Mẹ Sài Gòn khéo tay làm hộp cơm cho con, bé kén ăn bỗng ăn thun thút

12:00 | 11/11/2020;
Hộp cơm nào của chị Yến Dung làm cho con đi học lớp 1 cũng sinh động, đẹp mắt, bạn bè của con còn muốn ăn thử.

Là một phụ nữ đảm đang nên chị Yến Dung (38 tuổi, TP HCM) thường xuyên vào bếp nấu ăn cho gia đình, nhất là vào những dịp lễ. Chị chia sẻ, bản thân rất thích tìm tòi các công thức nấu ăn trên mạng và cũng đã nấu thử các món ăn Hàn, Mỹ, Nhật và các món ăn Việt Nam.

Không chỉ chăm chút bữa ăn hàng ngày, chị còn làm thêm cả những hộp cơm bento cho con khi bé bắt đầu vào lớp 1. Để có ý tưởng cũng như kỹ thuật làm cơm bento, chị thường tìm tòi và nghiên cứu trên các mạng xã hội. Màu sắc chị nhuộm cho cơm đều hoàn toàn từ rau củ quả và thực phẩm. Chẳng hạn, màu vàng từ bí đỏ hoặc lòng đỏ trứng đã luộc chín, màu xanh dương từ hoa đậu biếc, màu xanh lá từ các loại rau như cải xanh, cải kale, súp lơ xanh, màu hồng từ củ dền hoặc thanh long đỏ, màu tím từ bông cải tím Đà Lạt, màu cam từ cà rốt, màu nâu từ nước tương, màu đỏ từ tương cà chua... Tất cả đều tự tay chị chuẩn bị.

Nhìn những hộp cơm cầu kỳ chị Yến Dung làm, ai cũng ngỡ rất mất thời gian nhưng không hẳn như vậy. Bà mẹ 38 tuổi chia sẻ, đúng là những ngày đầu chị tốn nhiều thì giờ cho việc tạo hình vì không tay; có lúc cơm nấu bị nhão quá, kết hợp với màu trộn lại càng nhão; cắt rong biển bị méo mó... Nhưng đến lúc quen tay, mọi việc trở nên dễ dàng, đơn giản hơn nhiều.

"Nếu mình hiểu và yêu thích việc mình làm thì sẽ không còn khó nữa. Ví dụ, bạn không nên trang trí rong biển lên phần cơm đang còn nóng sẽ làm rong biển co lại hay phô mai lên phần cơm nóng sẽ làm phô mai chảy. Cơm thì nên nấu hơi khô một xíu thôi để khi mình trộn màu vào thì cơm sẽ có độ kết dính và dẻo, không bị bời rời khi tạo hình", chị Dung nói.

Chị cũng cho biết, những dụng cụ cần có để làm 1 hộp cơm bento là hộp cơm giữ nhiệt, túi giữ nhiệt, khuôn cắt rong biển, kéo đầu nhọn, khuôn cắt các loại trái cây và khuôn tạo hình cơm. Tuy nhiên chị khuyến khích mọi người nên tạo hình cơm bằng tay thay vì dùng khuôn vì sẽ không có sự đa dạng. Chúng ta chỉ cần cho cơm lúc còn hơi nóng vào lớp màng bọc thực phẩm và tạo bất cứ hình dạng nào mà mình muốn theo mẫu đã chuẩn bị sẵn.

Để đến trưa con vẫn được ăn cơm còn tươi ngon, chị Yến Dung phải canh thời gian bắt đầu làm những việc đơn giản nhất như cắt rong biển làm mắt mũi miệng, cắt phô mai, trái cây hoặc các loại rau củ trước. Sau đó bà mẹ đảm sẽ tiến hành trộn màu cho cơm và tạo hình và cuối cùng là trang trí hộp cơm ngay.

"Vì trường của con mình khá gần nhà nên mình không cần dùng hộp cơm giữ nhiệt mà chỉ cần túi giữ nhiệt. Do đó, đối với các mẹ làm từ sáng để con mang vào trường vẫn còn nóng thì nên sử dụng vừa hộp cơm giữ nhiệt và túi giữ nhiệt. Mặc dù vậy, cơm cũng sẽ không nóng hổi được vì như mình đã nói ở trên, nếu cơm quá nóng sẽ làm mất hình dạng của rong biển hoặc phô mai. Trừ điểm này ra thì tất cả các loại đồ ăn khác như món xào, mặn và canh vẫn giữ được độ nóng cần thiết", chị Dung chia sẻ.

Lần đầu tiên được mẹ làm cho hộp cơm xinh xắn, ngon miệng lại đủ dinh dưỡng, bé nhà chị Dung vô cùng ngạc nhiên xen lẫn sự háo hức. Khi mang cơm đến trường, bạn bè của con cũng kinh ngạc, thích thú, tò mò không biết hôm nay bé sẽ nhận được hộp cơm hình con gì. Không chỉ thế, lũ trẻ còn ngưỡng mộ và rất muốn thử ăn nữa.

"Nhiều khi mình rất vui khi lúc tan học con kể rằng bạn này ăn cái này, bạn kia xin cái kia của con vì mấy bạn cũng thích nữa. Khi mình có việc bận đột xuất không kịp làm cho con mà chỉ làm hộp cơm bình thường thì con có vẻ buồn và bé chỉ dặn là ngày hôm sau mẹ nhớ làm lại cho con nhé", bà mẹ đảm đang hạnh phúc nói.

Theo chị Yến Dung, việc làm cơm bento sẽ kích thích việc ăn uống cho con hơn. Chẳng hạn, bé nhà chị rất kén ăn, nhất là các loại rau củ nhưng sau khi được mẹ làm cơm bento thì con có vẻ tiếp nhận và chịu thử ăn rau hay thử các món khác ngoài những món bé thích. Một hộp cơm nên đa dạng các món từ mặn, xào, canh, trái cây như vậy mới đủ chất cho con.

Bằng kinh nghiệm của bản thân, chị Dung khuyên các chị em không nên tự ti mình làm sẽ không đẹp bởi chính bản thân chị cũng chưa từng nghĩ sẽ làm được như thế này. Mỗi người chỉ cần mình cố gắng, luyện tập thì sẽ đạt được như ý muốn.

"Các mẹ có thể tập cắt trên giấy trước khi áp dụng cắt trên rong biển hoặc có thể tập tạo hình cơm khi có thời gian rảnh. Buổi tối các mẹ cần lên phác thảo hộp cơm của mình, vẽ sẵn các hình ra để lên rong biển khi cắt, những gì đơn giản thì mình làm trước hoặc nấu trước những món như các món mặn hoặc canh, cắt trái cây. Sáng sớm mình chỉ cần làm theo rau xào, cắt phô mai, hâm lại đồ ăn đã làm tối qua, đợi cơm chín là chúng ta trộn cơm và trang trí ngay", chị Yến Dung tâm huyết nói.

Khi đăng những hình ảnh hộp cơm cho con lên facebook, nhiều người tưởng chị Yến Dung đang sống ở Nhật vì quá đẹp. Nhiều người còn thi nhau hỏi chị kinh nghiệm pha màu cho cơm... tất cả những điều này tuy đơn giản nhưng cũng giúp chị tăng thêm động lực để duy trì việc làm đẹp cho hộp cơm của con mỗi ngày.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn