Con rất hay kêu đau bụng. Thời gian này, đang là thời điểm diễn ra kỳ thi giữa kỳ nhưng hễ bố mẹ nhắc học bài là Bông lại nổi cáu. Chị Oanh và chồng đã rất tức giận khi thấy con không còn nghe lời, dễ bảo như trước. Không chịu được với tính cách ương bướng của con, chị Oanh cho con nghỉ học thêm. Bé Bông cũng không vì thế mà sợ, con vẫn kiên quyết sẽ không đi học thêm nữa.
Vợ chồng chị Oanh thường xuyên cảm thấy mệt mỏi với chuyện học của con. Thấy các nhà khác, bố mẹ đều bắt con đi học thêm nên nhà mình không thể có ngoại lệ. Thấy con cái nhà người ta đều ngoan ngoãn, nghe lời, mà sao con mình lại khó khăn đến vậy. Thế nên, chị Oanh thường hù doạ con: "Không chịu học thì sau này sẽ trở thành kể đầu đường xó chợ; không đi học thì sau này chỉ có đi ăn mày, đi hót rác".
Trước đây, bé Bông nghe lời bố mẹ vì việc học khá đơn giản. Thế nhưng, càng lớn, việc học càng khó khăn khiến bé chán học và phản ứng lại với bố mẹ. Chưa kể, yêu cầu của bố mẹ ngày càng cao khiến Bông cảm thấy khó có thể chấp nhận hết tất cả điều đó nên bắt đầu phản kháng.
Theo các chuyên gia tâm lý, trong trường hợp con chán nản chuyện học hành, không có động lực với việc học, cha mẹ không nên tạo áp lực với con. Cha mẹ nên nói với con: "Con cứ từ từ thôi cũng được. Chỉ cần con học một cách vui vẻ, không chán học là được. Chỉ cần con kiên trì là có thể học tốt. Bây giờ mẹ không rõ sau này sẽ thế nào nhưng chắc chắn những học sinh học tập một cách thoải mái, kiên trì, lớn lên sẽ có cuộc sống tốt đẹp". Cha mẹ hãy gieo niềm tin vào lòng con như vậy. Sẽ dễ dàng hơn nếu dạy con tự cảm thấy hài lòng với cuộc sống hiện tại và kiên trì nỗ lực để không cảm thấy cuộc sống hiện tại là bất hạnh.
Bên cạnh đó, việc người mẹ đã hù dọa để bắt con phải học là điều không nên. Trong quá trình nuôi dạy con, những lời nói dối, hành động đe doạ là cực kỳ sai lầm. Lớn lên, con sẽ tự nhận biết được đâu là sự thật, đâu là dối trá. Kết quả là quyền uy của bố mẹ sẽ sụp đổ. Con sẽ không tin vào lời bố mẹ và thấy đó là điều nực cười. Thế nên, dù có nóng ruột đến mấy thì bố mẹ cũng không nên cố tình dọa dẫm con. Hãy cứ "có gì nói nấy" một cách tự nhiên. Nếu việc học là cần thiết, quan trọng, hãy chia sẻ với con một cách bình tĩnh, không nên truyền sự bất an của bố mẹ sang con.
Dù thế nào, bố mẹ cũng nên sử dụng những lời nói tích cực để tạo động lực cho con. Dù sẽ không có hiệu quả ngay lập tức nhưng cha mẹ vẫn nên định hướng cho con bằng những lời nói nhẹ nhàng như: Mẹ thích những người chăm chỉ. Bố vẫn nhớ những lúc con cố gắng, nỗ lực, mỗi lần nghĩ tới chuyện đó là bố lại cảm thấy hạnh phúc.
Bố mẹ không thể dùng những lời nói đáng sợ, thái độ mang tính kích động để lôi kéo người khác. Sự kiên nhẫn, những lời nói nhẹ nhàng dễ lọt tai sẽ trở thành nguồn sức mạnh to lớn góp phần tạo dựng tương lai của con.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn