Người mẹ chia sẻ, từ ngày học online, cô con gái học lớp 6 sử dụng máy tính nhiều. Thời gian đầu, chị quan sát và để ý con thường xuyên. Thấy con chăm chỉ, tập trung học, chị cảm thấy yên tâm. Từ đó, chị ít giám sát con hơn. Chị tin con sẽ tự giác học tập. Khi con bước vào lớp 6, chị mới cho phép con dùng mạng xã hội để con có thể giao tiếp với các bạn. Chị thường xuyên dặn con không được kết bạn, không "chat" với người lạ. Chị còn kiểm soát con bằng cách cài địa chỉ facebook của con trong điện thoại của mẹ. Thi thoảng, chị lướt vào để kiểm tra xem con nói chuyện với ai, làm gì. Sau này, chị thấy cần tôn trọng quyền riêng tư của con nên bớt kiểm soát.
Thế nhưng, mới đây, khi mở máy tính của con, chị thực sự sốc. Đứa con ngây thơ, luôn nghe lời mẹ khiến chị "điếng cả người". Người mời con của chị "chat sex" là một cậu học sinh lớp 10. Cậu ta gửi cả hình nhạy cảm của mình cho con chị xem. Trong khi con gái chị thì vẫn ngây thơ hỏi người anh mới quen có chơi game nhập vai thì cậu ta liên tục rủ con gái chị chat sex. Khi chị gọi con ra nói chuyện, cô con gái liền hét lên: "Con không biết, con muốn chết, con chỉ muốn chết thôi!". Chị thực sự hoảng sợ vì thái độ phản kháng của con. Kiểm tra lại facebook của con, chị phát hiện ra con tham gia nhiều nhóm chơi game nhập vai. Các thành viên trong nhóm đó chủ yếu là những bạn sinh từ năm 2010 đến 2014. Điều chị cảm thấy sốc hơn khi câu chuyện mà các thành viên trong nhóm nói với nhau là: "Muốn tìm bạn hệ dâm", tìm người yêu... với những ngôn từ mà chị không thể tưởng tượng được những đứa trẻ còn ít tuổi như vậy mà nói không chút ngượng mồm.
Có lẽ, trường hợp của con gái chị không phải là cá biệt trong thời điểm học sinh phải học online kéo dài. Trên facebook, có nhiều lời mời chào xem clip "sex". Ai dám chắc những đứa trẻ ở tuổi tò mò không bấm vào những link đó. Hay ở các game cũng thành lập nhiều hội nhóm. Việc những đứa trẻ bị lôi kéo, ảnh hưởng những điều tiêu cực là điều không tránh khỏi.
Việc bảo vệ con trên môi trường Internet là điều mà nhiều bố mẹ quan tâm. Theo nhà báo Hoàng Anh Tú, bảo vệ sự an toàn của con trên mạng, hãy bắt đầu từ việc loại bỏ những thứ xấu xí mà chúng ta gặp hàng ngày. "Chúng ta cùng bảo vệ trẻ em chứ không chỉ bảo vệ mình con của chúng ta. Dạy con mình kỹ năng thích ứng an toàn khi di chuyển trên mạng là tốt nhưng đừng quên dọn sạch con đường của chính chúng ta. Con càng lớn, nỗi lo càng lớn theo. Đừng để nỗi lo trong đầu, trong bụng, trong ý nghĩ. Hãy biến nó thành hành động, ngay lúc này".
Theo nhà báo Hoàng Anh Tú, cha mẹ cần bảo vệ con trên môi trường Internet bằng những điều sau:
Giữ môi trường quanh con mình được sạch nhất (kiểm tra "di chuyển" của con trên mạng thường xuyên và đảm bảo những "dấu chân số" của con không bị để lại trên mạng).
Chia sẻ với con mỗi ngày về cách sử dụng mạng an toàn và cung cấp cho con nhiều kênh trợ giúp. Bất cứ lúc nào con cần sự trợ giúp con có thể tìm đến những kênh như Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111.
- Hãy để con được quyền lên tiếng, được quyền nói bất cứ điều gì với cha mẹ mà không bị cha mẹ mắng mỏ, quát nạt hay phán xét. Hãy cho con quyền được cùng thảo luận nhiều hơn về mọi điều trong cuộc sống.
- Tạo nhiều vòng tròn bảo vệ con bằng bạn bè của con, thầy cô của con, những người lớn quanh con.
- Cùng nhau tạo ra nhiều kết nối trợ giúp cho con. Và hãy bắt đầu từ chính bạn, sẵn sàng trợ giúp bất cứ đứa trẻ nào không phải con của bạn.
- Không bỏ qua bất cứ thứ gì trên mạng mà bạn thấy có thể gây ra nguy hiểm cho trẻ con. Bằng nút "report", bằng cung cấp thông tin cho báo chí, bạn bè để lên tiếng cảnh báo sớm.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn