BSCK II Đỗ Khắc Huỳnh - Phó giám đốc Phụ trách chuyên môn, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội -cho biết, các bác sĩ bệnh viện vừa thực hiện ca mổ bắt con cho một thai phụ tên N.T.N.A, 36 tuổi, ở Hà Nội. Điều đặc biệt của ca mổ này đó là sản phụ sinh mổ đến lần thứ 5, chính điều này sẽ khiến người mẹ đối diện với rất nhiều nguy cơ.
Theo chia sẻ của chị N.A, thời điểm mang thai chị đang đồng thời mắc COVID-19, khi đó các bác sĩ đã đưa ra rất nhiều cảnh báo, nhất là việc 4 lần trước đã sinh mổ. Khi đó, người mẹ này trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau từ lo lắng, bồn chồn, đến cảm giác hạnh phúc khi đứa con đang lớn dần trong bụng.
Khi quyết tâm sinh con, chị N.A đã đến gặp bác sĩ, thời điểm này thai đã ở tuần thứ 22. Kể từ đó, chị A luôn tuân thủ lời khuyên của bác sĩ trong việc ăn uống, chăm sóc và thăm khám định kỳ.
Đến tuần thai thứ 29, nỗi lo một lần nữa đến với chị N.A khi xét nghiệm cho kết quả chị bị tiểu đường thai kỳ. Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Thanh - Trưởng khoa khám Chuyên gia - Bệnh viện Phụ sản Hà Nội - cho biết, thời điểm đó ngoài vấn đề kê thuốc điều trị, thai phụ còn phải tuân thủ nghiêm ngặt chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý.
Việc sinh mổ nhiều lần rất nguy hiểm, thậm chí đối diện với nguy cơ tử vong. (Ảnh minh họa)
Tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, chị N.A đã đi qua được 37 tuần thai an toàn và được bác sĩ chỉ định mổ chủ động vào thời điểm này. “Dù là ca sinh khó, sản phụ đã trải qua 4 lần sinh mổ, nhưng với nỗ lực của đội ngũ thầy thuốc, em bé đã chào đời an toàn. Sản phụ hoàn toàn khỏe mạnh”, bác sĩ Thanh chia sẻ.
Dù ca sinh mổ diễn ra an toàn, thuận lợi nhưng bác sĩ Thanh cảnh báo, việc sinh mổ nhiều lần có thể đối mặt với rất nhiều tai biến, vì thế chị em cần đặc biệt cân nhắc quyết định mang thai khi đã sinh mổ nhiều lần.
Theo đó, những tai biến có thể xảy ra khi sinh mổ nhiều lần (từ 3 lần trở lên) có thể gặp là:
- Nhau tiền đạo: là tình trạng nhau thai bao phủ 1 phần hoặc toàn bộ cổ tử cung, có thể dẫn tới băng huyết trong thời kỳ mang thai hoặc khi sinh nở.
- Nhau bong non: xảy ra khi nhau thai rụng khỏi thành tử cung trước khi sinh khiến cho bào thai không được cung cấp đủ dinh dưỡng và oxy.
- Nhau cài răng lược: là khi nhau có hiện tượng bám quá sâu và chặt vào thành tử cung, thậm chí còn bám cả vào những tổ chức lân cận như bàng quang khiến thai phụ tăng nguy cơ sinh non hoặc khi chuyển dạ bị ra nhiều máu. Biến chứng nguy hiểm của tình trạng này khi ở thể nặng đó là nguy cơ cắt bỏ tử cung của thai phụ.
Mang thai trên vết mổ cũ hay gặp ở người sinh mổ nhiều lần. (Ảnh minh họa)
- Thai trên vết mổ cũ: Đây là tình trạng khi mang thai nhưng vị trí túi thai cấy vào ở vết sẹo mổ lấy thai trước đó mà không phải là vị trí bình thường trong lòng tử cung. Biến chứng nguy hiểm nhất khi mang thai trên vết mổ cũ là khối thai phát triển ngày càng to lên tại vị trí sẹo mổ, chúng sẽ có nguy cơ vỡ gây xuất huyết vào ổ bụng hoặc xuất huyết âm đạo ồ ạt. Khi tình trạng chảy máu không được kiểm soát ngay, người mẹ có thể tử vong vì sốc mất máu.
- Tăng nguy cơ nhiễm trùng: Nguyên nhân là bởi vì các vi khuẩn thường trực ở âm đạo khi gặp điều kiện thuận lợi sẽ xâm nhập và gây bệnh ở tử cung của mẹ. Mức độ nhẹ là nhiễm trùng vết mổ, nặng hơn thì chúng có thể lây lan sang những cơ quan khác.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn