Chị Xuân Liên (29 tuổi, Đồng Nai) thường xuyên quan tâm đến việc bảo quản thực phẩm để cả nhà luôn có những bữa ăn ngon. Chị chia sẻ, tùy vào điều kiện cá nhân hoặc sở thích mà mỗi người chọn trữ đông thực phẩm hoặc đi chợ mỗi ngày. Riêng chị thấy cách nào cũng có ưu điểm, nhược điểm do đó, là người nấu ăn, chúng ta nên tự cân đối hai điều này.
Chị cho biết, mình trữ đông thực phẩm mỗi tuần. Do vừa phải đi làm vừa chăm 2 con (công việc của chồng chị rất bận) nên chị phải tự sắp xếp và cân đối thời gian. Việc đi chợ và trữ đông thực phẩm vào mỗi Chủ nhật hàng tuần giúp chị tiết kiệm thời gian đi chợ thay vì đi chợ mỗi ngày, tiết kiệm chi tiêu vì mua lượng nhiều, lượng lớn, công sức dọn rửa chỉ 1 lần và chủ động được công việc trong tuần. Ngày cuối tuần chị tập trung được vào việc chuẩn bị bảo quản thực phẩm vì ông bà có thể trông bé cho chị được.
Khi trữ đông thì chị Liên để vừa đủ tủ đông nhưng giữa các hộp vẫn có khe hở để hơi lạnh tỏa đều khắp tủ. Chị trữ đông đa dạng các loại thịt, cá cho nhu cầu ăn đa dạng trong 1 tuần.
Chị Xuân Liên thường trữ thức ăn 1 tuần 1 lần
"Lúc còn đi làm thì mình trữ đủ ăn 1 tuần, Chủ nhật lại vét tủ và đi chợ tiếp. Giờ đang lúc dịch bệnh, nghề dạy học của mình được nghỉ làm nhưng mình lại rất hạn chế đi chợ, mình mua nhiều hơn và thường ăn trong 10 ngày hoặc hơn", chị Liên chia sẻ.
Thực phẩm trữ đông dĩ nhiên không ngon bằng thực phẩm tươi, nhưng nếu trữ đông đúng cách, dinh dưỡng của thực phẩm vẫn được bảo toàn.
Dưới đây là kinh nghiệm trữ đông thực phẩm của chị chia sẻ, chị em có thể tham khảo:
Trước khi trữ đông chị sẽ chuẩn bị các loại hộp để trữ đông và bảo quản các thực phẩm ngăn mát cho gọn gàng, dễ quan sát và dễ lấy. Các hộp sẽ được phân loại theo kích cỡ, tùy mục đích ăn.
1. Tôm sau khi rửa sạch cho lên ngăn đã khoảng 3-4 giờ cho se mặt ngoài rồi lắc lên cho rời từng con, nếu đông hơi cứng rồi, không lắc được thì dùng tay gỡ. Sau đó để tôm lại vào hộp vào trữ đông, như vậy, sau một thời gian trữ đông, bạn lấy tôm ra chúng không bị dính vào nhau. Nấu ăn bao nhiêu thì gỡ ra bấy nhiêu con rồi bóc vỏ, giã nhuyễn thôi, chứ không cần phải rã đông hết toàn bộ tôm.
2. Gà/vịt chia phần theo mục đích, rồi chặt nhỏ luôn. Ví dụ: thịt trắng (lườn gà) để luộc, trộn gỏi, nấu phở/miến; thịt đỏ (ức đùi cánh) để nướng/kho hoặc chiên; xương đầu chân để nấu canh hoặc ninh lấy nước dùng. Chia từng phần vào các hộp riêng.
3. Cá chia phần theo mục đích, rồi cắt lát. Ví dụ, đầu đuôi để nấu canh; phần bụng để chiên hoặc kho. Nếu để chung 1 hộp thì ngăn bằng 2 lớp lá chuối sẽ dễ lấy từng phần hơn.
4. Bò mua đủ các loại, rồi chia theo mục đích. Ví dụ, bò thăn để xào, nấu phở...; bò nạm để nấu bò kho...; bò bắp để nấu bún, trộn gỏi... Nếu để chung hộp thì chia thành 2 phần riêng biệt hoặc dùng lá chuối, lá lốt ngăn cách.
5. Sả, gừng: Sẵn máy xay, xay luôn sả/gừng... chia vào các ô, khi nào làm mắm gừng hay ướp thịt chỉ cần lấy theo viên.
Sau đó xay thịt bò/heo/cá để cuốn nem, cuốn lá lốt hoặc nấu canh... Nếu có cuốn nem thì để máy xay luôn nấm, cà rốt... Xay luôn tép hoặc cua để nấu canh riêu... Tóm lại là xay luôn 1 lượt.
6. Chả giò (nem), chả lá lốt cuốn sẵn, để đông mềm rồi lắc cho rời ra hoặc dùng tay gỡ rời, khi nào ăn thì chiên luôn.
Chả cá thì nặn bánh, chiên sơ để đông mềm rồi gỡ bánh nào ra bánh ấy; ăn chừng nào lấy chừng ấy; không rã đông cả hộp.
7. Hành ngò rửa sạch, để ráo, cắt nhỏ và cấp đông chung hay riêng tùy ý. Khi nào nêm thì dùng muỗng cạo cho hành rơi thẳng vào nồi luôn, không rã đông.
8. Bảo quản thực phẩm ngăn mát
- Đậu phụ: cho đậu vào hộp, đổ ngập nước, thay nước mỗi ngày, trữ được 7-10 ngày.
- Cà chua/chanh/ớt: lót khăn vải thấm nước ở đáy hộp (mọi người có thể lót giấy cũng được), lâu lâu lấy ra lau nước đọng ở nắp hộp.
- Trứng rửa sạch để sâu trong tủ sẽ bảo quản lâu hơn để ở cánh cửa.
- Trái cây nào cần thì để tủ lạnh (táo/nho...); vỏ dày lâu héo thì để chỗ thoáng là được (dưa hấu/bưởi...).
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn