Mẹ than thở "ngay trong giấc mơ cũng là ác mộng của con"

19:10 | 04/05/2020;
Làm mẹ khó quá, nhất là khi con cái không còn muốn chia sẻ hay làm bất cứ điều gì với mình. Ngay cả trong giấc mơ, mình cũng trở thành cơn ác mộng của con.

Thanh Tâm ơi!

Làm mẹ khó quá, nhất là khi con cái không còn muốn chia sẻ hay làm bất cứ điều gì với mình. Ngay cả trong giấc mơ, mình cũng trở thành cơn ác mộng của con.

Gái lớn nhà mình vừa vào cấp 3 Thanh Tâm ạ, chẳng chịu học hành gì mà cứ đâm đầu vào thích mấy cái thứ thần tượng vô bổ. Mình suy nghĩ lắm, con không tập trung học hành, sau này vào đời sẽ rất khó khăn. Thời bây giờ đã khó, đến thời bọn nó sẽ khó nhiều lần, không có năng lực thì chắc chắn bị đào thải ngay lập tức. Giải thích cho con, lo lắng cho con bao nhiêu mà con không chịu hiểu. Điều buồn nhất là hôm qua nó viết về giấc mơ, khi có một bà tiên yêu quý xuất hiện, thì khuôn mặt, dáng vóc của bà tiên ấy lại giống với bà hàng xóm. Còn kẻ phá hoại mọi thứ, ác quỷ trong giấc mơ lại có hình dáng của mình. Lén đọc trộm nhật ký của con, mình phát hiện quá nhiều sự thật.

Sự thật về mẹ qua những dòng nhật ký của con gái - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Vợ chồng mình không hạnh phúc. Từ khi còn trong bụng mẹ, nó đã chứng kiến cảnh mẹ nó khóc hàng đêm. Mình cũng không hợp với mẹ chồng, bà thường hay mắng nhiếc và so sánh. Mọi khó khăn chồng gặp phải, bà thường đổ lỗi do tại mình. Thế nên chẳng lúc nào đầu óc mình thanh thản. Từ khi sinh ra, nó đã khá giống mình, hay cau có và khó chịu. Chỉ mới 2, 3 tuổi, nó đã biết thở dài thườn thượt. Thấy vậy mình lại càng thương. Nhưng càng lớn nó càng giống bà và bố, thay vì cảm thông, nó lại trách móc mình: "Đấy, mẹ cứ như vậy bảo sao bố hay khó chịu", "Con không thích mẹ như thế, bố không thích là cũng phải thôi"...

Lúc con học cấp 2, khi con cảm nắng một bạn trai, 2 đứa thường xuyên gửi thư cho nhau là những mẩu giấy nhỏ trong ngăn bàn. Con đã viết "Ôi thật thích, anh ấy đã gửi thư cho mình. Còn hẹn cúp học tiết toán để gặp nữa. Mình có nên đi không nhỉ? Mẹ mà biết mình sẽ bị tróc hết xương nấu canh cho xem". Đọc xong, mình rất phẫn nộ khi biết con gái yêu sớm, lập tức chạy hỏi nó: "Thằng ý tên là gì? Để mẹ báo ngay cho cô giáo. Định trốn học theo trai à? Con lớn gan thật". Có thể mình còn mắng nó một vài câu khó nghe nữa mà không nhớ. Nhưng nó đã rất giận dữ "Mẹ đọc trộm nhật kí của con sao? Con ghét mẹ!". Nó chạy lên phòng, đóng cửa đánh "rầm", còn mình thì cũng vẫn tức phát điên.

"Mẹ cho con mua cái cặp sách có hình Sky nhé!" "Không, lên học bài đi", "Giày con hỏng rồi, mẹ mua cho con giày thể thao adidas trắng để đi với quần và váy bò nhé!", "Không, mày đua đòi thế, mua giày hiệu để đắt cắt cổ à? Đi học cần gì đẹp"... Thanh Tâm ạ, mình từ chối nó nhiều quá, nên trong nhật kí, nó cũng viết "Mẹ chẳng bao giờ đồng ý thứ mà mình thích, thay vào đó là những cái xấu xí, dở ẹc", "Mình ghét khi phải xuống xin mẹ bất cứ cái gì!". "Mẹ không thích mình xinh đẹp, nên thường mua cho mình những đồ vớ vẩn", "Mình nhiều lúc rất ghét mẹ"... Đọc xong những dòng nhật ký ấy, nước mắt cứ rơi thôi. Chồng mình làm công chức trong Viện Nông nghiệp, chẳng làm thêm được gì, lương chỉ cơ bản nên chẳng đủ nuôi thân, huống hồ cứ cuối tuần là đi "hầu bia" bạn thân. Mình là lao động chính trong nhà, chi tiêu đối nội, đối ngoại, mua sắm, ăn uống... nói chung là mọi thứ. Nên nhiều lúc con đòi mua cái nọ, cái kia thấy không phù hợp là mình từ chối, không giải thích nhiều. Mình chỉ mong con hiểu cho hoàn cảnh của gia đình một lần, để được cảm thông và chia sẻ...

Nó ghét mình. Có lẽ sau này mình chẳng trông chờ được gì ở nó, về già có thể sẽ rất cô đơn và chẳng ai trông nom. Mình đang tìm hiểu một số gói bảo hiểm để tham gia, mua trước phòng thân, sau còn tự lo được cho bản thân...

                                                                                                                    Thu Thùy (Hà Nội)

Chị Thuỳ thân mến!

Làm mẹ chưa bao giờ là đơn giản cả, Thùy cũng đang rất cố gắng. Nhưng ở lứa tuổi dậy thì, con khá ương bướng và luôn muốn chứng tỏ mình. Thanh Tâm nghĩ Thùy nên tìm hiểu và lắng nghe con nhiều hơn thay vì hành động đọc trộm nhật ký hay tự mình đưa ra mọi quyết định trong gia đình.

Khi hiểu được mong muốn, suy nghĩ của con, chia sẻ về hoàn cảnh của mình, 2 mẹ con sẽ hiểu nhau hơn. Về kinh tế, có nhiều cách để con hiểu mà cân nhắc lựa chọn các món đồ phù hợp. Thay vì mua nhiều, mua rồi cất đó không sử dụng, hãy cho con lựa chọn món đồ con thích. Đặc biệt, đừng buông xuôi với ý nghĩ "Mình chẳng trông chờ gì được ở nó, nó ghét mình". Chỉ cần có suy nghĩ ấy mà không thay đổi hành động, nó có thể sẽ thành sự thật đấy.


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn