Cô kể, cuộc đời cô đã từng trải qua biết bao đắng cay, bon chen ở đời. Biết quá nhiều chuyện, hiểu quá nhiều điều nên thấy phía trước, tương lai của các con sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu không cố gắng ngay từ khi còn trên ghế nhà trường. Thế nhưng càng nói, con gái của cô lại càng chống đối.
Con gái cô năm nay bước vào lớp 11, đua đòi và thể hiện ra là một đứa ăn chơi. Bố mẹ chỉ là công chức bình thường, lương ba cọc ba đồng nhưng nếu nhìn vào cách sống của nó, có lẽ ai cũng nghĩ nó là "rich kid". Mới tí tuổi đầu đã tô son đậm khi đi học, nói dối đi học thêm nhưng lại lấy tiền đó để hẹn hò với bạn bè, trốn học đi cà phê... Cô tình cờ bắt gặp một lần con hẹn bạn trai tại quán cà phê, bắt ngay tại trận mà khi về, nó vẫn cãi ra vẻ oan uổng lắm. Tức giận, cô đã tát con 1 cái. Lúc đó cô rất hối hận nhưng vì quá giận nên cô không xin lỗi con.
Cô lấy chồng muộn nên có con cũng khá muộn. Có lẽ vì hơn con nhiều tuổi nên cách suy nghĩ và lối sống của cô quá khác con. Trải qua cuộc sống từ khi không có gì trong tay, làm việc gì cũng bị bắt nạt, phải tự mình vươn lên, nên cô hiểu các kĩ năng trong công việc quan trọng đến nhường nào. Cô rất buồn vì mình thương con, lo lắng cho con mà con không hiểu.
Con cái nhà người ta, mới vào cấp 3 đã hướng tới sẽ làm công việc gì, tập trung vào học hành, giúp bố giúp mẹ việc nhà… Còn con gái mình, học thì dốt, lại còn lười, chỉ chăm chăm vào làm đẹp, đòi mua quần áo, mỹ phẩm… Nếu cô cấm sử dụng, nó sẽ xin người khác và lén lút dùng sau khi đã ra khỏi nhà. Cô cảm thấy vô cùng bất lực. Mỗi lần cô nói chuyện, phân tích cho con hiểu thì con gái đều bất mãn không nghe: "Mẹ thì hiểu gì, bây giờ đứa nào cũng vậy!", "Mẹ không hiểu con, con không muốn nói chuyện với mẹ"…
Cô còn kể, hôm trước dọn phòng, cô thấy có điếu thuốc lá rơi trong phòng của con. Cô đã rất hoảng hốt. Ngay lập tức cô gọi điện nhưng con gái không nghe máy. Cô nhắn tin rất dài, nói về suy nghĩ của mình, cả phẫn nộ, tức giận, lẫn mệt mỏi, dằn vặt… gửi cho con gái. Thấy con đọc xong nhưng không trả lời, cô cảm thấy rất suy sụp, không biết mình đã làm sai ở đâu.
Thật lòng, cô muốn một lần có thể tâm sự cùng với con gái nhưng không hiểu sao, mọi câu chuyện luôn bắt đầu bằng mắng chửi và kết thúc bằng cãi vã. Giống như việc "điếu thuốc lá", cô đã dặn lòng phải bình tĩnh nhưng ngay khi thấy con gái về tới nhà, cô đã lôi nó vào phòng quát mắng, dò hỏi và kết quả cuối cùng là nó đóng sập cửa lại: "Mẹ không bao giờ chịu hiểu và tin con".
Ngày xưa cô đâu có vậy, bố mẹ thậm chí còn chẳng có thời gian quan tâm xem cô học hành như thế nào vì còn vất vả kiếm tiền. Vậy mà cô vẫn học tốt, đi làm và tự tin trong cuộc sống. Bao kinh nghiệm cuộc đời, cô muốn truyền lại cho con, vậy mà nó lại bất mãn không chịu nghe, chịu hiểu.
Thanh Tâm khẳng định với người mẹ ấy một điều, tình yêu của cha mẹ bao la và luôn muốn dành những điều tốt nhất cho con cái. Tuy nhiên, cách "dành" như thế nào thì không phải ai cũng đã làm đúng. Theo cách chia sẻ của cô, Thanh Tâm cảm thấy con gái cô đang cần sự tin tưởng và lắng nghe. Việc cô tát con ở quán cà phê trước mặt bạn của con, việc cô chưa hỏi rõ ngọn ngành đã tức tối mắng chửi về điếu thuốc lá,… và ngay cả cách cô chia sẻ việc con vừa học dốt lại lười biếng, không năng động… thể hiện một điều: cô không tin tưởng con và dành cho con 1 khoảng thời gian để học cách trưởng thành.
Cô đã có rất nhiều bài học nhưng cô đã gần 50 tuổi, còn con chưa đủ 18 tuổi… Cô không thể tham vọng con sẽ hiểu hết mọi thứ ngay lập tức. Thanh Tâm nghĩ, trong tình huống này, trước khi muốn làm thầy của con, trước hết cô hãy trở thành 1 người bạn của con, lắng nghe mong muốn và nguyện vọng để hiểu con gái muốn gì. Điều đó sẽ giúp cả 2 hiểu và chia sẻ với nhau nhiều hơn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn