Mẹ lo lắng vì con trai lớp 1 quá nhút nhát

22:13 | 31/05/2018;
Thấy cậu con trai lớp 1 quá nhút nhát, luôn tìm cách né tránh người khác, cúi gằm mặt trước người đối diện, chị Nguyễn Mai Anh (Trung Tự, Hà Nội) cảm thấy rất lo lắng.
vi-sao-tre-nhut-nhat.jpg
Nhiều cha mẹ lo lắng khi con nhút nhát, yếu đuối, sợ đám đông. Ảnh minh họa

Chị Mai Anh cho biết, suốt năm học lớp 1, khi các bạn trong lớp sôi nổi giơ tay phát biểu thì con trai chị chỉ cúi gằm mặt xuống bàn, né tránh ánh mắt của cô giáo. Theo cô giáo nhận xét thì con hiểu bài, tiếp thu được, tuy nhiên con không tự tin trước đông người. Chị Mai Anh không biết làm thế nào để có thể khắc phục tính nhút nhát này của con. Chị Mai Anh lo rằng, nếu với tính cách này thì sau này con sẽ gặp rất nhiều bất lợi trong học tập, trong cuộc sống

Chồng chị cho rằng, cứ đẩy con ra ngoài, không chiều chuộng con nữa thì tự khắc con sẽ phải mạnh dạn hơn. Thế nhưng, làm mẹ, chị Mai Anh hiểu rằng đó không phải là phương pháp hữu hiệu với cậu bé “e ngại đám đông”. Nếu làm quá, cách này còn ảnh hưởng đến tâm lý của con.

Theo chuyên gia tâm lý Cheonseok Suh (Hàn Quốc), không phải những đứa trẻ nhút nhát đều gặp khó khăn trong quá trình thích ứng xã hội như bố mẹ lo lắng. Ông cho rằng, tính cách nhút nhát của trẻ hoàn toàn không hề tiêu cực như mọi người vẫn nghĩ. Những đứa trẻ này chỉ mất nhiều thời gian hơn dể thích nghi với môi trường mới và có khuynh hướng trốn tránh nguy cơ mà thôi. Bé không thích mạo hiểm và khá cẩn trọng, nhưng bé lại có thế mạnh là dành đủ thời gian và suy nghĩ thấu đáo để quyết định vấn đề gì đó. Bé thận trọng và nghiền ngẫm sâu sắc về mọi việc.

Việc bố mẹ ghét tính nhút nhát của con, thường phản ứng thái quá sẽ khiến con càng thu mình hơn. Chính sự lo lắng của bố mẹ cũng khiến con trở nên nhút nhát hơn. Trẻ sẽ gặp nhiều căng thẳng khi phải va chạm với cuộc sống. Thế nên, trẻ luôn mong bố mẹ sẽ luôn ở bên cạnh mình.

Định hướng cho các bé nhút nhát, theo ông Cheonseok Suh, cha mẹ cần cho bé có thời gian, phải chờ đợi cho đến khi bé có thể tự chiến thắng bản tính nhút nhát của mình. Bố mẹ hãy chăm chú nghe con chia sẻ, khích lệ con thể hiện cảm xúc.

nhut-nhat.jpg
Không phải những đứa trẻ nhút nhát đều gặp khó khăn trong quá trình thích ứng xã hội. Ảnh minh họa

 

Bên cạnh đó, việc bố mẹ không ngừng kể với con những kinh nghiệm chiến thắng nỗi sợ hãi của bản thân cũng có ích. Cha mẹ lưu ý, không nói với con theo kiểu: Bố mẹ trải qua rồi nên biết. Bởi, đối với những người đang phải chịu sự sợ hãi, tất cả mọi thứ đều khẩn thiết và cụ thể. Bố mẹ nói rằng mình cũng đã từng lo sợ tương tự sẽ giúp bé cảm thấy được an ủi trong chốt lát. Và bố mẹ hãy kể cho con nghe những kinh nghiệm của mình, như: Bố mẹ trải qua có lẽ không giống với con nhưng…

Ngoài ra, cha mẹ cần thường xuyên chơi với bé những trò chơi để bé giải tỏa căng thẳng và giải phóng năng lượng như hò hét, hát, cười thoải mái. Khi bé lo sợ, nếu bé có thể nhớ tới những khoảnh khắc tâm hồn dễ chịu thì việc vượt qua nỗi sợ hãi sẽ trở nên dễ dàng hơn đôi chút.

Cuối cùng, cha mẹ hãy để bé thử sức với những thử thách vừa tầm trước khi đối mặt với thử thách lớn. Khi con cảm thấy áp lực trước một buổi phát biểu quy mô lớn, cha mẹ để con đứng trên một sân khấu nhỏ hơn trước để con “tập dượt”. Được chuẩn bị tinh thần như thế, con sẽ đỡ căng thẳng và vượt qua thử thách đỡ khó khăn hơn.

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn