Con trai tôi vừa tốt nghiệp đại học. Cháu là người năng động, ngay từ năm đầu lên Hà Nội học đại học, cháu đã trải nghiệm nhiều công việc làm thêm, tham gia nhiều hoạt động ngoại khoá ở trường nên rất ít khi về thăm nhà vào cuối tuần. Đến giờ thì cháu càng ít về.
Mấy tháng trước cháu phải tập trung làm luận văn tốt nghiệp, vợ tôi phải xin nghỉ phép lên chăm con. Giờ đã tốt nghiệp, cháu vẫn ở Hà Nội làm thêm và tìm việc mới. Vợ tôi sốt ruột nên cứ thu xếp được thời gian lại tranh thủ bắt xe khách lên với con.
Từ nhà tôi lên Hà Nội chưa đến 2 tiếng đi xe ô tô, đường sá đi lại cũng thuận lợi. Vợ tôi đã rất sốc khi cuối tuần trước, cô ấy đứng trước nhà trọ của con bấm chuông mãi mà con không ra mở cửa. Đến lúc gọi điện thoại cho con mới biết nó đã chuyển chỗ ở.
Không để thằng bé kịp giải thích, cô ấy tắt điện thoại, ra bến xe về nhà luôn. Con gọi lại cho mẹ cũng không nghe máy. Thằng bé gọi điện về cho tôi than phiền rằng mẹ cứ lên bất thình lình, không gọi điện trước, giờ có việc con chuyển chỗ ở chưa nói thì lại giận, bỏ đi, làm con khó nghĩ. Nhưng nó cũng không bắt xe về làm lành với mẹ mà lại hẹn mấy hôm nữa mới về nhà.
Vợ tôi cả tuần vừa rồi buồn ủ rũ, suy diễn hết chuyện nọ đến chuyện kia. Nào là con cái không tôn trọng bố mẹ. Nào là có khi lại sống chung với người yêu rồi cũng nên. Nào là chưa gì đã sợ bố mẹ làm phiền. Nào là mới làm được có tí tiền đã giở thói tự quyết…
Cô ấy sọp hẳn đi, khóc sưng cả mắt. Tôi đã khuyên vợ chờ con về, nghe nó giải thích mọi chuyện, lúc đó hai vợ chồng sẽ chỉ bảo cho con. Tôi cũng khuyên vợ, giờ con đã lớn, mình cũng phải để con chủ động quyết định cuộc sống, không nên can thiệp sâu vào mọi chuyện của con.
Nhưng cô ấy vẫn ấm ức, tối nào cũng tự dằn vặt mình không biết dạy con. Tôi mong sớm nhận được hồi âm của chị.
Nguyễn Văn Sơn (Ninh Bình)
Đúng là với cha mẹ thì lúc nào con cái cũng bé bỏng. Và Thanh Tâm cảm giác, cháu là con một nên bố mẹ đã dồn hết sự quan tâm, chăm sóc cho con. Nhưng ngược lại, bọn trẻ sẽ luôn muốn độc lập, muốn tự quyết.
Xin chia sẻ với nỗi bực mình của chị nhà nhưng Thanh Tâm mong chị sớm dừng lại những suy diễn của mình vì điều đó chỉ càng làm chị tổn thương mà thôi. Bởi vì chị luôn nghĩ về những điều mình cho rằng con không đúng, không yêu kính bố mẹ mà quên đi những khía cạnh tích cực của vấn đề, quên mất việc cha mẹ phải tôn trọng, chấp nhận suy nghĩ, cách giải quyết của con.
Trước khi chờ gặp con, hiểu rõ ngọn ngành câu chuyện của con, anh hãy cùng chị thảo luận về tương lai của gia đình, về mối quan hệ giữa bố mẹ với con trai. Con trai anh chị là người chủ động, nghiêm túc trong cuộc sống.
Cháu không bị choáng ngợp khi đi học xa nhà mà đón nhận những thay đổi, trải nghiệm những thay đổi. Vậy hãy yên tâm về con, để con mạnh mẽ khẳng định mình, tự tin bước đi trên đôi chân của mình.
Anh chị cũng nên tôn trọng cuộc sống độc lập của con, đến nhà con nên hẹn trước, nhất là sau này khi con xây dựng gia đình. Nếu có yêu cầu hay nguyên tắc gì giữa bố mẹ với con thì cả nhà nên thống nhất với nhau trước.
Cuối cùng, anh chị hãy quen với ý nghĩ, ngày con bước chân đi học đại học là ngày con rời xa vòng tay của mình. Đừng cố giữ chặt mà hãy khuyến khích con bay cao, bay xa và khẳng định, gia đình luôn là bến đợi bình an của con.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn