Chị Nguyễn Thị Bích Hằng (30 tuổi, ở Gia Lâm, Hà Nội) kết hôn từ năm 26 tuổi. Cuộc sống hôn nhân của chị rất mãn nguyện và niềm hạnh phúc như nhân đôi khi cặp vợ chồng trẻ đón tin vui: có bầu.
Thế nhưng, men say hạnh phúc chẳng kéo dài được bao lâu, khi đến tuần thai thứ 9, cảm thấy có bất thường, Hằng đi khám và phát hiện thai lưu. Mọi thứ dường như sụp đổ hoàn toàn với hai vợ chồng trẻ. Được sự động viên của người thân, vợ chồng Hằng gắng gượng vượt qua nỗi đau.
Hành trình 3 năm sau đó, nỗi đau cứ nối tiếp nỗi đau với người vợ trẻ. Hằng mang thai tất cả 7 lần nhưng đều bị lưu thai ở tuần thứ 9 hoặc 10. Hằng đã đi khám, dùng mọi loại thuốc nhưng tình hình chẳng cải thiện.
Lần thứ 8 mang thai, Hằng hạnh phúc đến rơi nước mắt khi thai kỳ vượt qua được mốc 10 tuần, rồi 12 tuần… Vậy nhưng, khi được 18 tuần, Hằng lại bị sảy thai, dù các bác sĩ đã cố gắng nhưng lực bất tòng tâm.
Trường hợp mang thai nhưng bị sảy liên tiếp cần đi khám càng sớm, càng tốt. (Ảnh minh họa)
Nuốt nước mắt vào trong, Hằng tiếp tục đi khám, với mong muốn sau đó sẽ thụ tinh trong ống nghiệm. Ths.BS Trịnh Thị Thúy - Chuyên khoa Sản phụ khoa (Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội) cho biết, qua thăm khám bác sĩ kết luận tử cung bệnh nhân bị nhi tính. Đó cũng chính là nguyên nhân khiến Hằng bị thai lưu và sảy thai nhiều lần.
Do từng mang thai nên Hằng được tư vấn làm IVF và sau đó đã chuyển phôi thành công. Từ khi bắt đầu mang thai, Hằng được theo dõi rất kỹ lưỡng. Khi thai 12 tuần, các bác sĩ khâu vòng cổ tử cung chủ động cho mẹ để tránh sảy thai. Tiếp sau đó, người phụ nữ này phải nằm tại viện theo dõi. Đến 35 tuần, cháu bé đã cất tiếng khóc chào đời trong niềm vui, sự hạnh phúc của gia đình.
Bác sĩ Thúy cho biết, tử cung nhi tính là một dạng dị dạng ở buồng tử cung. Dù người phụ nữ đã trưởng thành nhưng tử cung không phát triển và chỉ nhỏ như tử cung một đứa trẻ chưa dậy thì. Chính tử cung nhỏ, niêm mạc tử cung mỏng nên việc có thai rất khó khăn và nếu có thai rất dễ bị sảy.
Bác sĩ Trịnh Thị Thúy tư vấn cho một bệnh nhân khám sản phụ khoa.
“Đây là một dị dạng sinh dục và hiện chưa biết nguyên nhân chính xác, có thể do di truyền về gen, hoặc có thể gặp ở những người có bất thường về nhiễm sắc thể. Nếu phát hiện ở giai đoạn trước dậy thì, với những bất thường về gen và di truyền thì có thể dùng thuốc, hóc môn điều trị được. Nếu phát hiện muộn hoặc liên quan đến nhiễm sắc thể thì rất khó khăn trong việc can thiệp và điều trị”, bác sĩ Thúy cho hay.
Theo bác sĩ Thúy, trường hợp phụ nữ trưởng thành có tử cung nhi tính mà chưa từng mang thai bao giờ thì khả năng có con rất thấp. Thậm chí phải chấp nhận việc mang thai hộ. Còn với trường hợp như bệnh nhân Hằng nói trên, đã từng mang thai nhưng hay bị chết lưu thì vẫn có cơ hội làm mẹ, nhưng cần theo dõi rất kỹ lưỡng.
“Tử cung nhi tính rất khó phát hiện, vì khi còn nhỏ, tử cung các bé gái đều như nhau. Do vậy, nếu trẻ trên 16 tuổi chưa có kinh thì phụ huynh nên đưa con đi khám. Ngoài ra, với trường hợp kết hôn không có thai, hoặc có thai những hay bị lưu, sảy thì cũng nên đi khám để xác định chính xác nguyên nhân", bác sĩ Thủy tư vấn.
* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn