Mẹ giả vờ 'dốt' để 'bẫy' con ham học Toán

17:23 | 19/12/2018;
Xem sách Toán của con, tôi kêu lên: “Bài này khó quá, thực sự mẹ không biết cách giải. Sao bây giờ nhiều bài khó thế! Con có biết cách làm không thì giảng cho mẹ với!”.
Con gái lớp 4 của tôi vốn không có hứng thú với các bài tập Toán. Nhìn thấy bài toán hơi lắt léo, con không bao giờ chịu suy nghĩ. Tôi đã phải dùng chiêu “mẹ không biết”, khiến con tự tin vì mình giỏi hơn mẹ.
 
Con không học giỏi Toán và chỉ làm những bài có phép tính đơn giản. Những bài toán đố hơi lắt léo một chút, con bỏ cuộc ngay chứ không bao giờ chịu tư duy. Dù được gợi ý nhưng con vẫn luôn tìm cách “trốn” làm bài tập. Đã có lúc tôi bất lực với cô con gái ham chơi hơn ham học như vậy.
 
Thế nhưng, tôi biết rằng trẻ em rất dị ứng với lời chê và rất phấn khích khi được khen ngợi. Tôi đã cố tình không biết để con chủ động tìm hiểu về giảng cho mẹ. Xem sách Toán của con, tôi kêu lên: “Bài này khó quá, thực sự mẹ không biết cách giải. Sao bây giờ nhiều bài khó thế. Con có biết cách làm không thì giảng cho mẹ với!”.
 
dreamstime_s_49330903.jpg
Ảnh minh họa

 

Nghe mẹ nói thế, con gái tôi chép miệng: “Con tưởng người lớn cái gì cũng biết chứ. Bài toán của trẻ con mà mẹ cũng không biết cách giải à? Thôi để lát con giảng cho mẹ”.
 
Con gái tôi “vơ” vào trách nhiệm lớn lao nên ngồi suy nghĩ cách giải, chỗ nào không hiểu con ra nhờ anh trai giảng cho. Sau đó, con ra giảng cho mẹ một cách rất say sưa. Tôi nghe con giảng chăm chú, thỉnh thoảng lại hỏi con những điều chưa hiểu khiến con nghĩ rằng mẹ không biết thật. Con gái cảm thấy rất hãnh diện khi được làm “thầy” của mẹ như thế.
 
Với chiêu “mẹ không biết” để con có niềm tin rằng mình có khả năng, con đã dần dần tiến bộ. Tất nhiên, tôi không sử dụng chiêu này thường xuyên vì sợ bị con lật tẩy. Chỉ khi nào con lười suy nghĩ, định không làm thì tôi mới than thở: “Ôi bài Toán này khó thật đấy, mẹ nhìn mà chẳng hiểu gì cả! Làm như thế nào hở con?”. Và con gái lại “trúng bẫy” của mẹ.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn