Bên hành lang Quốc hội, người đứng đầu ngành Công an tỉnh Điện Biên cho rằng, vì chung đường dây ma túy nên mẹ nữ sinh giao gà liên quan trực tiếp đến đến việc cô bị bắt giữ, hãm hiếp và sát hại.
Như vậy, nếu dư luận nghi vấn về việc người phụ nữ này có thể ngay từ đầu đã biết ai bắt cóc con gái bà, bắt cóc vì sao... là hoàn toàn có cơ sở. Không ai có thể tưởng tượng được, khi tính mạng con gái bị đe dọa nhưng người mẹ này vẫn cố tình khai báo không trung thực, quanh co, gây khó khăn cho cơ quan điều tra... Dư luận cũng đặt giả thuyết, nếu như thông tin đến sớm hơn với cơ quan chức năng, có thể cô gái đã có cơ hội sống, không phải chịu cảnh hãm hiếp của một lũ người man rợ, để rồi ra đi trong tức tưởi, tuyệt vọng.
Ân oán giang hồ là chuyện vẫn thường thấy ở nhiều vụ án nhưng đến mức, ân oán chà đạp lên tình mẫu tử, thì chỉ có thể là... vô lương. Các cụ vẫn thường nói “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”. Nếu nữ sinh Cao Thị Mỹ Duyên phải trả giá cả mạng sống của mình cho những ân oán ấy thì người mẹ kia, dù chưa bị tòa án kết tội cũng coi như đã mang sẵn một bản án mà đến hết cuộc đời cũng không trả được. Nếu còn chút nhân tính, còn chút ân hận muộn màng thì bà ta không có cách nào khác là khai báo thành khẩn, hợp tác với cơ quan chức năng để sớm làm sáng tỏ vụ việc. Đó là sự sám hối cuối cùng mà bà ta có thể làm được cho con của mình.
Trên đời, không gì là không thể xảy ra. Có người mẹ dửng dưng với mạng sống của đứa con dứt ruột đẻ ra nhưng cũng có người mẹ sẵn sàng đánh đổi tính mạng của mình để nhường cho con sự sống. Mỗi người chọn một cách và quả ngọt hay trái đắng mà họ nhận được cũng tương xứng. Cuộc đời công bằng lắm.
Chỉ vài ngày trước khi mẹ nữ sinh giao gà bị bắt vì liên quan đến ma túy, tại tỉnh Hải Dương, cơ quan công an đã bắt được một nữ quái vận chuyển 30 bánh heroin. Người phụ nữ này đang ngồi trên xe ô tô cùng con trai và 2 cháu nội, trong đó đứa nhỏ nhất mới được 2 tuổi. Mờ mắt vì đồng tiền, người đàn bà này sẵn sàng lấy những đứa trẻ làm bình phong để qua mặt cơ quan chức năng...
Từng tiếp xúc với một phụ nữ trên 70 tuổi thụ án tại một trại giam ở tỉnh Thái Nguyên vì buôn bán ma túy, tôi đã chứng kiến bà ta gào khóc ân hận thế nào. Tuổi già bệnh tật, không còn khả năng lao động, không gia đình, không người thân thích... Bà ta níu chặt cánh tay tôi, khóc như một đứa trẻ: “Cô ơi, cho tôi về với. Tôi muốn được về nhà để chết cùng ông ấy...”. Nhưng nỗi ân hận đã quá muộn màng.
Ma túy đã khiến nhiều người vợ, người mẹ đẩy gia đình họ vào tấn bi kịch. Không thể đổ lỗi cho khó khăn về kinh tế, không thể vin vào sự bất lực, không có khả năng kiếm tiền ở người chồng... để rồi sa chân vào thứ chất độc chết người, sa chân vào con đường tội lỗi, thậm chí mất cả nhân tính.
Rồi đây, vụ án bắt cóc, hãm hiếp và sát hại nữ sinh giao gà sẽ được đưa ra xét xử; rồi đây đường dây ma túy của những kẻ bất lương sẽ bị phanh phui. Hai vụ án chắc chắn có mối liên hệ mật thiết và người phụ nữ - lẽ ra ngồi ở vị trí thân nhân người bị nạn - sẽ phải đối diện với tòa, để trả lời cho sự ra đi oan nghiệt của con gái mình.