Mẹ dạy con tập đánh vần phải như đưa bé đi chơi trò thám hiểm

13:46 | 06/06/2018;
Đánh vần là bài học quan trọng khi bé vào lớp 1 nhằm giúp con tập và làm quen hơn với ngôn ngữ. Để đọc được chữ, con buộc phải học đánh vần. Việc dạy bé đánh vần ở nhà giúp bé cảm thấy dễ dàng, tự tin hơn khi học trên lớp.
123.jpg
Tạo sự hứng thú giúp trẻ thích làm quen và khám phá ngôn ngữ. Ảnh minh họa

 

Chị Trần Thị Hương Thảo, giáo viên trường Tiểu học Tiên Dương, Đông Anh, Hà Nội năm nay có con vào lớp 1. Không muốn gây áp lực cho con ngay từ ngày đầu tiên làm quen với chữ nên mỗi tuần, chị nhờ cô bạn đồng nghiệp kèm con 2 buổi theo lớp nhóm trẻ tổ chức tại nhà cô giáo. Chị Hương Thảo chia sẻ, chị không đặt kỳ vọng việc con đi học thêm để thuộc làu mặt chữ, mặt số, biết viết mà chỉ để cháu làm quen dần với môi trường lớp 1 (từ cách ngồi, cách cầm bút, cách thưa cô, giao tiếp với các bạn…) không còn như mẫu giáo.

“Môi trường và nội quy học tập, nề nếp sinh hoạt lớp 1 hoàn toàn khác với mẫu giáo. Vì thế, nếu không tập dần cho các con thì rất có thể con sẽ bị sốc khi vào lớp 1. Ở mẫu giáo, bé đã được làm quen với bảng chữ cái và số đếm nhưng cách học ở mẫu giáo là “học mà chơi, chơi mà học”, vào lớp 1 bé bắt đầu học thực sự. Việc ngồi mỗi tiết học phải tập trung 45 phút cũng là một áp lực với bé. Chính vì vậy, để con không “sợ” học, cha mẹ cần sáng tạo ra nhiều cách phong phú để kéo con vào việc học một cách tự giác và thích thú”, chị Thảo chia sẻ.

7.jpg
Chị Hương Thảo luôn dành thời gian cùng học với con mỗi ngày.

 

Hiện chị Hương Thảo đang được nghỉ hè nên có nhiều thời gian dành cho con. Ngoài thời gian học cố định chỉ khoảng 15 phút (sẽ được tăng dần lên 20-30 phút) vào mỗi buổi tối, việc học của con gái chị có thể diễn ra bất kỳ giờ nào trong ngày dưới nhiều hình thức: Có khi đang trong bữa ăn, khi bé thích 1 món nào đó và reo lên sung sướng, tức thì chị Thảo sẽ dạy và cùng con đánh vần chữ đó. Hoặc khi đang xem ti vi, chị cũng thường xuyên dạy con đánh vần tên các nhân vật mà con yêu thích… Lúc rảnh rỗi, khi chơi với con, chị hay hỏi bé Bông thích các con vật gì, thích được đánh vần chữ nào rồi chị cầm giấy bút hoặc bảng chữ cái chỉ cho con cách ghép chữ, đánh vần.

Mỗi lần con học được một chữ mới, chị lại đưa tay ra dấu “zê…e…e…” để khen ngợi, cổ vũ con. Được mẹ khen ngợi, bé Bông cảm thấy hào hứng với việc học hơn.

Bản chất của các bé là thích khám phá nên theo chị Thảo, khi dạy bé đánh vần, phụ huynh phải tạo cho bé cảm giác thích thú như đang chơi trò thám hiểm. Như vậy bé mới không nhàm chán, hào hứng học hơn.

3.jpg
Tạo sự thoải mái và hứng thú cho con khi làm quen với ngôn ngữ là cách chị Thảo áp dụng với bé Bông.

 

4 điều cha mẹ cần ghi nhớ khi dạy con tập đánh vần

- Đảm bảo thuộc bảng chữ cái: Bé không thể tập đánh vần nếu không thuộc lòng bảng chữ cái. Trước khi vào lớp 1, khi học mẫu giáo các bé đã được làm quen với các con chữ và bảng chữ cái. Tuy nhiên, trước khi dạy bé đánh vần, phụ huynh phải cho bé ôn luyện để củng cố lại bảng chữ cái.

- Đánh vần từ dễ đến khó: Bố mẹ nên bắt đầu dạy con đánh vần những từ đơn giản nhất với 2 đến 3 chữ cái, và gần gũi với bé mà bé đã nghe nhiều, nói nhiều, có thể hiểu được như: bố, mẹ, bà, cô, dì, mợ, con, anh, chị, em, chó, mèo, kem, kẹo hoặc tên của bé,… Những từ này sẽ giúp bé dễ hình dung và liên tưởng hơn nên bé sẽ học nhanh chóng hơn. Sau khi bé đã có thể đánh vần tốt những từ dễ thì mẹ dần dần nâng độ khó của các từ. Quá trình học đánh vần của bé nên diễn ra từ từ, một cách tự nhiên, mẹ không nên nôn nóng mà dạy luôn cho bé các từ khó, bé sẽ không mấy hứng thú với việc học.

6.jpg
 Được mẹ luôn cổ vũ, động viên nên bé Bông rất hào hứng tập đánh vần. 

 

- Duy trì luyện tập khoảng 10 phút mỗi ngày: Khả năng tập trung của các bé thường rất kém, đồng thời việc đánh vần đôi khi cũng khá mỏi miệng, mất sức nên mẹ chỉ nên cho bé học hàng ngày trong khoảng thời gian ngắn từ 5 đến 10 phút. Thời gian học không nhất thiết cố định mà mẹ có thể ngẫu hứng dạy bé khi bé đứng gần bảng chữ cái… bé sẽ cảm thấy hứng thú và vui vẻ hơn. Tuy nhiên, việc dạy bé phải được thực hiện đều đặn mỗi ngày thì khả năng đánh vần của bé mới nhanh chóng được cải thiện.

- Học như chơi, không ép bé: Bé có tâm lý thoải mái nhất khi học đánh vần thì việc học sẽ hiệu quả hơn. Do đó, mẹ nên cho bé học theo hình thức vừa học vừa chơi, không nên ép buộc bé. Mẹ có thể mua một bộ chữ với tên và hình ảnh các con vật quen thuộc cho bé và treo một bảng chữ cái lên tường để tiện cho việc học của bé…

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn