Anh Tuyến kể, hồi anh làm công nhân may ở khu công nghiệp, mẹ chị Hương là người bán quà vặt, ngày nào bà cũng quẩy gánh quà đi bán. Tiếp xúc thấy anh- một khách hàng quen- hiền lành, thật thà nên bà dường như quên luôn chuyện anh là NKT, nhất quyết giới thiệu để anh làm quen với con gái xinh đẹp của bà.
Chia sẻ với PNVN, chị Hương, vợ anh Tuyến cho biết, anh là NKT vận động, đi lại khó khăn. “Nhiều người biết chuyện, tôi yêu và lấy NKT đã hỏi tôi, sao lại lấy anh ấy? Hồi mới yêu nhau, mỗi lần xuất hiện cùng nhau cũng bị rất nhiều người nhìn và chỉ chỏ. Giờ thì tôi có thể tự tin để trả lời, lựa chọn của mình không sai, bởi lấy người bình thường chưa chắc đã là người tốt như anh ấy”- chị Hương cười tươi nói.
Gặp mặt rồi chị Hương cũng cảm thấy ái ngại nên chưa vội nhận lời. Nhưng vì được bố mẹ “vun vào” và càng tiếp xúc càng thấy đó là chàng trai tốt, chị cũng nhanh chóng quên luôn việc anh đi lại không dễ dàng như bao người bình thường khác. “Khi đã yêu nhau, tôi thấy anh ấy như mọi người, không có gì khác biệt”.
Sau khi kết hôn, vợ chồng anh Tuyến cùng làm may và sau này mở một xưởng may nhỏ với vài người làm cùng. Khi biết Hội NKT huyện Quốc Oai cần người hỗ trợ, chính chị Hương và bố mẹ chồng đã động viên anh Tuyến tham gia. Nhớ lại đó là tháng 3/2011, bản thân anh Tuyến cũng cảm thấy bỡ ngỡ khi lần đầu tham gia "việc xã hội" bởi anh không biết bất kỳ một kỹ năng nào.
Gia đình nhỏ của họ giờ đã có thêm 4 thành viên và luôn đầy ắp tiếng cười. Anh Tuyến chia sẻ, từ khi tham gia Hội NKT huyện, anh bận vào các buổi sáng từ thứ hai đến thứ sáu. Các buổi chiều thì cùng vợ làm may, tối đến dạy con học. “Tham gia Hội cũng khá bận, có những lần tập huấn phải đi vắng vài ba ngày, thậm chí cả tuần. Nếu không có sự động viên của bà xã và sự hỗ trợ từ bố mẹ chắc tôi sẽ không thể yên tâm cống hiến và tham gia các hoạt động Hội”, anh Tuyến kể.
Còn với chị Hương, dù có thể chồng đi vắng sẽ vất vả hơn một chút nhưng chị cảm thấy vui khi thấy chồng năng động, hoạt bát khi tham gia hoạt động Hội. “Có lần đi tập huấn tiếng Anh về, nghe bố con anh ấy nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh tự nhiên tôi cứ tủm tỉm cười suốt. Nếu chỉ ở nhà làm may, anh ấy sao có thể mở mang đầu óc được?”- nụ cười và ánh nhìn của người phụ nữ ấy lấp lánh niềm vui và tình cảm đong đầy dành cho người chồng kém may mắn.
Vợ chồng họ cùng với rất nhiều cặp vợ chồng hoặc cặp mẹ con, bố con khác đã có mặt trong Chương trình “Gia đình đồng hành cùng Hội lần thứ 7” do Hội NKT TP Hà Nội tổ chức vào ngày 21/6/2019. Đây là hoạt động hưởng ứng ngày Gia đình Việt Nam 28/6/2019 với chủ đề “Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình”.
Bà Dương Thị Vân, Chủ tịch Hội NKT TP Hà Nội chia sẻ: Tháng 6 năm nay là tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình và ngày Gia đình Việt Nam là sự kiện lớn nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam. Đây cũng là ngày mọi người trong gia đình quan tâm đến nhau, quan tâm đến NKT, xã hội quan tâm đến trẻ nhỏ trong đó có trẻ khuyết tật.
Chương trình là hoạt động ý nghĩa được Hội NKT TP Hà Nội tổ chức thường niên suốt 7 năm qua nhằm tôn vinh những giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam và tri ân các thành viên gia đình đã luôn sát cánh, ủng hộ giúp đỡ bạn đời, người thân của mình trong các hoạt động Hội vì sự bình đẳng và hòa nhập của NKT; tạo cơ hội để các gia đình cán bộ Hội được gặp gỡ, giao lưu chia sẻ với nhau.
Trong khuôn khổ chương trình còn diễn ra tọa đàm với chủ đề “Gia đình- Điểm tựa cho người khuyết tật vượt lên tất cả”; chuyên gia tâm lý PGS.TS Lê Văn Hào cũng chia sẻ phương pháp quản lý căng thẳng, xung đột, nâng cao giá trị tinh thần cho gia đình.
* Theo số liệu công bố đầu năm 2019, cả nước hiện có khoảng 8 triệu người khuyết tật, chiếm 7,8% dân số (từ năm tuổi trở lên). Trong tổng số người khuyết tật của cả nước có 29% là người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng cần sự quan tâm trợ giúp của toàn xã hội. * Toàn TP Hà Nội có gần 99.000 người khuyết tật, chiếm 1,3% dân số, trong đó, nữ chiếm 47%. |