Buổi toạ đàm có sự tham gia, chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bình Định; bà Châu Thị Ngọc Hồng, Chủ tịch Hội Phụ nữ Công an tỉnh Bình Định; 1 trẻ mồ côi do Covid có hoàn cảnh khó khăn, một người nhà của trẻ mồ côi.
Những đau thương, mất mát do đại dịch Covid-19 để lại đã trở thành vết thương lòng khó phai với nhiều gia đình, đặc biệt là với những em nhỏ ở độ tuổi "ăn chưa đủ no, lo chưa tới". Các em không chỉ mất đi tình thương của người thân mà còn chịu những thiệt thòi về vật chất so với bạn bè cùng trang lứa. Và bằng tình thương của mình, các mẹ đỡ đầu đã chia sẻ phần nào những bất hạnh của cuộc sống, giúp các em có thêm điểm tựa và niềm tin hướng về tương lai tươi sáng.
Để góp phần hỗ trợ và chăm sóc các em, cuối năm 2021, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã triển khai Chương trình "Mẹ đỡ đầu". Sau hơn một năm thực hiện,, Chương trình này đã được các cấp Hội LHPN trên địa bàn tỉnh Bình Định tích cực hưởng ứng, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng.
Theo báo cáo Kết quả thực hiện Chương trình "Mẹ đỡ đầu" năm 2022 của Hội LHPN tỉnh Bình Định, tính đến 30/10/2022, có 43 cháu mồ côi do Covid (trong đó có 42 trẻ mồ côi cha hoặc mẹ và 01 cháu mồ côi cả cha và mẹ). Hiện đã có 42/43 cháu được nhận đỡ đầu. Qua khảo sát các trường hợp trẻ mồ côi trên địa bàn tỉnh, tính đến nay toàn tỉnh Bình Định có 420/4.275 trẻ mồ côi được nhận đỡ đầu (trong đó, Hội LHPN tỉnh Bình Đinh nhận đỡ đầu 01 cháu, Hội Nữ Doanh nhân tỉnh Bình Định nhận đỡ đầu 24 cháu, cơ sở Hội và hội viên nhận đỡ đầu 337 cháu, các đơn vị khác nhận đỡ đầu 58 cháu) với số tiền vận động là 1 tỷ 018 triệu đồng.
Tại Toạ đàm, các đại biểu đã lắng nghe, chia sẻ những tâm sự của trẻ về cuộc sống, động lực của trẻ khi có sự hỗ trợ, giúp đỡ của xã hội đối với sự mất mát, khó khăn mà các cháu gặp phải; những mong đợi từ xã hội dành cho các em và của các tổ chức, cá nhân nhận đỡ đầu trẻ mồ côi; vai trò, trách nhiệm của các cấp Hội trong việc kết nối các tổ chức, đơn vị, cá nhân nhận đỡ đầu trong thời gian tới...
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn