Mẹ quyết tâm triệt sản vì không muốn sinh thêm, ai ngờ cưới chồng mới rồi nhận tin "bùng nổ"

19:00 | 13/06/2022;
Triệt sản được xem là phương pháp tránh thai vĩnh viễn nhưng đôi khi vẫn có "sai sót" xảy ra.

Triệt sản bằng thắt ống dẫn trứng được xem là biện pháp tránh thai triệt để nhất, dành cho những trường hợp mẹ không muốn có thêm con trong tương lai nữa. Tuy nhiên, thực tế biện pháp tránh thai nào cũng sẽ có tỉ lệ thất bại và những bà mẹ dưới đây chính là trường hợp hy hữu mang bầu sau khi triệt sản. 

Mẹ triệt sản từ năm 22 tuổi, 19 năm sau nhận tin sốc 

Chị Una Tomlinson (hiện tại 48 tuổi, sống tại Nottingham, Anh) sinh con gái đầu lòng vào năm 1994, khi mới 21 tuổi và con trai thứ 2 sau đó 1 năm. Cả hai lần sinh của chị đều là sinh mổ và gặp một và biến chứng khi mang thai, sinh con nên Una đã quyết định triệt sản để tránh thai hoàn toàn. 

Chị Una đã thắt ống dẫn trứng từ năm 22 tuổi, sau khi sinh con thứ 2.

"Cả hai con đầu của tôi đều gặp vấn đề về sức khỏe giống nhau khi chào đời nên tôi nghĩ triệt sản là một ý kiến hay. Dù lúc đó còn khá trẻ nhưng đã có đủ con trai, con gái nên tôi không chần chừ thực hiện luôn. Sau khi ký vào một mẫu đơn đăng ký, tôi được triệt sản và bác sĩ cho biết thủ thật có tỉ lệ thành công là 99,99% nên cực kỳ yên tâm", chị Una kể lại. 

Sau đó, bà mẹ 2 con đã ly hôn rồi cưới chồng mới vào năm 2001. Anh Paul chưa từng có con nhưng khi nghe chị Una chia sẻ hoàn cảnh của mình vẫn vui vẻ chấp nhận và chăm sóc cho hai con đầu của chị như con ruột. Nhưng rồi vào năm 2014, khi chị Una 41 tuổi, cuộc sống của cả gia đình đã thay đổi hoàn toàn khi chị bỗng dưng phát hiện mình mang bầu. 

"Tôi đã thử đến 5 chiếc que thử thai mà vẫn không tin nổi. Tôi liên tục thắc mắc tại sao mình triệt sản rồi mà lại có thể có bầu được", chị Una nói. 

Phải đến khi được chồng đưa đi khám và bác sĩ xác nhận, chị Una mới tin mình thực sự đã mang bầu sau gần 20 năm triệt sản. Sau đó suốt 9 tháng mang thai, chị luôn lo lắng không biết con có thể chào đời khỏe mạnh được không. Và câu trả lời khiến chị Una cũng như cả gia đình vô cùng hạnh phúc là con gái thứ 3 đã chào đời khỏe mạnh vào tháng 2/2015. Đến nay, cô bé đã gần 7 tuổi. 

Sau khi tái hôn, chị Una bất ngờ phát hiện mang thai.

Sau khi sinh con, chị Una đã đã phản ánh việc mình triệt sản vẫn mang bầu đến Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS). Buổi thăm khám sau đó cho thấy các kẹp dùng để thắt ống dẫn trứng trong cơ thể chị đã biến mất, một cái thậm chí còn "lạc" vào tận bàng quang. 

Chia sẻ câu chuyện của mình, chị Una muốn cảnh báo những bà mẹ thực hiện biện pháp tránh thai bằng cách thắt ống dẫn trứng vẫn nên đề phòng. Thêm vào đó, chị mong muốn các bác sĩ khi tư vấn biện pháp này không nên khẳng định quá chắc chắn về hiệu quả của nó. 

Mẹ 5 con triệt sản vẫn "dính bầu", bệnh viện phải đền tiền nuôi con

Đó là trường hợp của một bà mẹ 5 con tên Premila Thakor (sống tại bang Ahmedabad, Ấn Độ). Sau khi sinh em bé thứ 5 bằng phương pháp sinh mổ, cô đã kết hợp triệt sản bằng phương pháp thắt ống dẫn trứng luôn. Cô cho biết mình là người rất dễ "dính bầu" và gia đình không có điều kiện nuôi thêm con nên đây là biện pháp tối ưu nhất được bác sĩ khuyên thực hiện. 

Những tưởng ca triệt sản của mình đã thành công, Thakor yên tâm nuôi 5 con. Vậy nhưng không lâu sau đó, bà mẹ đông con tiếp tục phát hiện mang bầu. Do lo lắng cho sức khỏe và sợ không đủ kinh tế nuôi con, cô đã đến cơ sở y tế để đình chỉ thai kỳ nhưng nhân viên ở đây lại chuyển cô đến phòng khám tư nhân. Tại đây, chi phí bỏ thai là 9000 Rs (khoảng 2,8 triệu VNĐ) nên Thakor không trả nổi và tiếp tục mang bầu. 

Bà mẹ 5 con vẫn tiếp tục mang thai sau khi bác sĩ tiến hành triệt sản bằng cách thắt ống dẫn trứng. (Ảnh minh họa)

Đáng tiếc hơn, em bé thứ 6 của cô chào đời bị dị tật bẩm sinh. Bà mẹ sau sinh đã quyết định khởi kiện các nhân viên y tế đã thực hiện triệt sản cho mình không thành công. Trước tòa, Thakor cho biết vì mang thai ngoài ý muốn, cô đã phải chịu đựng căng thẳng về tinh thần và đau đớn về thể xác. Hiện tại gia đình cô cũng không có đủ khả năng chăm nuôi cho em bé bị dị tật. 

Cuối cùng, tòa án đã đưa ra phán quyết các nhân viên y tế phải bồi thường 3,4 vạn Rs (khoảng 107 triệu VNĐ) tiền một lần, 10.000 Rs (3 triệu VNĐ) tiền tổn thất tinh thần và 5000 Rs (1,5 triệu VNĐ) tiền chi phí pháp lý cho bà mẹ này. Cùng với đó, họ sẽ phải chu cấp 1.500 Rs (khoảng 500.000VNĐ) mỗi tháng cho Thakor để cô nuôi con đến năm 18 tuổi. 

Mẹ Việt 3 con đã thắt ống dẫn trứng nhưng vẫn mang thai

Không chỉ ở nước ngoài, tại Việt nam cũng từng có trường hợp mẹ đã triệt sản nhưng vẫn mang thai. Câu chuyện này do Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Trung – Bệnh viện Hùng Vương TP.HCM chia sẻ. Bác sĩ cho biết sản phụ mới 34 tuổi nhưng đã trải qua 3 lần sinh mổ vào các năm 2012, 2014, 2016 với cân nặng con từ 3500 gram đến 3800 gram.

Đặc biệt, trong lần mổ sinh sau cùng năm 2016, bác sĩ chuyên khoa ở bệnh viện tỉnh nơi người phụ nữ mổ đẻ đã triệt sản cho sản phụ. Vậy nhưng đến năm 2019, chị lại tiếp tục phát hiện mang thai. 

Khi mang thai bé thứ 4, sản phụ tìm đến bác sĩ xin tư vấn. Lúc này bác sĩ Trung bán tín bán nghi có thể sản phụ chưa triệt sản. Tuy nhiên, sản phụ khẳng định đã làm đơn triệt sản và giấy ra viện cũng ghi rằng đã triệt sản, tuy nhiên sản phụ đã làm mất hồ sơ lúc ra viện. Sản phụ này nghiêng về khả năng bác sĩ quên không triệt sản cho mình và sẵn sàng tìm hồ sơ để khiếu nại bệnh viện.

Sản phụ ở Việt Nam mang thai lần 4 và sinh con khỏe mạnh dù đã triệt sản.

Sau khi nói chuyện, bác sĩ Trung tư vấn với sản phụ rằng cứ sinh em bé ra và bác sĩ sẽ chụp hình xem hai ống dẫn trứng. Nếu có triệt sản thì hai ống dẫn trứng sẽ có sẹo còn nếu không có sẹo thì xem như đứa con là trời cho.

Sáng 26/9/2019, khi thai đủ 38 tuần, bác sĩ Trung và đồng nghiệp mổ cho thai phụ. Hình ảnh hai ống dẫn trứng có sẹo triệt sản rõ ràng nhưng một bên ống đã tự liền lại và dẫn đến sự việc mang thai ngoài ý muộn. 

Vì sao triệt sản vẫn có thai?

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Trung cho biết bất kỳ một phương pháp tránh thai nào cũng có một tỷ lệ thất bại nhất định. Y học đưa ra một chỉ số gọi là chỉ số Pearl (Pearl Index) được tính là số trường hợp có thai ngoài ý muốn trên 100 phụ nữ (dù có sử dụng phương pháp tránh thai đó) trong 1 năm.

Chỉ số Pearl của phương pháp triệt sản nữ (thắt ống dẫn trứng) là 0,04. Điều này có nghĩa rằng y văn đã xác định rằng trong 10.000 phụ nữ đã được triệt sản thì có 4 phụ nữ sẽ có mang thai ngoài ý muốn trong 1 năm.

Theo bác sĩ Trung, phụ nữ khi đã triệt sản, dù biết rằng khả năng có thai lại rất thấp nhưng không được chủ quan. Nếu thấy trễ kinh khoảng 2 tuần, chạy ra mua que thử thai, tự thử mất 10 phút là biết kết quả ngay.

Triệt sản nữ là thủ thuật cắt một đoạn ở hai ống dẫn trứng. Về nguyên tắc, sau thủ thuật triệt sản, người phụ nữ sẽ vĩnh viễn không bao giờ có thai được nữa, trừ trường hợp phải can thiệp nối ống dẫn trứng hoặc thụ tinh trong ống nghiệm.

Người đã triệt sản mà muốn có con trở lại sẽ rất khó bởi việc nối lại hay tái thông tai vòi của buồng trứng không hề đơn giản.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn