Chị Đỗ Trà My (37 tuổi, sống tại Hà Nội) vừa sinh con thứ 2 cách đây vài tháng. Em bé chào đời bằng phương pháp sinh thường và nặng 3,2kg. Vì đã qua 35 tuổi nên chị My rất hạnh phúc khi con khỏe mẹ khỏe, cuộc sinh nở không gặp bất cứ khó khăn nào.
Chia sẻ về bí quyết sinh thường nhanh, bà mẹ U40 tâm sự là các mẹ cần giữ tâm lý thật thoải mái, không quá lo lắng, tin tưởng vào bản thân và chỉ dẫn của các bác sĩ, đặc biệt là hạn chế la hét, kêu gào vì dễ gây mất sức, nguy hiểm cho cả mẹ và con.
"Với những bà mẹ tuổi cao, quá 35 tuổi như mình thì khi mang thai chú ý đi khám định kỳ và làm đầy đủ các xét nghiệm theo bác sĩ yêu cầu. Ăn uống nghỉ ngơi điều độ để giữ sức khoẻ tốt. Luôn giữ tinh thần lạc quan tích cực để em bé cũng cảm nhận được sự tươi vui của mẹ. Chịu khó tập luyện vận động nhẹ nhàng như yoga, đi bộ để cơ thể linh hoạt dẻo dai khí huyết lưu thông", chị My nói.
Trong suốt quá trình bầu bí, bà mẹ U40 tăng 16kg, tích cực ăn nhiều trái cây, uống nhiều nước ép rau củ, hạn chế ăn mặn, ăn cay, đồ chiên xào rán. Chú trọng những thực phẩm bổ máu, tích cực ăn các đồ có màu đỏ, các loại trái cây màu đỏ như dâu tằm, dưa hấu, lựu, nho đỏ, củ dền, các loại rau xanh lá đậm.
Theo chị My, nếu người mẹ chịu khó luyện tập thể dục thể thao thì sức khỏe cũng sẽ đảm bảo hơn khi sinh thường. Cụ thể, bà mẹ 1 con đã đi bộ nhẹ nhàng, tập Yoga, bộ môn yoga kết hợp cùng dụng cụ: chăn, gối, gạch. Động tác chậm giữ lâu: giống như thiền rất phù hợp với mẹ bầu. Luyện tập yoga thường xuyên, đều đặn giúp cơ thể dẻo dai, khoẻ mạnh, linh hoạt, không bị đau nhức, khi bầu không bị phù chân, xuống máu chân hay đau lưng.
Em bé trộm vía đáng yêu, nặng 3,2kg.
Sau khi sinh nở, quá trình phục hồi sức khỏe của mẹ U40 không gặp quá nhiều khó khăn. Khi cảm giác sức khỏe đã ổn định trở lại, chị My bắt đầu luyện yoga phục hồi cơ đáy sàn, cân bằng nội tiết tố.
"Mới sinh con nên mình không quá kiêng khem, ăn uống thoải mái để bản thân không bị stress. Mình thích ăn những đồ ăn khiến tâm trạng vui vẻ hạnh phúc. Tuy nhiên mới sinh xong thì cơ thể sản phụ sẽ bị thiếu máu nên ưu tiên bổ sung thực phẩm bổ máu bổ khí huyết như trứng gà, củ dền, dưa hấu, ớt chuông...", chị My chia sẻ.
Các mẹ có thể tham khảo những bí quyết dưới đây nhé.
- Tư thế của sản phụ khi sinh bé: Nằm đầu cao một góc 45 độ, phần mông nâng lên một chút, hai tay nắm lấy 2 càng của bàn sinh. Hai chân đạp mạnh vào giá đỡ 2 chân.
- Khi bác sĩ cho phép được rặn, sản phụ nên tập rặn đúng cách thì mới có hiệu quả đẩy thai ra khỏi bụng mẹ. Rặn không hiệu quả, giai đoạn sổ thai kéo dài sẽ làm mất sức người mẹ và em bé có thể bị ngạt ngay khi chưa kịp sinh ra.
- Rặn đẻ trong lúc cơn gò bắt đầu xuất hiện, bằng cách phối hợp với các động tác hít thở làm sao cho nhịp nhàng và hiệu quả nhất.
- Khi đến cơn gò, mẹ nên hít sâu một hơi dài bằng mũi, sau đó thở ra bằng miệng từ từ. Động tác hít thở nhịp nhàng kết hợp với rặn đẻ. Khi rặn mẹ nên dồn hơi xuống bụng, chứ không nên dồn hơi lên mặt.
- Sau mỗi lần rặn đẻ, mẹ nên nghỉ khoảng 50-60 giây để bình tĩnh hơn và chuẩn bị cho cơn gò thứ hai. Rặn đẻ trong lúc có cơn gò tử cung thì mới hiệu quả và dễ dàng hơn.
- Sự kết hợp cộng hưởng từ lực của cơn gò tử cung, lực của sản phụ rặn đẻ và lực đẩy bụng của nữ hộ sinh khi đầu thai nhi đã thập thò ở âm hộ, em bé sẽ được ra đời tự nhiên mà không cần phải can thiệp tới bất cứ phương pháp nào khác.
Ths.BS. Tạ Việt Cường - Phó giám đốc Trung tâm khám, điều trị và chăm sóc sức khỏe sinh sản, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết:
1. Phải rặn tốt (biết cách lấy hơi, biết vào tư thế đúng) để em bé được đưa ra ngoài đúng tiến độ vì nếu em bé bị giữ nằm lâu trong đường sinh của mẹ thì sẽ bị bó chặt gây thiếu oxy có thể dẫn đến ngạt.
2. Trong quá trình chuyển dạ, rặn tim thai phải tốt, không có dấu hiệu suy thai vì nếu suy thai mà mẹ rặn yếu thì bác sỹ, hộ sinh sẽ phải cắt rộng cả vùng tầng sinh môn lẫn thành âm đạo để đưa em bé ra ngoài sớm còn hồi sức dẫn đến sẽ gây sẹo xấu, méo, hở âm đạo sau sinh.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn