Mẹ ơi, thật khủng khiếp, mặt con nổi mụn!

16:30 | 03/04/2020;
Con gái tôi hét lên không chỉ vì trên mặt xuất hiện những chiếc mụn báo hiệu tuổi dậy thì mà cô bé còn lo về hình ảnh của bản thân trong mắt một cậu bạn nào đó mà nó quý.
Mẹ ơi, thật khủng khiếp, mặt con nổi mụn! - Ảnh 1.

Đó là một buổi sáng cuối tuần thảnh thơi, tôi ngồi nhâm nhi tách trà cùng chồng trong căn phòng khách, nơi nhìn ra mảnh vườn nho nhỏ trước thềm. Phút bình yên hiếm hoi ấy của hai vợ chồng bị phá vỡ bởi tiếng hét thất thanh của cô con gái 14 tuổi vang lên trong nhà tắm:

- “Trời ơi, chuyện quái gì thế này?”

Thường ngày, con bé cũng hay làm hoạt náo ngôi nhà mỗi khi nó thức dậy nhưng là bằng những câu hát nghêu ngao không đầu, không cuối. Con bé lúc nào cũng hồn nhiên, vô tư như thế. Chính bởi vậy, tiếng hét lên của con làm tôi hoảng hồn. Buông vội tách trà xuống, tôi lao vào phía phòng tắm:

- “Có chuyện gì vậy con?”

Con bé bước ra nhìn tôi với đôi mắt ầng ậc nước, giọng nó nghẹn lại:

- “Mẹ nhìn này, mặt con nổi những cục mụn đáng ghét. Con phải tiêu diệt chúng nó, nếu không ngày mai đi học đám bạn sẽ cười con, xấu hổ chết mất”.

Tôi bước tới, nhìn những nốt mụn nhỏ đang “biểu tình” trên mặt con gái. Còn chưa kịp làm gì thì con bé đã vội vã định dùng tay để cậy chúng ta khỏi mặt với hy vọng sẽ “xóa sạch dấu vết”. Tôi ngăn con lại, khẽ bẹo yêu đôi má của con:

- “Con đừng làm vậy, sẽ không tốt đâu”.

Mặc dù vậy, con bé vẫn phụng phịu. Nó nhìn tôi rồi kéo lại hỏi nhỏ:

- “Trông có xấu lắm không mẹ? Con ngại lắm, con… không muốn cậu bạn ở lớp nhìn thấy cái gương mặt con trông xấu xí thế này”.

Ra là vậy, con gái tôi không chỉ xuất hiện những chiếc mụn báo hiệu tuổi dậy thì mà cô bé còn lo về hình ảnh của bản thân trong mắt một cậu bạn nào đó mà nó quý.

Mẹ ơi, thật khủng khiếp, mặt con nổi mụn! - Ảnh 2.

- “Xấu hổ gì chứ, ai rồi cũng phải trải qua điều này thôi mà. Những chiếc mụn nho nho này không thể làm con mẹ bớt xinh xắn đi mà chỉ là minh chứng cho thấy con đã lớn, đã trưởng thành hơn rồi. Còn bây giờ, mẹ sẽ cùng con “đối phó” với chúng nhé”.

Kể từ lúc phát hiện những chiếc mụn, con bé hỏi tôi liên hồi. Nào là “Bao giờ thì nó hết vậy mẹ, không lẽ con phải sống chung với nó mãi ạ?”; “Có cách nào để tiêu diệt nó không mẹ?”. Tôi quyết định dành buổi sáng chủ nhật hôm đó, tôi đã cùng con ghé thăm một bác sĩ gần nhà để nghe tư vấn và mua cho con một vài lọ thuốc mà bác sĩ kê để “chặn” những chiếc “đèn pin” trên gương mặt của cô con gái. Nghe tư vấn, có vẻ như con bé đã bắt đầu học được cách để “sống chung” với những “chiếc mụn báo sự trưởng thành”.

Nguyên nhân nào khiến mụn “nổi loạn” tuổi dậy thì?

Mẹ con tôi đã cùng nhau trò chuyện về việc, rốt cục, vì lí do gì mà đến tuổi này con bắt đầu phải “làm bạn” với những chiếc mụn. Tôi giải thích để con hiểu rằng, bước vào tuổi dậy thì, lượng hormone giới tính Androgen sẽ gia tăng trong cơ thể, có thể nhiều đến mức dư thừa và thúc đẩy tuyến bã nhờn hoạt động mạnh mẽ, làm sản sinh nhiều dầu và bã nhờn hơn. Điều này dễ khiến lỗ chân lông của con bị tắc và vô tình khiến loại vi khuẩn gây mụn có tên Propionibacterium Acnes phát triển mạnh mẽ hơn.

Khi vi khuẩn phát triển, mụn sẽ hình thành, sưng đỏ và sau đó phát viêm. Các u nang hình thành khi tắc nghẽn và viêm sâu bên trong lỗ chân lông tạo ra các vết sưng lớn gây đau dưới bề mặt da.

Ngoài ra, tuổi dậy thì là lứa tuổi vô cùng năng động. Ở độ tuổi này, con hay các bạn đồng trang lứa đều rất năng động và thích khám phá, dễ đổ mồ hôi khi tham gia các hoạt động thể chất, việc không biết cách chăm sóc, làm sạch da mỗi ngày cũng có thể là 1 tác nhân gây ra.

Mẹ ơi, thật khủng khiếp, mặt con nổi mụn! - Ảnh 3.

Cách trị những nốt mụn đáng ghét như thế nào?

Mụn tuổi dậy thì chủ yếu xuất phát từ việc thay đổi nội tiết tố. Do vậy, sau giai đoạn tuổi dậy thì, nội tiết tố sẽ ổn định hơn, mụn không còn mọc nhiều nữa và tự biến mất. Điều này khiến con gái tôi khá an tâm. Tuy nhiên, tôi cũng nói với con rằng, theo nghiên cứu vẫn có khoảng 30% người bị mụn không hết hẳn sau tuổi dậy thì, thậm chí còn nặng thêm. Bởi vậy cho nên con cần phải học cách chăm sóc da mặt đúng cách để tình trạng này sớm chấm dứt.

Tôi có tham khảo ý kiến của bác sĩ, chuyên da da liễu về cách chăm sóc da mặt để ngăn ngừa mụn trứng cá. Dĩ nhiên, nó phải phù hợp với độ tuổi của con chứ không phải là việc cầu kì sắm hàng loạt những loại mỹ phẩm hay kem dưỡng da đắt tiền.

- Rửa mặt hai lần một ngày bằng sữa rửa mặt dịu nhẹ và nước ấm;

- Không chạm vào hoặc cố gắng nặn mụn;

- Tránh để da tiếp xúc với các bề mặt bám bụi bẩn, kể cả khẩu trang vải, khăn choàng, áo...

- Giữ sạch tóc và tránh để tóc bết tiếp xúc với da;

- Tránh tiếp xúc lâu với ánh nắng mặt trời;

- Nếu bạn cạo lông mặt, hãy dùng nước ấm để làm mềm lông và dùng dao cạo sạch, sắc;

- Giữ tâm trạng thoải mái, tránh căng thẳng;

- Hạn chế trang điểm.

Ngoài ra, tôi cũng dặn dò con gái rằng việc ăn uống khoa học cũng là điều quan trọng để ngăn ngừa và điều trị mụn trứng cá ở tuổi dậy thì. Con không nên ăn nhiều đồ cay nóng, uống đủ nước mỗi ngày. Để trấn an tinh thần cho con bé, tôi hứa với con rằng nếu có bất cứ dấu hiệu bất thường nào trên da, tôi sẽ cùng con đến gặp bác sĩ sớm để nghe tư vấn.

Mẹ ơi, thật khủng khiếp, mặt con nổi mụn! - Ảnh 4.

Tôi hiểu, với con gái, làn da, mái tóc là điều rất đáng giá, thế nên trong “cuộc chiến” này, tôi sẽ đồng hành cùng con ngay từ đầu để con bé luôn cảm thấy tự tin đối mặt với những biểu hiện của tuổi dậy thì.

Mẹ ơi, thật khủng khiếp, mặt con nổi mụn! - Ảnh 5.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn