Mẹ tẩy chay vaccine, con dễ nguy hiểm tính mạng

16:22 | 12/07/2017;
Hiện trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin kêu gọi tẩy chay kêu gọi không có trẻ tiêm vaccine. TS Dương Thị Hồng, Viện phó Viện Vệ dịch tễ Trung ương cho rằng, nếu không tiêm vaccine, trẻ dễ mắc nhiều bệnh nguy hiểm chết người.
Thông tin kêu gọi không tiêm vaccine xuất hiện trên mạng, sau đó được nhiều người chia sẻ. TS Dương Thị Hồng cho rằng, hiệu quả của việc tiêm vaccine đã được lịch sử chứng minh. Trước kia, khi chưa có vaccine, các dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện và cướp đi sinh mạng của hàng triệu người.

Tại Việt Nam, trong suốt 30 năm triển khai công tác tiêm chủng mở rộng, với hơn 100 triệu liều vaccine đã sử dụng, cho thấy tiêm vaccine là an toàn. Một vài phản ứng, sự cố nghiêm trọng chỉ là hãn hữu.

Nhờ tỷ lệ tiêm chủng đạt mức cao trên 90% trong nhiều năm qua, nước ta đã thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000, đạt mục tiêu loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh vào năm 2005 và đến nay vẫn tiếp tục duy trì thành quả này. Thành công của công tác tiêm chủng mở rộng đã đem lại hiệu quả rõ rệt, làm thay đổi về cơ bản cơ cấu bệnh tật ở trẻ em. Nếu so sánh năm 2016 với năm 1984, tỷ lệ mắc các bệnh trong tiêm chủng trên 100.000 dân giảm rõ rệt: Bệnh bạch hầu giảm 410 lần; bệnh ho gà giảm 844 lần; bệnh sởi giảm 3.010 lần.
“Tiêm vaccine là biện pháp phòng bệnh an toàn, chủ động và hiệu quả nhất. Điều này đã được công nhận ở tất cả quốc gia từ nhiều năm qua”, TS Hồng nói.
anh-tiem-chung1.JPG
Trẻ không tiêm chủng đầy đủ dễ mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, trong đó có bệnh sởi

Theo TS Dương Thị Hồng, tiêm chủng không chỉ giúp cho những người được tiêm không mắc bệnh mà còn phòng bệnh cho những người không thể tiêm chủng do chống chỉ định, đang điều trị các bệnh cấp tính, trẻ nhỏ chưa đến độ tuổi tiêm chủng… Nếu không tiêm chủng hoặc tỷ lệ tiêm chủng thấp thì bản thân trẻ và những trường hợp trên sẽ là những người có nguy cơ cao mắc bệnh. Trong khi đó, trẻ nhỏ mắc bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm, sức đề kháng của các cháu còn yếu.


Trẻ cần tiêm chủng đủ mũi và đúng lịch

Trong các năm từ 2013 đến nay, tại các tỉnh Quảng Nam, Gia Lai, Bình Phước ghi nhận ổ dịch bạch hầu quy mô nhỏ, xảy ra ở trẻ lớn tại các thôn, xã vùng sâu vùng xa, do tỷ lệ tiêm chủng thấp. Điều này cho thấy, nguy cơ bệnh bạch hầu vẫn tồn tại.

Tình trạng tăng số mắc bệnh ho gà trong năm 2016 và đầu năm 2017 cũng là một ví dụ, có đến 50% số trẻ mắc bệnh nằm trong nhóm 2-4 tháng tuổi nhưng không tiêm chủng hoặc tiêm chưa đủ mũi. Đây là những trường hợp đáng tiếc bởi nếu được tiêm chủng đúng lịch, trẻ sẽ không mắc bệnh.
anh-tiem-chung.JPG
Cha mẹ nên đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch
Ngoài ra, tình hình dịch sởi xảy ra trong năm 2014, làm nhiều trẻ tử vong cũng cho thấy việc tiêm chủng muộn, không tiêm đủ mũi hoặc không tiêm chủng khiến cho nhiều trẻ có nguy cơ mắc bệnh và dịch có cơ hội lây lan. Tiêm chủng đạt tỷ lệ cao chính là tạo ra tấm chắn bảo vệ trẻ nhỏ chưa đến độ tuổi tiêm chủng không bị mắc bệnh. Khi tỷ lệ tiêm chủng thấp, tấm chắn bị phá vỡ, virus sởi có thể lây lan trong nhóm trẻ dưới 9 tháng khi chưa đến tuổi tiêm chủng mũi thứ nhất vaccine sởi.

Để phòng chống bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và phổ biến ở trẻ em, các chuyên gia y tế khuyến cáo các bậc cha mẹ cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch. Với những trẻ em chưa được tiêm, uống vaccine thì cần tiêm chủng càng sớm càng tốt. Những trẻ đã tiêm nhưng chưa đủ mũi thì cần tiêm, uống các mũi tiếp theo mà không cần tiêm lại từ đầu…

Ngoài vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng hiện nay phòng 10 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm: Lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi, viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib, sởi, bại liệt, rubella và viêm não Nhật Bản B, các bà mẹ có thể đưa trẻ tiêm chủng một số vaccine phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác.

“Dù sử dụng vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng hay dịch vụ, cha mẹ cần cho trẻ đi tiêm chủng đúng lịch và đủ mũi để đảm bảo miễn dịch cơ bản cho trẻ góp phần bảo vệ sức khỏe cho trẻ và cho cả cộng đồng”, TS Hồng cho biết thêm.

Đầu những năm 2000 tại Nigeria, một nhóm người nghi ngại về vaccine OPV và tuyên truyền cho người dân không uống vaccine ngừa bại liệt này. Chính quyền bang Kano đã cho dừng triển khai vaccine OPV và hậu quả là dịch bại liệt quy trở lại. Năm 2006, quốc gia này chiếm khoảng 50% số mắc bại liệt trên toàn cầu. Tương tự, việc ngừng sử dụng vắc xin ho gà từ năm 1979-1996 tại Thụy Điển do lo ngại tính an toàn của vaccine khiến hơn 60% số trẻ em dưới 10 tuổi của quốc gia này mắc bệnh ho gà.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn