Người Do Thái nổi tiếng thế giới về khả năng quản lý tài chính cực kỳ lợi hại. Kỹ năng kiếm tiền, sử dụng và quản lý tài chính khôn ngoan chính là một trong những chiến lược được phụ huynh ở quốc gia này lưu tâm trong quá trình nuôi dạy con.
Dạy nhận biết tiền từ lúc con... tập nói
Với tư duy dạy con khoa học và nhất quán, nhiều bà mẹ Do Thái đã thành công trong việc nuôi dạy những đứa trẻ sớm hiểu biết về giá trị đồng tiền và dùng tư duy cùng sự khôn ngoan của mình để nghĩ ra cách kiếm tiền và quản lý nó.
Sau hàng chục năm đúc kết, thế giới ghi nhận các giai đoạn được nhiều gia đình ở Israel áp dụng trong việc dạy con tiếp cận về tài chính - điều mà không phải quốc gia nào cũng muốn đẩy mạnh trong chiến lược giáo dục.
Có 5 giai đoạn trong việc để con tiếp cận tiền, được một số chuyên gia giáo dục tại đây chia sẻ. Thật bất ngờ là giai đoạn đầu đời có thể cho bé tiếp cận về tiền chính là lúc bé bắt đầu... tập nói. Ngay khi trẻ bắt đầu tập nói, cha mẹ người Do Thái đã dạy con cách phân biệt tiền, dạy chúng hiểu tiền có thể mua những thứ chúng muốn và quan trọng hơn là tiền từ đâu mà có.
Giai đoạn thứ hai được gọi là kỹ năng cầm tiền. Trong khi nhiều cha mẹ khác không cho con cái quản lý tiền tiêu vặt thì với mẹ Do Thái, không cho con cầm tiền khiến chúng chỉ biết dựa dẫm vào gia đình.
Bởi lý do này nên khi con lên 10 tuổi, những bà mẹ Israel sẽ lập cho con một tài khoản riêng với một số tiền nhất định, hướng dẫn con cách chi tiêu và tiết kiệm sao cho thông minh và khoa học. Con cái sẽ biết chịu trách nhiệm về hành vi chi tiêu của mình.
Khi con lớn hơn một chút, các bé chính thức bước vào giai đoạn rèn kỹ năng kiếm tiền. Cha mẹ Do Thái dạy cho con những quy tắc kiếm tiền, quy tắc đầu tư, xoay vòng vốn. Họ dạy con hiểu được bài học về những đồng tiền do chính công sức mình bỏ ra mà có được.
Kiếm được tiền, dù nhiều dù ít, những đứa trẻ Israel sẽ được dạy kỹ năng quản lý tài chính để biết các tiết kiệm tiền và chi tiêu đúng mức.
Mẹ Do Thái còn dạy con cả những quy cách ngân hàng, các cách đầu tư tài chính thông minh. Thông điệp mà họ muốn gửi đến con là không phải biến chúng thành những cỗ máy kiếm tiền rồi tiêu tiền, mà là để giúp chúng có cuộc sống tốt đẹp hơn, biết trân trọng đồng tiền và sức lao động.
Quản lý tiền bạc bằng 5 chiếc lọ
Có một mẹo hay luôn được nhiều bậc phụ huynh truyền tai nhau là cách quản lý tiền bạc từ 5 chiếc lọ của cha mẹ Do Thái. Mỗi chiếc lọ đều được dán nhãn cẩn thận với 5 tên tương ứng: Chi tiêu hàng ngày, từ thiện, tiết kiệm, đầu tư và đóng thuế.
Mỗi lần được cha mẹ cho 10 đồng Shekel (tiền Israel), trẻ sẽ được dạy bỏ vào mỗi lọ từ thiện, tiết kiệm và đóng thuế 1 đồng, 2 đồng vào lọ đầu tư và 5 đồng vào lọ chi tiêu hàng ngày. Sau đó, lọ từ thiện để giúp đỡ người khác sẽ được mở vào cuối tuần. Lọ đóng thuế sẽ được mở vào cuối tháng.
Lọ tiết kiệm chỉ được mở vào những dịp đặc biệt như khi gia đình gặp khó khăn hoặc có người bị ốm. Lọ đầu tư chỉ được mở khi nó đã đầy.
Con cái sẽ có quyền tự quyết định chi tiêu. Ngay cả khi chúng mắc sai lầm, cha mẹ cũng không can thiệp, mắng mỏ hay giúp đỡ. Trẻ sẽ tự học hỏi sau những thất bại. Bằng cách này, chúng sẽ sáng tạo hơn trong quá trình ra quyết định và chịu trách nhiệm cho hành động của mình.
Khi đã biết cách quản lý tiền bạc đúng đắn, tất cả những việc khác trong cuộc sống sẽ dễ dàng giải quyết hơn. Đó là lý do vì sao trẻ em Do Thái phát triển thành công hơn và có sự hài lòng hơn với cuộc sống. Tỷ lệ ly dị trong gia đình người Do Thái sống ở Mỹ thấp hơn 90% so với những gia đình người Mỹ khác.
Trong khi nhiều người đang vật lộn với nợ nần, thì người Do Thái vẫn hài lòng với tài chính và công việc kinh doanh của họ.
Người Do Thái chỉ chiếm 0,2% dân số nhưng lại chiếm tới 20% tổng giải thưởng Nobel toàn thế giới. Họ luôn có những đóng góp lớn cho thành tựu của nhân loại và những bài học của họ luôn đáng để chúng ta học hỏi.