Căn nhà trọ tại số 100 đường N12, Khu tái định cư Long Sơn, khu phố Thái Bình 2 (phường Long Bình, quận 9, TPHCM), hiện là nơi trú ngụ của chị Linh và con trai lớn.
Cách đây gần 8 năm, chị và chồng rời quê hương Thanh Hóa vào TPHCM lập nghiệp với mơ ước xây dựng hạnh phúc gia đình và thoát khỏi cái nghèo. Nào ngờ bất hạnh ập đến vào năm 2018, trên đường về nhà sau khi làm ca đêm, chồng chị bị tai nạn giao thông và tử vong ngay tại chỗ.
Lau vội dòng nước mắt đang lăn dài trên gò má, chị Linh buồn rầu cho biết: "Hôm đó, tôi cứ tưởng chồng tăng ca nên đến sáng mới gọi điện. Tôi gọi mãi nhưng anh không bắt máy. Lúc sau, công an gọi lại và nói chồng tôi đang nằm ở Bệnh viện quận Thủ Đức. Khi đó tôi không biết bệnh viện này ở đâu nên phải nhờ người chở đi. Trên đường, tôi chỉ nghĩ chồng bị tai nạn nên cấp cứu ở đó chứ không nghĩ chồng mất rồi. Tôi chỉ còn 2 triệu đồng trong túi và lúng túng trước tin dữ. Nhờ có bạn bè của chồng đứng ra lo giúp các thủ tục và tiền nong đưa anh về quê an táng. Nỗi đau này tới nay vẫn chưa nguôi ngoai, nhiều đêm nhớ chuyện cũ, tôi ôm con mà trào nước mắt. Tôi khóc rồi tự lau nước mắt. Số phận của mình là vậy rồi, bây giờ chỉ nghĩ về 2 con để mạnh mẽ, cố gắng bước tiếp!".
Từ ngày bố mất, bữa cơm chiều của em Ngô Minh Đức không còn được đủ đầy như trước. Mẹ là công nhân nên thường xuyên tăng ca, có khi làm ca đêm đến 22h mới về. Em được mẹ gửi nhà hàng xóm để ăn tạm bữa cơm chiều. Hiểu được hoàn cảnh của mình nên dù nhỏ tuổi nhưng Đức đã tự giác trong việc học tập, vệ sinh cá nhân và không làm mẹ phiền lòng. Hiện em Đức là học sinh lớp 2, trường Tiểu học Tạ Uyên (quận 9, TPHCM).
Chị Linh đang làm công nhân ở Công ty NiDec Servo (quận 9). Đứa con nhỏ được chị gửi về quê để ông bà nội chăm sóc nhưng hiện nay ông nội đang bị liệt. "Từ ngày chồng mất, tôi cố gắng bám trụ ở Sài Gòn để mưu sinh. Bởi tôi đã làm ở công ty được thời gian dài, có bảo hiểm, phúc lợi xã hội. Nếu về quê, tôi phải làm lại từ đầu và chưa biết làm công việc gì. Song, khó khăn do dịch Covid-19, công việc của công nhân ngày càng bấp bênh, ngày làm ngày nghỉ. Nhiều lúc, tôi đau đầu suy nghĩ làm sao xoay xở để có tiền lo cho con không bị đói, tiền gửi về quê nuôi đứa nhỏ. Nhiều người khuyên tôi đi bước nữa nhưng tôi thấy có không ít trường hợp cha dượng đánh đập con riêng của vợ nên tôi nghĩ mình sẽ ở vậy nuôi con. Giờ tôi chỉ mong được khỏe mạnh để làm việc. Tôi ám ảnh khi nghe nhắc tới tai nạn giao thông, tôi sợ mình đau ốm hay có mệnh hệ nào thì chẳng biết 2 đứa con sẽ sống ra sao", chị Linh bộc bạch.
Đại diện Chi hội phụ nữ khu phố Thái Bình 2 cho biết: Chị Linh tuổi còn trẻ mà đã chịu cảnh góa chồng và nuôi 2 đứa con nhỏ. Ở đây Linh cũng không có người thân, họ hàng. Hai mẹ con chỉ biết dựa vào nhau. Những hôm mẹ đi làm ca đêm thì bé Đức ở nhà tự chơi, tự học đợi mẹ về hoặc sang hàng xóm cho ăn tạm bữa cơm. Làm công nhân thì lương thưởng không được bao nhiêu, song Linh rất siêng năng chịu khó đi làm, đau ốm cũng không dám nghỉ vì sợ mất tiền chuyên cần.
Với người mẹ đơn thân này, những tháng ngày phía trước khó khăn vẫn chồng chất, nỗi lo "cơm áo gạo tiền" đè nặng lên đôi vai chị khi 2 đứa con còn quá nhỏ.
Vào lúc 11h30 thứ 6 hàng tuần, mời bạn đón xem livestream bán đấu giá các sản phẩm gây quỹ Mottainai 2020 và mua hàng trên fanpage https://www.facebook.com/baophunuvn/
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn