Mẹ đưa con 15 tuổi đi phá thai, bạn trai dọa đốt phòng khám

07:45 | 18/05/2017;
Cô bé nhất quyết không chịu cho bác sĩ khám mà la hét, đập phá đồ đạc trong phòng. Bên ngoài, bạn trai của cô gái tụ tập côn đồ, đọa đốt phòng khám nếu phá thai.
Đã mấy chục năm trong nghề sản khoa, bác sĩ Lê Thị Kim Dung, Trung tâm Y tế lao động (thuộc Bộ NN&PTNT) đã chứng kiến nhiều trường hợp đến làm các thủ thuật phá thai.

Tuy nhiên, điều khiến bác sĩ Dung trăn trở nhất là tình trạng phá thai ở độ tuổi vị thành niên. Nhiều em mới 15-16 tuổi, thậm chí 12 tuổi đã phải đến nhờ bác sĩ can thiệp do mang thai ngoài ý muốn. 

Trong số những trường hợp trẻ đến phá thai, bác sĩ Dung nhớ nhất là trường hợp em H.T.C (15 tuổi, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội). Hôm ấy, mẹ dẫn cô bé đến nhờ bác sĩ làm thủ thuật phá thai. Cô bé cho biết, tác giả của bào thai là cậu bạn trai cùng lớp.

Tuy nhiên, gia đình cô bé đều làm việc trong các cơ quan nhà nước. Vì vậy, khi biết con mang thai, người mẹ chỉ khóc bởi bé còn quá nhỏ dể sinh con nên đưa đến phòng khám để giải quyết. Gia đình cũng không muốn làm to chuyện, bởi sợ ảnh hưởng đến tương lai của con sau này.

Ở phòng khám, cô bé nhất định không cho bác sĩ khám, cũng không đồng ý phá thai mà muốn giữ lại để sinh con. Mỗi khi bác sĩ định khám, cô bé cứ giãy giụa, la hét, đập phá đồ trong phòng.

Ngoài ra, cô bé bèn lấy điện thoại gọi người yêu. Bạn trai cô gái đe dọa, nếu mà phá thai thì sẽ đốt phá phá phòng khám. Quả thực, chỉ một lát, bà thấy y tá báo có nhiều thanh niên đang tập trung bên ngoài phòng khám la hét, thậm chí mang theo hung khí.
2bb72508-ccf8-42ff-a72b-a680f8e64e3c.jpg
Bác sĩ tư vấn sức khỏe sinh sản cho trẻ vị thành niên
Trước tình huống đó, bác sĩ Dung đã giật điện thoại, không cho cô bé liên lạc với bạn trai. Đồng thời động viên cô bé uống thuốc giữ thai (thực chất là thuốc phá thai). Một lúc sau, cô bé ra máu rồi thai được đẩy ra ngoài. Lúc này, cô bé đã mệt, không còn la hét được nữa. Sau một lúc nghỉ ngơi, cô bé được gia đình đưa về, đám thanh niên tụ tập trước phòng khám cũng tự động giải tán.

Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam có khoảng 300.000 ca phá thai. Trong đó, số người phá thai ở tuổi vị thành niên chiếm 20% trong tổng số các ca nạo phá thai ở Việt Nam.

Bác sĩ Dung cho biết, tình trạng phá thai ở trẻ vị thành niên ngày càng nhiều, ảnh hương không nhỏ tới sức khỏe, tương lai của các em. Nguyên nhân cũng tình trạng này là do trẻ thiếu thông tin về sức khỏe sinh sản (SKSS).

Trong khi đó, hiện nay nay, công nghệ thông tin phát triển tràn lan, các em “ngập” trong các luồng thông tin khác nhau và có nhiều thông tin lệch lạc. Còn các bậc cha mẹ, gia đình và xã hội thường e ngại, né tránh khi đề cập đến chủ đề  SKSS khiến các em tự mày mò tìm hiểu các vấn đề liên quan. Đáng lo là sự tìm hiểu ấy nhiều khi không đúng hướng, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. 
bc-s-dung.jpg
Bác sĩ Lê Thị Kim Dung, Trung tâm Y tế Lao động
Còn theo bác sĩ Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc BV Phụ Sản Hà Nội, ở lứa tuổi vị thành niên, cơ thể các em vẫn chưa phát triển hoàn thiện. Vì vậy, khi mang thai sớm khiến các em phải đối mặt với nhiều nguy cơ về thai nghén cũng như các biến chứng khi mang thai và sinh con, như dễ bị sẩy thai, đẻ non, nhiễm độc thai nghén,… Ngoài ra, các em còn mất đi cơ hội học hành, hạn chế sự lựa chọn nghề nghiệp trong cuộc sống.

Cũng theo bác sĩ Ánh, điều lo ngại nhất là mang thai ở tuổi vị thành niên là các em thường đến các phòng khám tư, nơi có điều kiện không an toàn để phá thai. Điều này làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn và vô sinh trong tương lai, gây nguy cơ tử vong cao; nhiều em phải chịu những hậu quả nghiêm trọng về tinh thần sau khi nạo phá thai.

Để hạn chế tình trạng này, phụ huynh và người lớn nên hiểu tình dục không phải là vấn đề cấm đoán mà cần cung cấp kiến thức để các em hiểu biết đầy đủ, phù hợp theo từng giai đoạn và lứa tuổi. Cha mẹ nên là tư vấn viên đầu tiên về giáo dục giới tính cho con, đặc biệt là người mẹ. Cung cấp cho con mình thông tin về tâm lý, sinh lý, luật pháp,... để khi đối mặt với thực tế, các em biết cách tự bảo vệ mình, tránh mang thai ngoài ý muốn.

Ngoài ra, giáo dục giới tính ở nhà trường phải được triển khai toàn diện, trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết để có thể có một cuộc sống an toàn và lành mạnh, bác sĩ Ánh nói.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn