Người phụ nữ có 2 tử cung, 1 quả thận, bác sĩ bảo không sinh con được và kết quả bất ngờ

12:00 | 04/11/2021;
17 tuổi, chị Lê Thị Thu Trang biết mình là một người đặc biệt - là một trong số hàng nghìn người hiếm gặp có 2 tử cung và 1 quả thận.

Người ta thường nói “Con cái là lộc trời cho” và nhiều người thường trêu vui gia đình chị Lê Thị Thu Trang (41 tuổi, Hà Nội) và anh Lê Ngọc Tân (U40, quê ở TP. Vinh, Nghệ An) rằng lộc trời cho hết gia đình chị khi sinh đến 7 bé. Vào đầu tháng 10 vừa qua, tổ ấm nhỏ của chị mới chào đón thêm thành viên thứ 7, bé Lê An Tuệ Ngọc (Sóc - Sunny).

Chị Trang tâm sự mỗi lần nhận tin mang bầu, vợ chồng chị lại dở khóc dở cười. Thế nhưng vì chị sinh ra là một người đặc biệt - một trong 1.000 người hiếm gặp khi có tử cung 2 buồng, 1 quả thận không thể tránh thai được nên sau khi hoang mang đến ngỡ ngàng, vợ chồng chị lại vui vẻ chuẩn bị tinh thần để chào đón các thiên thần nhí đến với gia đình.

Tổ ấm nhỏ của chị Trang.

Hiện nay, vợ chồng chị Trang đang có tổ ấm nhỏ hạnh phúc với 7 con lần lượt: Lê Minh Ngọc (tên gọi ở nhà là Nhi - Beauty - sinh năm 2000); Lê Phúc Anh (anh Ku - Healthy - sinh năm 2003), Lê Thanh Ngọc (Phương - Money - sinh năm 2005); Lê Anh Ngọc (Nghé - Lovely - sinh năm 2009); Lê Bảo Ngọc (Mèo - Lucky - sinh năm 2010); Lê Bích Ngọc (Thỏ - Happy - sinh năm 2011); và Lê An Tuệ Ngọc (Sóc – Sunny sinh ngày 8/10/2021).

Được biết, sau thời gian dài xây dựng sự nghiệp ở ngoài Bắc lẫn trong Nam, đầu năm nay, gia đình chị chuyển về sinh sống trong ngôi nhà vườn rộng rãi ở Vũng Tàu.

Là một người đặc biệt, chị Trang không thể dùng các biện pháp tránh thai nên mỗi lần mang bầu lại là một lần hoang mang.

Chia sẻ về lý do sinh đến 7 bé, chị Trang kể, chị vốn là người bẩm sinh có 2 tử cung và một quả thận. Năm chị 17 tuổi, bác sĩ đã thông báo rằng chị là trường hợp đặc biệt 1.000 người mới có một, sau này chị sẽ vô sinh và xác định xin con nuôi chứ không đẻ được.

Khoảng thời gian đó, chị và mẹ đã khóc hết nước mắt khi nhận tin này bởi chị không thể làm mẹ, không thể thực hiện thiên chức thiêng liêng của người phụ nữ. Cũng chính bởi vậy mà vài năm sau chị có người yêu, gia đình hết sức cấm cản, không cho lấy. “Lúc đó đến khổ vì gia đình cấm cản không cho lấy bởi sợ lấy vợ về không đẻ được thì lấy làm gì”, chị Trang chia sẻ.

Cũng chính vì dị tật tử cung nên chị Trang không đặt vòng được, sau này lập gia đình, chị sinh 3 bé, ai cũng phải công nhận đúng là kỳ tích và chúc mừng chị không bị vô sinh. Tuy nhiên cũng chính vì không đặt vòng tránh thai được mà sau đấy chị rơi vào cảnh dở khóc dở cười vì mỗi lần quên dùng thuốc tránh thai lại là một lần dính bầu. 3 năm liền chị sinh 3 bé gái thứ 4, thứ 5, thứ 6, nay được 13 tuổi, 12 tuổi và 11 tuổi.

“Con gái đầu của mình nay đã 22 tuổi, con trai thứ 2 nay 19 tuổi, cô thứ 3 đang học lớp 11 nay 17 tuổi và gia đình mình đã chốt bé gái thứ 6 được 10 tuổi thì vừa chuyển nhà về Vũng Tàu, mình áp dụng các biện pháp tránh thai mà vẫn có bầu… An toàn được 10 năm, sơ suất cái lại mang thai bé thứ 7”, chị Trang cười.

7 lần mang bầu, mỗi lần nhận tin vui chị đều hoang mang. Còn đối với gia đình và mọi người xung quanh thì từ khi chị sinh bé thứ 4 lần nào cũng bất ngờ. Và lần mang bầu bé thứ 7, mọi người ngạc nhiên không ngờ nhất bởi ai cũng nghĩ chị sinh 6 con là ngừng rồi. Vậy nên khi biết có thai lần này, vợ chồng chị giấu hết cả ông bà nội ngoại. Mãi đến khi sinh xong, mẹ tròn con vuông, mang con về mới nói với ông bà khiến mọi người bất ngờ, ngơ ngác không hiểu. Tuy nhiên nhìn thấy em bé đáng yêu, khỏe mạnh cả nhà đều vui mừng.

Chị Trang chia sẻ, mang bầu bé thứ 7 không hề hay biết nên khi nghén chị lại tưởng bị cảm, đánh gió cả chục lần, xông lá 2 tuần mà không thấy đỡ. Mãi sau đó chị thấy khó chịu giống lúc nghén mới nghi ngờ “không lẽ mình có bầu”. Lúc đó chỉ nghĩ thôi chị cũng đã hoảng và sau khi mua que thử thai về nhìn 2 vạch đỏ chót, chị đã khóc luôn vì hoang mang, chị lo hơn 40 tuổi sinh nở gặp nhiều biến chứng, rồi sợ mổ đẻ hay băng huyết do sinh nhiều.

Không những vậy, chị lo cha già con cọc, dịch COVID-19 hoành hành đi lại phải test, mua bán khó khăn, nhỡ đâu lây nhiễm,… Đủ thứ nỗi sợ cứ quẩn quanh đầu chị suốt nhưng chị chỉ có một lựa chọn duy nhất là phải đi tiếp.

“Vợ chồng mình lại động viên nhau “quân bài xấu đẹp gì cũng đã được chia rồi, chỉ có thể chơi tốt nhất, hết khả năng của mình thôi”. Giờ ở tuổi lẽ ra an nhàn mình quay lại làm mẹ bỉm sữa vài năm, may là sự nghiệp cũng ổn định, các con cũng độc lập hơn rồi, có chị lớn giúp mẹ chăm sóc bé và bà nội hỗ trợ trong thời gian ở cữ”, chị Trang cho hay.

An toàn được 10 năm chị lại có bầu bé thứ 7.

Mang bầu bé thứ 7 ở ngoài độ tuổi 40 nên sức khỏe chị cũng yếu hơn. Chị thấy đuối nhất, mệt suốt 9 tháng, 3 tháng đầu bị nghén khủng khiếp, ăn ít, ngủ ít, stress,… chỉ tăng được 8kg, vòng bụng lên 96cm trong suốt thai kỳ. Nếu như bầu 6 bé trước chị làm việc đến lúc đẻ thì bầu bé thứ 7 hầu như chị chỉ ăn xong rồi nằm, không làm được việc gì.

Vì tử cung nhỏ nên khi mang thai chị Trang cũng rất chú ý chế độ dinh dưỡng sao cho bé khỏe mà thai không to quá bởi nếu thai phát triển nhanh thì tử cung sẽ không đáp ứng được. Chính vì vậy chị ăn nhiều rau củ, trái cây, bổ sung vitamin, canxi, sắt và đạm, hạn chế ăn chất béo, tinh bột và đường vừa phải. Chị đầu tư 25 triệu mỗi tháng để dành dinh dưỡng tốt nhất cho con.

“Từ bé thứ 3 trở đi đều được mình chăm chút hơn 2 anh chị đầu về chế độ dinh dưỡng, cũng tùy vào tình hình tài chính mỗi thời điểm. Những năm 2005 - 2012 rất khó khăn thì mình dành quỹ từ 2,4 triệu - 4,8 triệu/tháng để bổ sung dinh dưỡng, năm 2013 - 2016 thì 8-10 triệu/tháng. Từ 2017 đến nay thì quỹ này đã tăng trung bình 25 triệu/tháng. Áp dụng đúng chuẩn theo quy trình của chương trình chăm sóc sức khỏe quốc tế. Có thể nói rằng, em bé út được chăm chút nhiều nhất vì bố mẹ có kinh nghiệm và kinh tế cũng dư dả hơn, nghỉ ngơi nhiều hơn, thời gian có nhiều hơn dành cho con”, chị Trang bộc bạch.

Đối với chị Trang, 7 lần mang thai cơ bản giống nhau vì thai nhỏ, vòng bụng chừng 90cm là chị đi sinh. 7 lần đi sinh, nhờ chuyển dạ nhanh mà chị sinh thường, không có lần nào phải sinh mổ. Tuy nhiên 7 lần sinh nở vẫn là 7 trải nghiệm vô cùng khác nhau của chị.

Bé gái đầu nhà chị sinh năm 2000 nặng 2,3kg và nằm ở tử cung bên trái có diện tích lớn hơn bên phải. Sinh bé đầu chị vất vả nhất vì bị viêm phúc mạc tiểu khung sau đẻ, áp xe tử cung phải điều trị kháng sinh liều cao 1 tuần tại viện. Không những vậy, chị còn bị suy nhược cơ thể và trầm cảm suốt 3 năm. Năm 2004 nhờ người quen hướng dẫn cách bổ sung dinh dưỡng nên chị phục hồi được sức khỏe.

Bé trai thứ 2 sinh năm 2003 khi thai 37 tuần chỉ vỏn vẹn 1,7kg nằm bên tử cung phải. Vì bé sinh nhẹ cân nên sau sinh chị được ra viện còn bé vẫn phải vào lồng ấp 3 ngày, sau 1 tuần bé mới được về nhà. Từ bé gái thứ 3 đến bé út chị mang bầu đều ở bên tử cung phải. Trong đó, bé gái thứ 3 sinh năm 2005 được 2,8 kg. Bé thứ 4 chị suýt đẻ rơi và chị đẻ tại phòng cấp cứu khi chưa kịp viết hồ sơ nhập viện, bé nặng 2,8kg. Bé thứ 5 cũng giống chị thứ 4 nặng 2,8kg còn bé thứ 6 nặng 2,7kg. Bé thứ 7 chào đời khi được 39 tuần 4 ngày, nặng 3kg.

Sinh bé đầu năm 2000 chị thấy vất vả nhất.

Kể về lần đi sinh bé thứ 7 mới đây, chị Trang cho biết, khi đi khám thai định kỳ tuần 36, nghe thấy thông báo của bác sĩ “nhập viện đi, mở 2cm rồi”, hai vợ chồng chị cuống cuồng chạy ngay ra siêu thị sắm đồ sơ sinh vì đường xa cách 30km không quay về nhà lấy đồ được.

Tuy nhiên vì không thấy cơn co hay đau mà chỉ thấy thai gò cứng bụng liên tục nên chị cứ vào viện nghe theo bác sĩ. 6 lần đầu chuyển dạ nhanh nên chị Trang cũng nghĩ mình sẽ sinh nhanh như những lần trước và có thể do sinh nhiều nên lần này chị sinh sớm hơn so với các lần trước sinh ở tuần 37 hoặc 38.

Những tưởng nhập viện sẽ chuẩn bị sinh nào ngờ sau khi test COVID-19, làm các xét nghiệm và hồ sơ xong, chị vào phòng chờ đẻ khám và đo tim thai suốt 2 ngày mà tử cung không mở thêm được phân nào. Cuối cùng bác sĩ đã cho vợ chồng chị về, hẹn tuần sau khám lại.

Sau khi xuất viện về, vợ chồng chị phải test COVID-19 2 lần và cách ly tại nhà 14 ngày khi thai được 38 tuần vẫn không có dấu hiệu chuyển dạ. Anh chị phải bàn nhau ra Bà Rịa thuê khách sạn ở để đợi đến cơn đau nhập viện sinh cho kịp. Sau 8 ngày ăn chực nằm chờ trong khách sạn từ 30/9, cuối cùng ngày 8/10 chị cũng sinh bé nặng 3kg.

“Suốt những ngày đó mình chẳng ngủ được, ăn cũng ít, em bé gò, đạp nhiều, đi đứng nằm ngồi, nghiêng ngửa gì cũng đau cũng mệt, chỉ mong có cơn đau và dấu hiệu sinh để đi đẻ. Trưa 8/10 có máu báo, 20h có cơn co 5-6 phút 1 lần, 22h cơn đau dồn dập hơn, cứ 3 lần trong 5 phút nên mình bảo ông xã chuẩn bị đồ vào viện. Xong thủ tục là 23h, bác sĩ khám bảo mở 7cm, bác sĩ lấy ven để truyền phòng khi mình băng huyết do lo ngại hơn 40 tuổi và sinh lần 7. Không may cho mình là vỡ ven đến 12 lần, tím bầm cả hai cánh tay, đến lần thứ 13 bác sĩ dùng kim size nhỏ hơn mới được. Chắc do đau quá, huyết áp của mình tăng vọt lên, một lúc sau đo lại mới hạ xuống mức bình thường, 23h53 thì mình sinh xong.

May là không phải mổ xẻ, khâu vá hay uống viên kháng sinh nào. Ở viện hai ngày thì được về. Lúc này vợ chồng mình mới gọi điện báo cho ông bà nội và các con đón em bé, trước đấy cả nhà không ai biết, vì vậy ai cũng vừa bất ngờ, vui vì mẹ tròn con vuông, khỏe mạnh”, chị Trang nhớ lại ngày đi sinh lần thứ 7.

Bé thứ 7 nhà chị sinh đầu tháng 10.

Đối với chị Trang, ông xã là người hỗ trợ và quan tâm chị rất nhiều trong 7 lần sinh nở. Dù sinh con hay không anh vẫn luôn quan tâm và lúc nào cũng sát cánh bên chị. Từ xưa đến nay anh vẫn chiều chị nên lúc mang bầu đến khi sinh anh cũng đều ở bên cạnh chị. Lần sinh bé thứ 7, vì sợ ông bà nội ngoại lo lắng nên một mình anh “cân” tất mọi việc, chăm sóc chị từ A đến Z, đưa đón chị mỗi khi chị muốn đi đâu. Ngày nào anh cũng hỏi chị muốn ăn gì để mua, thích đi đâu cho khuây khỏa rồi mát xa cho chị mỗi ngày. Sau sinh bé, anh dành thời gian trông con, chăm sóc bế ẵm, thay bỉm, tã để chị có thêm thời gian ngủ và nghỉ ngơi.

“Mặc dù hằng ngày anh vẫn có công việc riêng của mình và sắp xếp thợ thuyền xây sửa nhà cửa vườn tược nhưng vẫn luôn quan tâm vợ con từng chút một. Việc học hành của các chị lớn cũng do bố cháu bám sát và hướng dẫn.

Còn các bé mỗi lần thông báo tin vui đều rất thích và tò mò. Bạn thứ 6 ban đầu không thích có em bé vì chỉ muốn là em út để được cả nhà chiều chuộng, thậm chí còn dỗi, khóc khi trêu là có em nhưng năm nay lên 11 tuổi, người lớn hơn, sẵn sàng giúp mẹ tắm cho em, bế em và trông em cho mẹ”, chị Trang thổ lộ.

Nhà đông con nhưng chị Trang may mắn vì 6 anh chị của bé thứ 7 Tuệ Ngọc đều lớn hết nên độc lập, tự chủ không có thói quen trông chờ bố mẹ. Chị cả Minh Ngọc tốt nghiệp trường Nghệ thuật Hà Nội mới về gia đình cũng nhận chăm sóc em bé thay mẹ để chị đỡ vất vả, chị Thanh Ngọc nay 17 tuổi và An Ngọc 13 tuổi nấu cơm, giặt quần áo, chị Bảo Ngọc 12 tuổi và Bích Ngọc 11 tuổi nhận rửa bát, quét nhà,… Vì vậy mà việc nhà chị không phải bận tâm vì có các con giúp đỡ và bà nội, ông ngoại cùng ông xã hỗ trợ.

Do mới sinh bé được 1 tháng nên chị dành thời gian nghỉ ngơi cho lại sức rồi lên lịch cho công việc và quay trở lại các hoạt động với các con. Vợ chồng chị sẽ dành thời gian buổi sáng rèn cho các con dậy sớm đọc sách 30 phút, tập thể dục 15 phút, ngồi thiền 15 phút kết hợp tắm nắng rồi cùng nhau ăn sáng.

Sau đó các con học bài và làm các công việc mà các con đã nhận nhiệm vụ, cho đến sau giờ cơm chiều cả nhà sẽ đi dạo cùng nhau. Vào tối thứ 7 hàng tuần, gia đình chị cùng nhau xem những bộ phim có ý nghĩa và thảo luận. Vợ chồng chị dự kiến sẽ dành một ngày chủ nhật đào tạo các con theo từng chủ đề về tư duy đúng, kiến thức quản lý tài chính cá nhân, quản lý thời gian, rèn các thói quen tốt và các kỹ năng sinh tồn, cách đặt mục tiêu và lên kế hoạch cho các con.

Hàng tuần và tháng, vợ chồng chị sẽ có buổi họp phân công và tổng kết, chỉnh sửa, nhận xét quá trình rèn giũa của các con để khen thưởng hoặc cùng rút kinh nghiệm.

“Ngày chưa có dịch thì tuần nào vợ chồng mình cũng cho các con đi chơi, xem phim rạp hay đi khám phá nhà hàng chay mới, mỗi năm đều đi nghỉ dưỡng ít nhất 1 tuần ở những nơi du lịch dù bận thế nào. Vợ chồng mình chưa bao giờ bỏ lỡ ngày lễ hay sinh nhật của các con. Bất kể điều gì khiến các con hạnh phúc, cả 2 đều làm hết sức. Chính vì vậy, gia đình mình có rất nhiều kỷ niệm với nhau. Các chị lớn rồi nhưng vẫn đăng kí lần lượt thay phiên nhau ngủ với mẹ”, chị Trang mỉm cười.

Lộc trời ban cho gia đình chị.

Người ta thường nói nuôi con đàn dễ nhưng đối với chị Trang dễ hay khó còn tùy nhiều yếu tố nhưng điều quan trọng nhất bố mẹ cùng phải dạy con bằng cách làm gương, dành thời gian tâm huyết dạy dỗ con, kiên nhẫn, đặc biệt là tin tưởng và trao quyền cho con thay vì áp đặt. Sinh nhiều con áp lực lớn nhất của vợ chồng chị là dành thời gian dạy con, lắng nghe con, đồng hành cùng con. Tuy nhiên nhờ có nguồn thu nhập thụ động nên vợ chồng chị có thời gian dành cho con, giúp các con có một tuổi thơ hạnh phúc, nuôi dạy các con nên người.

Một số hình ảnh tổ ấm nhỏ của chị Trang.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn