“Mẹ ở nhà với con một hôm, chỉ một hôm thôi!”

11:07 | 17/06/2021;
"Là những người đứng ở nơi đầu sóng ngọn gió của cơn bão dịch bệnh Covid-19, tôi cũng rất lo cho người bệnh, lo cho con cái, áp lực rất nhiều", điều dưỡng Vũ Thị Hạnh (Khoa cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang) tâm sự

Mẹ đơn thân lên tuyến đầu chống dịch

Chị Vũ Thị Hạnh làm điều dưỡng viên khoa Cấp cứu của Bệnh viện đa khoa Bắc Giang đã được 14 năm. Là mẹ đơn thân, khi tham gia chống dịch, chị gặp không ít trở ngại do không có người hỗ trợ chăm sóc con cái nhưng vì nhiệm vụ chị luôn trong trạng thái sẵn sàng ứng chiến.

Từ khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam năm 2020, khoa tiếp nhận thêm bộ phận sàng lọc Covid-19. Những bệnh nhân vào khám tại bệnh viện đều phải sàng lọc qua khoa cấp cứu mới được phân loại đến các khoa khác. Trước tình trạng lực lượng y bác sĩ tuyến đầu chống dịch còn mỏng, chị Vũ Thị Hạnh luôn xung phong tham gia.

“Mẹ ở nhà với con một hôm, chỉ một hôm thôi” - Ảnh 1.

Chị Vũ Thị Hạnh (trái) làm điều dưỡng tại khoa Cấp cứu của Bệnh viện đa khoa Bắc Giang

Chị cho biết, thời gian này, con trai chị nghỉ hè, học online nên chị gửi con về nhà ông bà ngoại để yên tâm tham gia tuyến đầu chống dịch. Công việc sàng lọc bệnh nhân khiến đội ngũ y bác sĩ luôn căng thẳng và áp lực, đặc biệt là làm việc trong điều kiện lúc nào cũng đề phòng lây nhiễm. Ngày 14/5 vừa qua, trong khi đang làm nhiệm vụ, chị bị suy nhược cơ thể, phải về nhà nghỉ ngơi tĩnh dưỡng. Chị cho biết bản thân rất sốt ruột, chỉ muốn mau chóng khỏe để quay lại bệnh viện làm việc.

"14 năm làm nghề, công việc là niềm vui để tôi vượt lên. Là những người đứng ở nơi đầu sóng ngọn gió của cơn bão dịch bệnh Covid-19, tôi cũng rất lo cho người bệnh, lo cho con cái, áp lực rất nhiều. Tôi lo, nếu lơ là sẽ dẫn đến hệ lụy cho cả đội ngũ y bác sỹ, bệnh nhân và người nhà của họ", chị Hạnh chia sẻ.

Nỗi vất vả của người làm cấp cứu

Chị Hạnh chia sẻ, suốt những năm gắn bó với công việc cấp cứu bệnh nhân, có những vui buồn, có những kỷ niệm khó quên. Trong chống dịch cũng vậy mà trong những ngày thường cũng thế. "Làm cấp cứu thì không thể tránh khỏi những trường hợp đến cấp cứu vì chém giết nhau, mang theo vũ khí. Khi bác sĩ đang cấp cứu, cầm máu cho bệnh nhân thì có những nhóm băng đảng xã hội tìm kiếm, thanh toán nhau. Họ xông vào đánh bệnh nhân, lấy dụng cụ y tế ngay bên cạnh làm hung khí. Nhiều y, bác sĩ không tránh kịp, thậm chí có bệnh nhân nấp phía sau, lấy bác sĩ làm "bia". Không ít đồng nghiệp của tôi đã trở thành "người đỡ đạn" cho bệnh nhân như thế", chị Hạnh kể lại.

Có những bệnh nhân sau khi được cấp cứu, cầm máu, tiêm thuốc, bắt mạch, ổn định rồi, nhân viên y tế khi ấy mới thông báo tìm người nhà. Người nhà đến câu đầu tiên là chửi bác sĩ khi thấy bệnh nhân nằm một mình: "Không cấp cứu, không có ai túc trực, không có tiền nên không cứu người à?". "Họ không hiểu rằng các bác sĩ đã cấp cứu cho bệnh nhân đó ổn định rồi thì phải nhanh chóng đi cứu các bệnh nhân khác", chị Hạnh chia sẻ.

Chị Hạnh và con trai

Chị Hạnh và con trai

Đến bây giờ, trải qua 14 năm công tác, đối diện với nhiều hiểm nguy, dịch bệnh, chị Hạnh vẫn chưa từng có ý định chuyển khoa khác dù đôi khi công việc này khiến con chị lo lắng, bất an. Chị tâm sự, có những ngày đi trực mà con bị ốm, chị nhờ đồng nghiệp hỗ trợ chăm sóc con. Lúc chị rời nhà, con chị níu tay mẹ năn nỉ: "Mẹ ở nhà với con một hôm, con chỉ cần một hôm thôi". Dù lòng chị có xót xa nhưng không vì thế mà lơ là nhiệm vụ. Để rồi cho đến hôm nay, cậu bé 10 tuổi đã phần nào tự lập, khi mẹ vắng nhà có thể tự nấu cơm, rửa bát, quét nhà, học bài… để mẹ yên tâm công tác.

Không chỉ làm tốt nhiệm vụ của mình, chị Hạnh còn tham gia câu lạc bộ thiện nguyện Bông Hồng Tím của tỉnh Bắc Giang, mỗi tuần đều đóng góp kinh phí và đi phát cơm, phát cháo cho bệnh nhân tại các bệnh viên ung bướu, sản nhi ở Bắc Giang, bệnh nhân chạy thận, người có hoàn cảnh khó khăn... Ghi nhận những cống hiến của chị Vũ Thị Hạnh, năm 2020, chị được Công đoàn Ngành Y tế Bắc Giang khen thưởng vì có thành tích tham gia chống dịch Covid-19.


* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn