Mẹ 'nằm lì ở viện' cùng con chiến đấu với viêm phổi

21:06 | 01/10/2016;
Hơn nửa năm đằng đẵng cùng con chống chọi với căn bệnh viêm phổi mô kẽ, sốt kéo dài, trong điều kiện thiếu thốn trăm bề, đã có lúc người mẹ trẻ Hoàng Thị Huyền tưởng như gục ngã. Tuy nhiên, bản năng của một người mẹ đã thôi thúc và tiếp cho chị sức mạnh.

Những đêm dài không ngủ

Tại khoa Hô hấp 2, Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 2, TPHCM, chiếc giường bệnh của bé Hoàng Công Trình (11 tháng tuổi) nằm lọt thỏm giữa hàng chục giường bệnh của các bệnh nhi khác. Thấy con trai nằm li bì, chị Huyền (34 tuổi) lấy chiếc áo khoác, quấn chặt quanh ly cháo nóng hổi vừa đi xin về. “Không có phích giữ nhiệt, bọc như vậy cháo sẽ nóng lâu, chút con ngủ dậy có đồ ăn”, vừa làm, chị Huyền vừa giải thích.

Xong xuôi mọi việc, chị ngồi bệt ngay xuống nền nhà, lấy kim chỉ vá lại chiếc áo thun đã bung chỉ. Theo lời kể của Huyền, chị sinh ra tại Thanh Hóa. 10 năm trước, chị vào Biên Hòa (Đồng Nai) làm công nhân, rồi gặp và bén duyên với người bạn nam làm chung công ty. “Tưởng cuộc sống sẽ đỡ nhọc nhằn nhưng gia đình chồng nghèo, nhà không có, vợ chồng tôi phải đi ở thuê. Hai con lần lượt ra đời, chúng tôi dự định đi làm tích cóp tiền, đưa các cháu về quê thăm ông bà ngoại. Nhưng vợ chồng cùng mất việc, phải đi làm phụ hồ, các con thì bệnh, chồng bệnh, khiến gia đình lâm vào cảnh điêu đứng”, giọng chị Huyền nghẹn lại.

1_nkbv-anh-to-trai.jpg

Kể cho chúng tôi nghe về căn bệnh mà cậu con trai 11 tháng tuổi của chị đang mang trong người và phải nằm điều trị hơn 6 tháng qua, đôi mắt chị Huyền bỗng rớm lệ. Chị bảo, nghèo đến đâu, vất vả cực khổ như thế nào cũng không đau xót bằng việc con cái bệnh tật triền miên, lay lắt hết ngày này qua tháng khác, hết BV tỉnh đến các BV, phòng khám thành phố, nhưng vẫn không hết bệnh. Chị kể: “Lúc mang bầu con, tôi khỏe lắm, đi phụ hồ chung với chồng bình thường. Tới khi sinh, bé được 3,2kg, kháu khỉnh và ngoan. Nhưng được 1 tháng thì bé bị nhiễm trùng máu, phải nằm điều trị tại khoa Nội tổng hợp (BV Nhi Đồng 2), sau 1,5 tháng thì được về nhà. Chưa đầy 5 tháng, bé lại sốt cao, khò khè, khó thở, vợ chồng tôi đưa con đi khám bác sĩ tư, họ nói bé bị viêm phế quản, nhưng điều trị suốt 1 tuần mà bệnh không giảm nên chúng tôi phải đưa con lên TPHCM cấp cứu”.

2b__anh-nhobv.JPG
Chị Huyền chăm sóc bé Trình tại bệnh viện

Đó là những ngày giữa tháng 11 năm ngoái, chị Huyền nhớ như in hình ảnh con trai nằm trên chiếc băng ca và được đẩy vào phòng cấp cứu. Đó cũng là khởi đầu cho hành trình của những đêm dài không ngủ, bất an và lo lắng luôn thường trực. Để đến khi bác sĩ kết luận con trai bị viêm phổi mô kẽ, phải điều trị lâu dài, trái tim chị Huyền như thắt lại. “Ban ngày tôi đưa con đi truyền thuốc, đêm đến thì lau cho người con mát, kiểm tra nhiệt độ, canh lúc con giật mình hoặc có biểu hiện gì bất thường thì đi báo bác sĩ. Nhiều khi nghĩ, không biết mình lấy sức đâu để chống chọi như vậy, nhưng sức mạnh từ trong cứ chảy ra, tôi cũng không còn thấy mệt”, chị Huyền tâm sự. 

Con ráng khỏe, rồi về với ba, mẹ, chị hai”

Lật cuốn sổ theo dõi con từng ngày, chị Huyền giải thích cho tôi từng con số mà chị ghi vội trong mỗi trang giấy về nhiệt độ cơ thể; số lần hôn mê; lượng nước tiểu; hành vi; cảm xúc… của con trai. Vừa thương con, vừa tủi cho phận mình nghèo nên con thiệt thòi, nhiều đêm thức nhìn con, chị chỉ biết khóc.

“Lúc mới bị sốt, khó thở, bác sĩ bảo bé bị viêm phế quản. Lên BV tại TPHCM nằm cả tháng, bác sĩ nghi ngờ con bị lao phổi nên chuyển tới BV Phạm Ngọc Thạch điều trị 20 ngày. Họ lại không phát hiện chính xác bệnh của bé nên cuối cùng lại về BV Nhi Đồng 2. Hết ngày này qua tháng khác, nhiều lớp phụ huynh đưa con đến nằm viện đều lần lượt xuất viện nhưng mẹ con tôi vẫn bám trụ lại, trở thành “người quen” của không ít bác sĩ, y tá…”, chị Huyền quệt ngang dòng nước mắt.

2_bv_anh-nho-trang-phai.JPG

Chị đang kể cho chúng tôi nghe về những đêm dài ngồi lặng lẽ nhìn con, bỗng nhiên bé Trình giật mình, khóc thét, nói mê sảng vài điều rồi đôi mắt lại khép hờ. Như một phản ứng tự nhiên, chị Huyền đưa tay đặt lên trán con, áp sát cơ thể mình vào cậu con trai, chị thì thầm: “Mẹ đây! Mẹ không bỏ con. Con ráng khỏe, rồi về với chị hai, với ba. Mẹ thương con!”.

Nhắc về khoản viện phí mà vợ chồng phải chạy vạy ngược xuôi để vay mượn, chị Huyền cho biết, khi con trai nằm viện điều trị, con gái lớn ở nhà cũng bị viêm phổi, phải nhập viện gần 1 tháng, mọi nguồn tiền của vợ chồng đều cạn kiệt. Để có tiền chạy chữa cho con, chị Huyền đã điện thoại về xin bố mẹ, anh chị ở Thanh Hóa hỗ trợ. Song, ai cũng nghèo, số tiền chị nhận được từ người thân của mình chỉ như “muối bỏ bể”. Vì vậy, chị tự đưa ra kế sách “cứ nằm lì ở BV”, miễn sao con được điều trị.

“Gần 20 triệu đồng tiền viện phí nhưng chưa thấm vào đâu, bác sĩ thấy thương quá nên cũng đi xin tiền giúp, phụ huynh có con mắc bệnh ở chung phòng thì mua sữa, tã, bánh cho 2 mẹ con. Ăn uống hàng ngày, tôi đều đi xin từ những người làm từ thiện ở BV, thỉnh thoảng ông xã lên, “trợ cấp” vài trăm ngàn hoặc triệu đồng. Được ngày nào hay ngày nấy, ngày mai sẽ ra sao, tôi cũng không biết nữa…”, chị Huyền bỏ lửng câu trả lời.

Bác sĩ Cao Ngọc Hương (Phó khoa Hô hấp 1, BV Nhi Đồng 2, TPHCM)

Bệnh phổi kẽ là một nhóm các rối loạn, hầu hết trong số đó gây ra sẹo tiến triển của mô phổi. Điều này ảnh hưởng đến khả năng thở và có đủ oxy máu.

Các dấu hiệu và triệu chứng rối loạn của nhiều phân loại bệnh phổi kẽ có thể bao gồm: Cảm giác khó thở, đặc biệt là trong hoặc sau khi hoạt động thể chất; ho khan; thở khò khè; đau ngực. Tuy nhiên, hầu hết triệu chứng của viêm phổi kẽ không đặc hiệu. Vì vậy, việc khai thác kỹ tiền sử tiếp xúc yếu tố nguy cơ, tiền sử bệnh, các triệu chứng lâm sàng giúp khẳng định chẩn đoán.

Tùy theo từng bệnh cảnh lâm sàng để chỉ định xét nghiệm cho phù hợp. Có thể làm xét nghiệm máu, các xét nghiệm tìm các bệnh tự miễn X-quang phổi, chụp CT… Tùy nguyên nhân mà có biện pháp điều trị viêm phổi mô kẽ thích hợp. Tuy nhiên, hầu hết trường hợp đều phải điều trị nội khoa trong thời gian dài, tiến triển từ từ.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn