Mẹ hạnh phúc khi ngắm nhìn những mảng màu rực rỡ của con

09:55 | 10/12/2018;
Khi con cái có một sở thích, một niềm đam mê nào đó từ bé và say sưa với niềm đam mê ấy, hẳn sẽ là niềm vui không nhỏ với cha mẹ. Đối với tôi, niềm vui của tôi chính là ngắm nhìn con vẽ, mọi lúc, mọi không gian. Ngắm bàn tay nhỏ nhắn của con nhoe nhoét màu hay chiếc tạp dề lấm lem màu, cảm giác ấy còn thậm chí còn hạnh phúc hơn là nhìn thấy một bức vẽ đã hoàn hảo.

Từ khi lũn chũn mới hơn 2 tuổi, cô con gái nghịch ngợm của tôi đã bị thu hút bởi bộ sáp màu và cuốn tập tô. Lúc cho con đi nhà trẻ, các cô giáo cũng bảo với tôi rằng con rất thích thú mỗi khi đến giờ mỹ thuật. Mặc dù đôi bàn tay non nớt của con lúc ấy vẫn chưa rê chính xác vào đúng các hình thù ngộ nghĩnh ở cuốn tập tô, nhìn nguệch ngoạc lung tung, nhưng tôi vẫn thấy đáng yêu. Thế là từ đó, tôi bồi đắp niềm yêu thích mỹ thuật cho con bằng việc cùng tô màu với con và hướng dẫn con tập tô thật đều, thật mịn. Là con gái nhưng bé rất nghịch, ít khi chịu ngồi yên. Nhưng cứ đến giờ tập tô, con lại ngoan ngoãn ngồi một chỗ, say sưa tô, vẽ. Tôi vẫn giữ lại một vài cuốn tập tô của con, thi thoảng lôi ra ngắm nghía, lại ngồi mỉm cười một mình.

kids-drawing-featured.jpg
Ảnh minh họa 

Biết con có niềm yêu thích đặc biệt với vẽ, trong tôi rộn lên một niềm hân hoan. Sự hân hoan ấy không phải là kỳ vọng vào việc con sẽ trở thành một họa sĩ chuyên nghiệp, sẽ cho “ra lò” những tác phẩm hội họa để đời. Với tôi, đơn giản chỉ là con có niềm yêu thích đầu tiên trong đời, con biết yêu cái đẹp, thấy hứng thú với trò chơi màu sắc. Hội họa cũng kích thích sự phát triển của não bộ, tăng tính sáng tạo cho trẻ. Điều tôi mong muốn là bằng cách “chơi” với màu sắc, con sẽ học hỏi được nhiều điều thú vị, cảm nhận vẻ đẹp của những điều con muốn đưa vào bức vẽ, từ đó tạo ra được nhiều giá trị, năng lượng tích cực trong cuộc sống.

Nhưng cũng phải nói thêm một chút, rằng để đồng hành cùng con trên mọi phương diện, chúng tôi đôi lúc cũng dở khóc dở mếu. Tôi nhớ mãi lần đi làm về muộn, chồng tôi đón con về sớm và lại mải mê vùi đầu vào máy tính để xử lý nốt công việc. Lúc bước vào nhà, sém chút nữa là tôi ngất xỉu khi nhìn thấy một mảng tường lớn ở phòng khách đã lập tức biến thành… bảng vẽ của con gái.

Từng đường sáp màu đủ màu sắc, hình thù hiện lên trên bức tường màu vàng nhạt, trở thành một cảnh tượng đầy… cảm hứng. Còn cô con gái nghịch ngợm 4 tuổi của chúng tôi thì mặt đầy háo hức, chỉ chờ mẹ về để khoe tác phẩm mới của con. Chồng tôi vội vàng chạy ra xem có chuyện gì xảy ra, cũng… sốc không kém. Chúng tôi nhìn nhau một lúc, rồi bỗng chồng tôi hùng hồn tuyên bố: “Thôi được rồi, từ nay bố quyết định sẽ để con gái sáng tạo, tô điểm thêm cho căn nhà của mình bằng các bức vẽ trên tường. Con hãy cố gắng vẽ càng nhiều tranh đẹp, rực rỡ nhé!”. Con gái tôi nhảy cẫng lên hào hứng, ôm chầm lấy bố cười khanh khách nhờ lời tuyên bố đầy quan trọng với con lúc ấy.

Căn nhà nhỏ của chúng tôi từ sau buổi ấy, nhanh chóng lấp đầy các hình vẽ sáp màu của con. Sau khi vẽ xong ở những vị trí đắc địa, vừa tầm, rộng rãi nhất, cô nàng tiến đến những nơi thấp hơn, hoặc bắc ghế để cố tô cho được ở những mảng trống trên cao. Nói chung, con không tha cho bất cứ mảng tường trống nào. Đề tài thì nhiều vô kể, hoa cỏ, cây cối, con vật. Nhưng nhiều nhất, vẫn là hình ảnh ngôi nhà, bố mẹ dắt tay nhau, tất nhiên có con gái... chen vào giữa. Đi cùng bức họa gia đình đôi khi còn có bóng bay, có trái tim… Vợ chồng tôi nhìn “đại công xưởng” của con, nhiều khi cũng “đau tim” lắm mà đành ngậm ngùi. Khách khứa đến nhà chơi, ai cũng chặc lưỡi, sao lại để cho con nghịch ngợm thế, nhìn không còn là nhà nữa. Vợ chồng tôi khi ấy chỉ nhìn nhau cười khẽ.

Có lần, con sang nhà bạn chơi, chẳng hiểu lúc người lớn không để ý thế nào mà nàng chui vào phòng ngủ của người lớn, tiện tay họa luôn một bức gia đình của bạn lên tường, khiến gia chủ ngớ người. Cũng may, khi ấy “trình” của nàng đã lên rồi nên nhìn bức hình cũng ngộ nghĩnh. Cô bạn tôi cười xòa: “Cảm ơn con gái nhé, cô sẽ xem đây là hình trang trí đặc biệt nhất trong nhà mình!”, khiến nàng ta bẽn lẽn cúi gằm vì đã nhận ra “lỗi” của mình.

1.jpg
Con không tha cho bất cứ mảng tường trống nào trong nhà - Ảnh minh họa

 

Kể từ sau vụ tô tường kinh điển, cả nhà tôi thống nhất sơn lại toàn bộ tường cho sạch sẽ hơn, và cho con gái đến lớp học vẽ cuối tuần. Dần dần, sau khoảng 3 năm theo học đều đặn ở lớp mỹ thuật, giờ đây con gái đã biết sử dụng thêm một số chất liệu như màu acrilic, sơn dầu, màu nước. Vẽ trên giấy, rồi vẽ trên toan. Vẽ theo tranh, rồi cả vẽ “tươi” (nhìn hình ảnh thật để ký họa). Thi thoảng, con mang về một tài tác phẩm hoàn thiện, và chúng tôi nhờ cô giáo đóng khung, treo trang trọng trên tường nhà. Cô giáo con cứ đùa vui: “Khéo gần đủ để tổ chức triển lãm nhỏ cho nàng rồi!”.

Lúc vui, lúc buồn, tôi lại ngắm nghía tranh của con ở trên tường, hoặc lôi những cuốn tập cũ thời bé của con ra ngắm, không hiểu sao tôi thấy lòng mình thật bình an. Khi mệt mỏi, để giải phóng năng lượng xấu, tôi lại cùng con ngồi vẽ, hoặc đơn giản ngắm con vẽ. Những nét vẽ đã thành hình, cùng với sự lớn dần lên của con. Vẫn với gương mặt đầy say sưa chăm chú ấy, vẫn với đôi bàn tay nhỏ lấm lem ấy. Vậy mà chẳng hiểu sao đôi khi tôi cứ thấy rưng rưng. Con biết yêu cái đẹp, rung cảm với cái đẹp, điều ấy chẳng phải là món quà tuyệt vời nhất mà con dành tặng tôi sao? 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn