Rồi tôi được biết thêm về chị Võ Thị Sáu, chị Út Tịch, đội quân tóc dài của xứ dừa đồng khởi, những cô thanh niên xung phong ở Ngã ba Đồng Lộc, Truông Bồn, Hang Tám cô… cùng biết bao gương liệt nữ trên mọi mặt trận chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Cùng với vốn tri thức lịch sử có được về Bà Trưng, Bà Triệu, về nữ tướng Bùi Thị Xuân, về những người phụ nữ vô danh trong các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên-Mông, chống quân Minh xâm lược, tôi đã có được những ý niệm ban đầu về một truyền thống riêng có của Việt Nam “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”.
Sau hai đợt thực hiện Pháp lệnh Quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" (ban hành ngày 10/9/1994; ngày 20/10/2012 tiếp tục sửa đổi, bổ sung một số điều về pháp lệnh trên), đến nay ước tính có gần 70.000 người được vinh danh Mẹ Việt Nam anh hùng.
Đó là niềm vinh quang, nhưng cái giá mà những người dân vô tội Việt Nam phải trả là nỗi đau bị cướp mất quyền làm vợ, làm mẹ, làm bà, những hy sinh đó làm nên giá trị lương tri và phẩm giá, đủ sức mạnh chính nghĩa đập tan quân bạo tàn. Khi đất nước khải hoàn ca, có biết bao người không bao giờ trở về, họ nằm lại trong lòng đất Mẹ Việt Nam, trở thành những đứa con tha hương vong hồn ngay trên Tổ quốc mình.
Họ nằm lại với những miền quê đất lửa, trên con đường huyền thoại Hồ Chí Minh (cả trên bộ và trên biển), trong lòng sông Thạch Hãn dưới chân thành cổ Quảng Trị, phía ngoài Thành Nội cố đô Huế, trong những hẻm phố Sài Gòn, hay giữa rừng đước U Minh; và còn rất nhiều, rất nhiều miền quê ở phía Nam cầu Hiền Lương; chưa kể cả trên đất bạn Lào, Campuchia dưới màu áo quân tình nguyện.
Những linh hồn liệt sĩ có tên và không tên đã được đồng đội, đồng bào tìm kiếm, qui tập và dâng hương hoa vào mỗi dịp 27/7 hằng năm, mỗi dịp kỷ niệm những ngày chiến thắng lẫy lừng năm xưa một thời hoa lửa.Hãy xem những thước phim tư liệu, những hình ảnh từ cuộc chiến tranh vệ quốc đằng đẵng 30 năm và hãy đến Nghĩa trang Điện Biên, Nghĩa trang Trường Sơn, ra thăm ngục tù trần gian Côn Đảo mà thắp nén nhang, lòng tưởng nhớ đến thế hệ ông cha một lòng yêu nước, quyết tâm theo Đảng, không bao giờ khuất phục trước lưỡi lê, họng súng và những đòn tra tấn dã man của quân thù, trong đó có nhiều gương mặt kiên trung của người phụ nữ Việt Nam… ta sẽ thấu hiểu thêm giá trị sống, giá trị tự do, hòa bình, độc lập của dân tộc Việt Nam quí báu biết nhường nào.
Có bao nhiêu ngôi mộ liệt sỹ (có tên hay không tên) thì cũng có ngần ấy người phụ nữ chịu nỗi đau là những bà mẹ mất con, những người vợ mất chồng, những người bà mất cháu...Từ những nỗi đau xưa, hãy nâng niu giá trị hòa bình và độc lập dân tộc của ngày hôm nay, đó là điểm tựa tinh thần cho một dân tộc từng một thời là hiện thân giá trị lương tri, phẩm giá của nhân loại, nay vững bước đi lên, tiến cùng thời đại.