Cô bé hào hứng nói: "Mẹ ơi, tháng sau mình phấn đấu tăng số tiền lên 200 ngàn nhé! Con sẽ xin thêm vỏ lon bia, hộp bìa carton nhà bác Hải, cô Phượng, chú Hà. Chắc chắn mình sẽ kiếm đủ 300 ngàn mẹ ạ. Nếu thiếu, con sẽ tiết kiệm, không ăn quà chiều nữa".
Nghe con đề xuất, chị Nhã ra dấu nhất trí. "Được rồi, mẹ con mình thống nhất thế. Nhưng con không cần nhịn ăn quà chiều đâu. Nếu còn thiếu, mẹ con mình sẽ đề nghị bố đóng góp cho đủ", chị Nhã đưa ra sáng kiến. Cô bé sung sướng ra mặt. Cảm xúc ấm áp, hạnh phúc xen lẫn cảm động, tự hào trào dâng trong lòng chị.
Bao năm nay, chị Nhã vẫn giữ nếp chia sẻ yêu thương cùng những người kém may mắn, dù với mức thu nhập của vợ chồng chẳng dư dả gì. Trước đây, vợ chồng chị ở nhà thuê, con thì bé, vất vả trăm bề.
Từ ngày tiết kiệm mua được căn hộ tập thể cũ, cuộc sống của gia đình chị bớt gánh nặng hơn. Trong khoản thu nhập hàng tháng, chị Nhã luôn dành một phần nhỏ để làm thiện nguyện. Chị bảo, khi nghĩ đến những hoàn cảnh khó khăn, chia sẻ với họ, chị như được nhân niềm vui, có động lực yêu thương, vun đắp nhiều hơn cho gia đình nhỏ của mình.
Cũng là để bày tỏ lòng biết ơn cuộc đời, mỗi khi có dịp, chị lại gom góp, khi là tiền, khi là đồ dùng, lúc là đồ ăn, thông qua bạn bè, các hội nhóm để trao đến những hoàn cảnh khó khăn.
Năm nay, cô con gái út của vợ chồng chị Nhã vào lớp 1. Với mong muốn hướng con làm điều có ý nghĩa, đánh dấu năm đầu tiên con cắp sách đến trường, chị Nhã đã lên kế hoạch cùng con làm từ thiện bằng cách hướng dẫn con thu gom đồ phế liệu bán lấy tiền gây quỹ.
Nghe mẹ giảng giải ý nghĩa của việc làm, con gái chị Nhã hưởng ứng rất nhiệt tình. Mục tiêu hai mẹ con đưa ra là mỗi tháng "kiếm" được 100 ngàn để làm thiện nguyện. Vậy là 3 tháng nay, tháng nào cô bé cũng cùng mẹ nhặt nhạnh phế liệu, gom lại rồi bán cho mấy cô mua phế liệu.
Tháng đầu chưa quen nên số tiền mà hai mẹ con gom góp được là 50 ngàn, tháng thứ hai tăng lên 80 ngàn, tháng thứ ba được hẳn 150 ngàn đồng. Nhìn số tiền làm từ thiện tăng lên mỗi tháng, con gái chị Nhã thích thú vô cùng.
Nhiều hôm đi học về, cô bé còn cầm cả một bịch nilon đựng hơn chục vỏ sữa, vỏ chai, giấy nháp… Cô bé bảo với mẹ, thấy các bạn vứt lung tung, nên cô bé đã nhặt về để gom bán phế liệu.
Giờ đã thành thói quen, hễ đi đâu, thấy rác thải bị vứt lung tung là cô bé nhặt mang về "kho" để cuối tuần người mua phế liệu đến gom. Mỗi cuối tháng, cô mua đồng nát sẽ tổng kết, thông báo số tiền và trao lại cho cô bé.
"Thấy ánh mắt ngời sáng của con gái khi cùng mẹ làm việc thiện, niềm hạnh phúc ấy trong trái tim tôi không gì có thể so sánh được", chị Nhã bày tỏ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn