Tọa đàm nhằm tuyên truyền, giáo dục và tôn vinh những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt, đồng thời là diễn đàn để các đoàn viên, người lao động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong quá trình phấn đấu, học tập, công tác và xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi các con chăm ngoan, học giỏi. Từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm để tiếp tục chỉ đạo tốt các hoạt động về công tác gia đình trong thời gian tới đạt kết quả cao hơn.
Phát biểu tại Tọa đàm, bà Đỗ Hồng Vân, Trưởng ban Nữ công, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh, trong bối cảnh chịu nhiều tác động của toàn cầu hóa và kinh tế thị trường hiện nay, cấu trúc và quan hệ gia đình Việt Nam có nhiều thay đổi, thậm chí có những thay đổi có thể làm mai một đi giá trị truyền thống. Tuy vậy, giá trị cơ bản của gia đình vẫn luôn là điều thiêng liêng đối với mỗi con người Việt Nam. Gia đình vẫn là thiết chế giữ được nhiều nhất những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp. Để chúng ta bước vào quá trình hội nhập nhưng vẫn giữ vững và phát huy nét bản sắc văn hóa truyền thống của gia đình Việt đòi hỏi phải có sự chung tay của cả xã hội, của tất cả các thành viên trong gia đình, và đặc biệt không thể phủ nhận vai trò quan trọng của những người phụ nữ, người vợ, người mẹ.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu tham dự đã cùng giao lưu, gặp gỡ và lắng nghe chia sẻ trực tiếp của đại diện các gia đình điển hình và cán bộ công đoàn. Đó là những chia sẻ của các gia đình cùng chung sống tứ đại đồng đường, gia đình lập nghiệp ở vùng đất mới... qua đó giúp chúng ta hiểu được phần nào việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt là chìa khóa dẫn đến thành công của mỗi người, bởi chúng ta ai cũng cần 1 tổ ấm để đi về.
Đó là động lực để mỗi thành viên cố gắng hoàn thiện bản thân và cần có ý thức vun đắp gia đình phát triển bền vững, hạnh phúc và luôn tràn ngập tiếng cười. Trong tổ ấm đó, vai trò của người vợ, người mẹ và cũng là nhiều nữ công nhân viên chức lao động thực sự vô cùng quan trọng.
Đồng hành với người lao động trong thời gian qua, tổ chức Công đoàn cũng có nhiều sự chung tay để giúp người lao động khắc phục mọi khó khăn, vươn lên lao động, học tập, phát triển và giữ gìn hạnh phúc gia đình. Nhiều hoạt động thiết thực về công tác gia đình, nhất là vào các dịp ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3), Ngày Gia đình Việt Nam (28/6): Biểu dương gia đình công nhân viên chức lao động tiêu biểu các cấp; Cuộc thi ảnh "Nét đẹp gia đình công nhân viên chức lao động"; "Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương"… được tổ chức ở các Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương và tương đương… đã thu hút đông đảo đoàn viên công đoàn tham gia.
Thông qua các hoạt động đã góp phần không nhỏ lan tỏa những nét đẹp của gia đình Việt, hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình nói chung, gia đình công nhân viên chức lao động nói riêng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Cũng tại buổi tọa đàm, các đại biểu được lắng nghe và giao lưu cùng chuyên gia Nguyễn Hải Hữu, nguyên Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Theo số liệu thống kê cho thấy, số vụ ly hôn ở Việt Nam hiện ở mức 60.000 vụ/năm, tương đương 0,75 vụ/1.000 dân. Tỷ lệ ly hôn so với kết hôn là 25%, có nghĩa rằng cứ 4 cặp vợ chồng đi đăng ký kết hôn thì có một đôi ra tòa. Chưa kể việc giáo dục con cái có nhiều bất cập… đã khiến nhiều gia đình thường gặp phải khó khăn trong việc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình trong giai đoạn hiện nay.
Theo ông Nguyễn Hải Hữu, tiêu chí của một gia đình hiện nay là no ấm - hạnh phúc - tiến bộ, trong đó vai trò của người phụ nữ rất quan trọng. Người phụ nữ phải biết vươn lên trong cuộc sống, biết tự chủ kinh tế, biết chăm lo cho gia đình và biết cách giáo dục con cái, làm chỗ dựa tinh thần vững chắc cho con cái.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn