Mẹ dằn vặt vì con điểm cao nhưng vẫn trượt trường THPT công lập

10:30 | 02/07/2023;
Biết điểm chuẩn vào lớp 10 THPT công lập ở Hà Nội, nhiều gia đình buồn bã vì con thi trượt. Những tiếng chỉ trích, thở dài của bố mẹ dành cho con, hay việc bố mẹ dằn vặt, tự trách mình vì không sát sao con...
Mẹ dằn vặt vì con điểm cao nhưng vẫn trượt trường THPT công lập - Ảnh 1.

Mẹ quan tâm, lo lắng cho con trong kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập Hà Nội

Con học giỏi, luôn tự giác và chăm chỉ học tập, thế nên chị Đoàn Mai Vân (Trung Tự, Hà Nội) luôn tin tưởng và để con quyết định mọi việc. Thế nhưng, chính vì quá tin tưởng vào con, quá chủ quan và không tìm hiểu kỹ kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập Hà Nội căng thẳng thế nào, giờ chị Vân cảm thấy ân hận và dằn vặt bản thân rất nhiều.

"Tôi đã khóc từ lúc biết điểm chuẩn đến giờ. Con gái tôi cũng khóc, đóng cửa phòng và không muốn gặp ai. Tôi không có kinh nghiệm với kỳ thi quan trọng này của con. Lỗi do tôi cứ mải miết đi làm kiếm tiền cho con đi học thêm. Tôi không ngờ kỳ thi lần này khốc liệt quá. Tôi ân hận vì đã không tìm hiểu kỹ.

Tôi chủ quan vì luôn nghĩ con mình học giỏi. Các môn học của con đều trên 9.0 điểm. Lần nào đi họp phụ huynh, con cũng có tên trong danh sách được cô khen. Ngoài việc đi học thêm ở lớp, tôi cho con đi học thêm của một giáo viên có kinh nghiệm luyện thi. Thấy con tự giác nên tôi rất yên tâm. Con tự tin đăng ký nguyện vọng 1 vào trường THPT Kim Liên và con chỉ thích ngôi trường này. Thậm chí, con còn chỉ đăng ký 1 nguyện vọng (NV) mà không đăng ký NV2, NV3. Nghe tư vấn của chị chuyên gia trên diễn đàn phụ huynh, tôi nói với con đăng ký thêm NV2, NV3 cho đỡ phí. Nói mãi thì con miễn cưỡng đăng ký NV2 là trường THPT Lê Quý Đôn- Đống Đa.

Mẹ dằn vặt vì con điểm cao nhưng vẫn trượt trường THPT công lập - Ảnh 2.

Niềm vui của bố khi đón con ở cổng trường thi

Hôm báo điểm, con được 41,5 điểm, trung bình hơn 8 điểm/môn. Tôi mừng vì so với mọi năm, mức điểm này không quá tệ. Nhưng điều tồi tệ đã xảy ra. Con đã thiếu gần 2 điểm so với điểm chuẩn trường THPT Kim Liên. Con cũng không đủ điểm vào NV2 là trường THPT Lê Quý Đôn.

Giá như tôi tìm hiểu kỹ, cân nhắc đăng ký NV1 là trường THPT Lê Quý Đôn thì con đã đỗ. Giá tôi không để con tự điền bừa NV2 là trường THPT Lê Quý Đôn mà chọn trường THPT Quang Trung- Đống Đa thì giờ con đã không "trượt thẳng cẳng", không có trường để học", chị Vân chia sẻ.

Dù con đỗ NV1 là trường THPT công lập top 1 nhưng lại trượt trường chuyên nên chị Nguyễn Thu Trang (Thanh Xuân, Hà Nội) không ngừng trách con và tự trách mình. "Con đã không đỗ trường chuyên nào, trường thì thiếu 1 điểm, trường thì thiếu vài điểm. Trước khi thi, tôi luôn nghĩ kiểu gì con cũng đỗ một trường nào đó. Bởi với cậu con lớn, dù mẹ không quan tâm nhiều nhưng con vẫn đỗ chuyên Tin. Với con thứ hai, tôi đã cẩn thận thuê gia sư cho môn chuyên của con. Gia sư nhận xét, con học được, điểm môn chuyên ở lớp ổn. Tôi chủ quan nghĩ rằng không có gì phải lo. Thế nhưng, khi đi thi thử trường THPT chuyên KHTN, nhìn kết quả của con tôi thực sự sốc. Sau đó, tôi tìm lớp luyện chuyên cho con nhưng thời điểm đó là quá muộn. Tôi nhận ra sai lầm của mình thì không có cơ hội để sửa chữa. Tôi chỉ biết trách mình đã chủ quan, không hỗ trợ con nhiều hơn, sớm hơn nên con không được học ở môi trường với các bạn học giỏi".

Mẹ dằn vặt vì con điểm cao nhưng vẫn trượt trường THPT công lập - Ảnh 3.

Con rất cần cái ôm đông viên khi không đỗ được nguyện vọng như mong muốn. Ảnh minh hoạ: T.H

Các con vừa trải qua một năm học rất vất vả với những tháng ngày luyện thi không ngơi nghỉ, không được giải trí, vui chơi, không có giấc ngủ ngon. Các con cũng vừa trải qua một kỳ thi cực kỳ căng thẳng, áp lực. Đặc biệt, các con vừa trải qua khoảng thời gian chờ đợi điểm rất hồi hộp, "đau tim". Nếu các con không may mắn đỗ vào ngôi trường đúng nguyện vọng của mình, hoặc các con trượt trường công lập, thay vì chỉ trích, dằn vặt con, cha mẹ hãy ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của con suốt năm học qua. Bởi hơn cả bố mẹ, các con đã rất mệt mỏi, buồn bã vì kết quả không như ý rồi.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn