Mẹ lao tâm biến con thành 'thần đồng'

12:25 | 16/06/2016;
Với phương pháp giáo dục sớm, dạy trẻ từ 0 tuổi, con tôi đã trở thành “thần đồng” trong mắt mọi người. Tuy nhiên, phương pháp giáo dục này không dành cho những phụ huynh thiếu tính kiên trì, nhẫn nại - chị Đào Huyền My (Đội Cấn, Hà Nội) chia sẻ.

Cũng như nhiều bà mẹ khác, tôi mê mẩn phương pháp giáo dục sớm. Sẽ chẳng có bà mẹ nào không “phát sốt” khi xem các video trẻ 12 tháng tuổi đọc được các thẻ từ gồm 2 từ đơn, hay trẻ 3 tuổi nói tiếng anh vanh vách. Và tôi cũng đã “mơ mộng” con mình được như vậy. Tôi mơ ước con tôi sẽ trở thành “thần đồng”, thông minh và giỏi giang hơn những đứa trẻ khác. Từ đó, tôi nghiên cứu miệt mài các phương pháp giáo dục sớm và quyết tâm áp dụng cho đứa con vừa mới sinh của mình.

Khi bé được 6 tháng tuổi, tôi bắt đầu cho bé xem video  “Bé yêu biết đọc”. Thấy bé không chú ý, tôi chuyển sang phương án tranh dán tường khắp nhà. Đó là các tranh về con vật, phương tiện giao thông, loài hoa, quả, nghề nghiệp, đồ vật trong nhà, bộ phận cơ thể, mùa trong năm…Với các loại tranh  vừa có hình vừa có chữ, tôi hy vọng bé sẽ nhớ cả hai sau khi tôi hướng dẫn và cho bé xem đi xem lại nhiều lần.

giaoducsom2.jpg
Nhiều phụ huynh áp dụng phương pháp giáo dục sớm với con với mong muốn con sẽ trở thành "thần đồng". Ảnh internet.

Mỗi ngày, tôi chỉ cho bé xem những mảnh giấy dán vài ba lượt. Tôi còn dùng bút mầu, viết tên các đồ vật trong nhà vào các mảnh giấy, cắt ra rồi dán khắp nơi: tủ lạnh, ti vi, máy giặt, bàn, ghế, tủ… để bé có thể nhìn thấy chữ hàng ngày mọi lúc mọi nơi.

Khi bé 12 tháng tuổi, tôi bắt đầu đọc sách cho con vào buổi sáng ngủ dậy và buổi tối trước khi đi ngủ. Ban đầu, con không có hứng thú lắm, đã nhiều lúc tôi gần như muốn bỏ cuộc. Thế nhưng, tôi phải lên “dây cót “ tinh thần, kiên quyết sẽ kiên trì vì tương lai của con. Cuối cùng con đã thích sách, thích tự xem, tự lật, giở. Con đã nói đúng tên các con vật trong sách mẹ dạy. Điều đó khiến tôi càng có thêm động lực dạy con, bởi tôi hiểu con sẽ ngấm kiến thức dần dần, mỗi ngày.  

giaoducsom4.jpg
Cho con tiếp cận kiến thức mọi lúc mọi nơi. Ảnh internet.

Tôi tiếp tục cho bé xem đĩa “Bé yêu biết đọc” và các đĩa bài hát tiếng Anh thiếu nhi, những đoạn dạy về màu sắc, hình khối bằng tiếng Anh. 20 tháng tuổi, bé đã phân biết được các loại màu sắc, hình khối bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh, thuộc lòng bảng chữ cái tiếng Anh, chữ số tiếng Anh từ 0 đến 10, biết đếm đến 50;  thuộc một số bài thơ, bài hát và đặc biệt là bé rất thích đọc sách. Bé có thể tự ngồi xem sách khoảng 1 tiếng, giở và xem hình và chữ một cách rất thích thú. Để có kết quả đó, nhiều lần tôi cũng cảm thấy “đứt ruột”  khi bé cầm và xé các cuốn sách.

Khi bé được 22 tháng, tôi chính thức dạy chữ cho bé. Tôi mua bút màu về, cứ dạy một sự vật mới là viết luôn chữ đó: “Đây là cái gối. Mẹ viết chữ gối nhé”. Viết xong giơ lên đọc cho bé nghe: Gối, gối. Giới thiệu khoảng 3 sự vật thì quay lại kiểm tra chữ ban đầu. Nếu con nói sai thì mẹ sửa lại, con nói đúng thì mẹ nhảy lên reo hò cổ vũ.

giaoducsom3.jpg
Cha mẹ phải rất kiên trì, nhẫn nại mới có thể áp dụng phương pháp giáo dục sớm cho con. Ảnh internet.

Một ngày tôi ôn tập cho con khoảng 2-3 lần như thế. Tôi mua một cái bảng con của các anh chị tiểu học để viết chữ cho con. Con cũng rất hưởng ứng và thường nhiệt tình giúp mẹ xóa bảng. Đi đường, tôi hay dừng lai đọc và chỉ cho con bảng hiệu trên phố. Khi đi chơi, tôi luôn cầm bảng theo để gặp cây cối sự vật gì thì chỉ và viết luôn cho con. Kết quả, 24 tháng con chính thức biết đọc và hiểu biết về các lĩnh vực khác cũng rất tốt.

Trong quá trình “dạy sớm” cho con, tôi nhận thấy khả năng của các bé đều rất tuyệt vời. Các bố mẹ nếu biết khai thác hợp lý thì sẽ phát huy được hết tiềm năng của các bé. Tuy nhiên, khả năng của mỗi bé rất khác nhau, chỉ có bố mẹ mới hiểu được con và tìm được biện pháp thích hợp nhất. Điều quan trọng trong quá trình dạy con là phải kiên trì đến cùng, liên tục thay đổi hình thức, phương pháp dạy để bé có hứng thú và nhất là không được ép bé. Nếu bé không thích, cha mẹ nên dừng dạy hoặc thay đổi cách dạy. Tôi nghĩ,  chính tình yêu và sự tin tưởng của bố mẹ mới là nguồn động lực để bố mẹ và con thành công trong sự nghiệp “dạy sớm” này.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn