Cách đây 6 năm, ba của em Ngô Anh Kiệt (sinh năm 2012, ngụ xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước) bị xe tông lúc đang đi bộ. Sau nửa tháng nằm viện, ba của Kiệt qua đời. Khi đó, chị Phạm Thị Yến (mẹ ruột của em Kiệt) chạy vạy khắp nơi mới mượn được khoảng 100 triệu đồng để lo viện phí, ma chay cho chồng và tiền học hành cho các con.
Ngày chồng mất, chị Yến tan nát cõi lòng. Phải trải qua một thời gian dài, chị mới nén lại nỗi đau để tiếp tục lo cho Kiệt cùng 2 người anh là Lực (sinh năm 2007) và Lượng (sinh năm 2009). Cuộc sống gia đình vốn đã khó khăn nay lại thêm chồng chất nỗi đau.
Chồng chị Yến mất để lại gánh nặng cơm - áo - gạo - tiền đè lên đôi vai của người vợ lúc đó sắp sửa bước qua tuổi 30.
Thu nhập bình quân của chị Yến là hơn 2 triệu đồng/tháng từ việc làm công nhân cạo mủ cao su. Tuy nhiên, tháng 7 vừa rồi, số tiền này chỉ còn nhỉnh hơn 1 triệu đồng. Trớ trêu thay, tiền sinh hoạt của trường nghề nơi em Lực (con trai cả) đang học lại đến 3 triệu đồng/tháng.
Số nợ vay sau khi chồng mất vài năm, chị mới trả xong nhưng vì muốn con viết tiếp cuộc đời học hành, theo đuổi ước mơ thoát nghèo, chị tiếp tục vay Hội Nông Dân thêm 50 triệu đồng trong vòng 5 năm. May mắn là hội cho vay với lãi suất thấp nên phần nào chị cũng yên tâm.
Khoản tiền này đủ để chị trang trải chi phí ăn uống, học hành cho các con. Từ tháng 5 đến tháng 12, chị Yến là công nhân cạo mủ cao su làm việc đầu tắt mặt tối cả ngày lẫn đêm. Nghề cạo mủ cao su vốn vất vả, phải chịu khó, đòi hỏi tay nghề cao và đặc biệt là thức đêm giỏi. Đêm đến, trời mát thì mủ mới nhiều, song trong vườn cao su lại nhiều rắn rết.
Thời gian còn lại, không phải mùa cạo mủ thì chị trở thành "thợ đụng". Ai kêu gì, chị Yến làm nấy. Từ phụ bán quán ăn đến phụ nấu đám tiệc, phục vụ tiệc cưới, việc gì có tiền để nuôi sống gia đình là chị làm tất.
Ngôi nhà bằng vữa xi măng của cả gia đình hiện đã xập xệ. Cỏ mọc kín lối đi, rêu bám đầy trước hiên nhà, đượm màu cũ kĩ của thời gian. Theo lời chị Yến, nhà chị hiện nay không có wifi, điện thoại chị dùng vẫn là "cục gạch" nên gia đình hầu như không có tấm ảnh chụp cùng nhau.
Thân hình nhỏ nhắn lại thêm căn bệnh rối loạn tiền đình, bệnh gút khiến chị Yến không thể làm lụng hết sức như những người khác. Bao giờ chị cũng trăn trở và mơ về ngày thấy các con thành công để thoát nghèo, không phải khổ như chị. Giọng nói của chị chất chứa đầy nỗi niềm của một người mẹ lam lũ.
"Lực học của Kiệt bình thường nhưng cháu cũng siêng năng, chăm chỉ. Cháu rất thương mẹ, còn nhỏ nhưng thường phụ giúp mẹ công việc nhà. Phải chi ba nó còn thì nó đã không khổ… Bây giờ, một gánh hai vai, tôi vừa làm cha vừa làm mẹ. Tôi không mong gì hơn ngoài việc các con được học hành đến nơi đến chốn, cũng hy vọng mình khỏe và sống lâu để lo cho các con nên người", chị Yến tâm sự.
Trường hợp cháu Ngô Anh Kiệt nằm trong số hơn 280 trẻ được giới thiệu để nhận học bổng của Chương trình Mottainai "Trao yêu thương, Nhận hạnh phúc" năm 2023. Mọi sự đóng góp, hỗ trợ vui lòng gửi về Chương trình Mottainai "Trao yêu thương, Nhận hạnh phúc" (ủng hộ bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản).
Địa chỉ tiếp nhận ủng hộ:
- Báo Phụ nữ Việt Nam, 47 Hàng Chuối, Hà Nội
- Văn phòng Đại diện phía Nam: 38 Võ Văn Tần, Q.3, TPHCM
Tài khoản nhận ủng hộ:
- Tên tài khoản: Báo Phụ nữ Việt Nam
- Số tài khoản: 111000024670
- Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (Vietinbank) - chi nhánh TP Hà Nội.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn