen được sao?”.

Thấy bác nói một hồi, giọng bắt đầu nghèn nghẹn vẻ sắp khóc, tôi chỉ biết động viên: “Thôi bác ạ, cứ phải bình tĩnh. Mọi việc chắc sẽ sáng tỏ thôi. Nếu bác khẳng định điều mình nói là đúng, thì chắc chắn điều đó sẽ là đúng, không thể nào khác đi được”.

Động viên bác như thế cho bác yên lòng hơn thôi, chứ tôi biết, những ngày sắp tới của bác chắc vẫn còn gian nan, mệt mỏi lắm. Tư vấn cho bác một số vấn đề về thủ tục pháp lý xong, tôi đứng dậy xin phép ra về.

Trước khi đi, tôi nắm chặt tay bác và chia sẻ thật lòng: “Chuyện nội bộ gia đình, cố gắng giải quyết trong gia đình, bác ạ. Có những thứ sáng tỏ ra rồi, cái được nhiều khi lại nhỏ hơn cái mất. Gia đình ruột thịt, có dễ gì bỏ được nhau đâu”. Bác im lặng, không nói gì, chẳng biết có để ý đến lời tôi nói không...

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn