Mẹ rửa chén thuê kiếm tiền viện phí cho con

21:00 | 09/09/2016;
“Hết tiền rồi cô ơi. Đưa em về để có người trông chừng, tôi đi bưng bê, rửa chén. Có tiền rồi sẽ đưa con ra lại nằm viện”. Đó là hoàn cảnh của chị Nguyễn Thị Tín (trú thôn Cao Hòa, xã Điện Ngọc, TX Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).

Gặp chị Nguyễn Thị Tín tại bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng trước giờ làm thủ tục cho con trai xuất viện, khi nghe ai hỏi sao lại về, chị Tín khẽ đáp: “Hết tiền rồi cô ơi. Đưa em về để có người trông chừng, tôi đi bưng bê, rửa chén. Có tiền rồi sẽ đưa con ra lại nằm viện”.

Đó là hoàn cảnh của chị Nguyễn Thị Tín (trú thôn Cao Hòa, xã Điện Ngọc, TX Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) trong gần 2 năm nay khi người con trai thứ ba là em Huỳnh Minh Phúc (sinh năm 1999) bị tai nạn giao thông, nằm liệt giường.

unnamed-5.jpg
 Gần 2 năm nay, chị Tín phải theo chăm sóc con ở bệnh viện. Cứ vài tháng chị lại phải đưa con về nhà để đi bưng bê, rửa bát thuê kiếm tiền điều trị.

Tháng 2.2015, trên đường cùng bạn đi từ trường về nhà, ngang qua KCN Điện Nam - Điện Ngọc (TX Điện Bàn), xe của Phúc bị va chạm với xe container. Hậu quả, bạn Phúc tử vong, riêng Phúc may mắn sống sót nhưng lại phải mang thương tật nặng nề khi bị chấn thương sọ não nặng và đa chấn thương. Từ đó đến nay, chị Tin phải bỏ làm công nhân ở KCN Điện Nam - Điện Ngọc túc trực chăm con qua các bệnh viện.

Chồng bỏ đi hơn 10 năm qua, chị Tín một mình nuôi ba con. Ngoài đứa con trai đầu đã lập gia đình nhưng cũng chỉ làm thuê làm mướn nên kinh tế gia đình vẫn một mình chị Tín gánh vác. Ngày làm công nhân, chiều tối chị nhận bưng bê, rửa chén bát ở hàng quán kiếm tiền cho hai đứa sau ăn học.

“Cả chị cả em học khá lắm, ngoan lắm nên tôi nghĩ thôi mình gắng lo cho các con, rồi sau này được nhờ, ai biết được lại ra nông nỗi này”, chị Tín kể.

Từ ngày em Phúc bị tai nạn, chị Tín bỏ việc theo con đi qua các bệnh viện, vay tiền cho con phẫu thuật rồi nằm điều trị phục hồi hàng tháng trời. Do chấn thương sọ não nặng nên Phúc trở thành đứa trẻ ngơ ngác. “Chỉ mới gần đây em mới nhận ra được gia đình nhưng nói gì quên đó. Tập nói bập bẹ nhưng nửa người bị liệt, em không khác gì đứa trẻ lớn xác”, chị Tín cho hay.

Chị gái của Phúc dù đang theo học đại học nhưng cũng bỏ dở giữa chừng để về làm công nhân, kiếm tiền phụ gia đình. Số tiền vay mượn chạy chữa cho Phúc hơn 200 triệu đồng chị chưa trả được. Tết Nguyên đán vừa rồi chị cũng phải đưa con về nhà gần 2 tháng vì hết tiền nằm viện.

Phúc bị động kinh do di chứng từ chấn thương sọ não, không điều khiển được việc vệ sinh nên mỗi ngày em lên cơn đau liên hồi. “Nhìn con mà tôi đứt từng đoạn ruột nhưng mà phải về nhà, có người trông chừng được giờ nào, tôi chạy đi làm thuê kiếm tiền. Rồi mới có tiền đưa em đi viện”, chị Tín tâm sự.

Từ ngày con bệnh, chị Tín cũng chạy vạy giấy tờ xin xác nhận hộ nghèo nhưng không được. Ngày mới lập gia đình, hai vợ chồng chị có xây được ngôi nhà 2 tầng, nay cũng đã xuống cấp nhưng địa phương đến khảo sát thấy chị có nhà cửa nên không xác nhận hộ nghèo.

“May là họ còn cho thằng nhỏ cái bảo hiểm cận nghèo, để em nằm viện nhưng chi phí ăn uống của 2 mẹ con dù có tằn tiện mấy cũng hết. Em ăn uống cũng ngoan lắm, thèm sữa nhưng làm gì có tiền mua. Đến cơm cháo tôi còn phải đi xin từ thiện huống gì mấy thứ đó”.

Tại phòng bệnh nặng, khoa Phục hồi chức năng của bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng, Phúc nằm cả ngày trên giường, đôi mắt ngơ ngác của một chàng trai 17 tuổi khiến người mẹ đau lòng. Mỗi lần tức tiểu, em lên cơn đau quặn. Cũng vì vậy cả đêm em không ngủ được, cộng thêm bệnh động kinh hành hạ nên Phúc phải uống thuốc liên tục.

Kể về tình hình Phúc, chị Tín rơi nước mắt: “Cứ nằm vài tháng về nhà một tháng để mẹ đi làm kiếm tiền, rồi đưa con vô nằm tiếp. Bác sĩ nói cơ hội phục hồi không rõ ràng vì em bị đa chấn thương, não cũng ảnh hưởng nặng. Còn tôi thì chỉ biết lo được cho con ngày nào hay ngày đó, đến hơi thở cuối cùng thì mới thôi”.

Chuyến về nhà lần này, chị Tín phải xin toa thuốc bệnh viện để mua thuốc động kinh cho Phúc nhưng tìm mấy hiệu thuốc rồi chưa có. Chị Tín kể, xuất viện buổi chiều về sẽ có mấy anh chị em ở nhà trông chừng Phúc để chị kịp chạy ra quán người quen bưng bê, rửa chén để “vài tháng nữa lại đưa con ra”.

Mọi sự giúp đỡ đến chị Tín, em Phúc xin liên hệ qua Tòa soạn Báo Phụ nữ Việt Nam, số 47 Hàng Chuối, Hà Nội, Việt Nam. Điện thoại: 84-4-3971 3500.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn