Đó là cách mà chị Mick Schiessl, một mẹ người Việt đang sống tại Đức áp dụng và đã thành công với con của mình. Trong nhà, chị chuẩn bị 5 chiếc đồng hồ cát với 5 màu sắc khác nhau, mỗi cái có quỹ thời gian riêng biệt đi từ 30 giây đến 15 phút. Tuy nhiên có nhiều loại đồng hồ khác nhau, cha mẹ có thể chọn loại phù hợp với con mình.
Bà mẹ 1 con đã sử dụng hệ thống này trong rất nhiều trường hợp như sau:
1. Với việc đi chơi: Ví dụ bọn mình dự tính đi ra ngoài chơi, mình sẽ nhắc con trước là chuẩn bị đi chơi nhé, con cũng chuẩn bị thay đồ mang giày, áo vào đi. Đương nhiên là bé "dạ" nhưng vẫn sẽ chơi tiếp. Đến khoảng 10 phút trước khi đi thì mình đưa đồng hồ 5 phút cho con và bảo con mặc đồ xong trong 5 phút nhé. Quen thói, thấy đồng hồ chạy mà chưa mặc đồ xong thì bé sẽ vội vàng mặc sao cho nhanh, bởi nếu không sẽ có hệ quả đi kèm, như là không kịp ghé sang cửa hàng bánh yêu thích trên đường đi nữa rồi.
2. Với việc ăn uống: Có những hôm con ăn mãi chưa xong bữa, có vẻ là bé cũng chẳng đói. Sau khi ăn được khoảng 20 phút, cả nhà ăn xong rồi mà mình con vẫn lèo nhèo thì mình lại lấy đồng hồ 5 phút ra, con không ăn xong trong 5 phút nữa thì mẹ dọn bàn nhé. Và đương nhiên thằng bé ăn thật nhanh sau đó.
3. Khi con phạm lỗi: Khi phạt con ngồi im cũng sử dụng đồng hồ cát luôn. Con mình nghe đếm đến phút thứ 3 là chán rồi. Lí do? Tại vì con không thích bị bắt ngồi im lâu và vì sau phút thứ 3 đó thì mẹ sẽ chuyển sang hình thức phạt khác. Từ đó, con sẽ biết về hậu quả và cách con phải chịu trách nhiệm cho hành động của mình. Nhưng dù là hình thức phạt/hậu quả nào thì cha mẹ cũng hãy chắc rằng nó không được gây tổn thương cho thể xác hay tâm lý của con.
Lợi ích bất ngờ: Việc sử dụng các loại đồng hồ cát giúp con có thể thấy được ý nghĩa của các con số. Thấy được 5 phút dài hơn, lâu hơn 1 phút, kiểu như vậy. Bên cạnh đó, bé sẽ thấy được là đồng hồ cát loại 1 phút nếu chạy 5 lần sẽ có thời gian bằng loại đồng hồ 5 phút. Toán học đã xuất hiện trong nhà mình "tự nhiên" như thế đó.
1. Hãy chọn loại an toàn cho con: Con bạn có hay ném đồ không? Nếu hay ném tốt nhất bạn hãy để đồng hồ ngoài tầm tay trẻ. Mình chọn loại khó vỡ, an toàn cho trẻ con nhưng mình vẫn rất chú ý vấn đề này. Con mình khi cầm đồng hồ cát luôn nằm trong tầm quan sát của mình.
2. Dạy cho con ý nghĩa của đồng hồ và thời gian: Tuyệt nhiên con không được xoay đồng hồ nếu cát chưa chảy hết. Nếu đủ giờ thì dừng lại.
3. Giọng nói với con: Luôn phải bình thường nhưng dứt khoát, rõ ràng, không đốc thúc hay cáu bẳn. Bạn đã truyền lệnh rồi, phần còn lại hãy để con tự quyết.
4. Hãy chọn khung thời gian thích hợp: Nếu bạn thấy con cần nhiều thời gian hơn cho 1 việc gì đó thì bạn lấy khung giờ dài hơn cho con. Nhưng 1 khi đã đưa ra mốc thời gian có nghĩa là giờ đó là cố định, không cho thêm giờ nữa, 5 phút là đúng 5 phút. Bạn cho ít giờ sẽ khiến con dù cố gắng cũng không hoàn thành được, dễ stress và ức chế. Bạn cho dài quá sẽ khiến con học thói giờ dây thun, cuối cùng lại thành khó biết cách quản lý thời gian.
5. Hãy đưa ra hình phạt khi giao trách nhiệm cho con: Ví dụ bạn nói mẹ cho con thêm 5 phút dọn phòng thôi đấy nhé. Đây là đồng hồ 5 phút, hết giờ mà con vẫn chưa dọn xong thì sẽ có hình phạt gì đó, tùy bạn xem xét. Chồng mình đã nói trước với con là "những món đồ mà con không dọn tức là con không thích món đó nữa, không muốn chơi nữa, vì vậy ba mẹ sẽ lấy nó đi (trong khoảng 1 tuần). Nếu con muốn ngày mai còn chơi tiếp thì hãy thu dọn đi".
6. Hãy chọn hình phạt thích hợp: Không cứng nhắc hay quá khắt khe nhưng khiến con ghi nhớ. Dù sao sử dụng đồng hồ cát tức là bạn cho con lựa chọn, con có quyền lựa chọn không làm theo. Đương nhiên nếu con biết trước hậu quả sẽ chẳng tốt đẹp gì thì thường con sẽ chọn làm. Ngược lại, con cũng học được cách chịu trách nhiệm cho hành động của mình.
Quay về ví dụ tịch thu đồ chơi: Tối đó do con không dọn dẹp nên chồng mình đã tịch thu tất cả những thứ con bày bừa ra đất, và suốt cả tuần sau, con cứ lượn lờ qua lại nhắc về những món đồ. Chẳng phải do con thiếu đồ chơi nhưng thường trong 1 giai đoạn trẻ chỉ thích chơi vài món riêng biệt, tịch thu ngay đúng món mà con mình thích trong giai đoạn đó chính là cách chồng mình đã đánh trúng ngay điểm yếu dù con khó nhận ra, nhưng nó ghi nhớ.
7. Thời gian là công bằng hết cho mọi người: Vì vậy hãy để ý đến giờ giấc của chính bạn và bạn phải là người làm gương. Có lần con mình muốn mẹ chơi cùng nhưng lúc đấy mình đang bận tay làm việc nên thuận miệng nói luôn "chờ mẹ 1 phút, mẹ ra ngay với con". Bé đòi ngay cái đồng hồ cát loại 1 phút. Và đúng 1 phút sau con chạy vào. Lúc đó, bản thân mình, dù làm xong việc hay chưa cũng phải gấp máy lại và ra chơi với con. Công bằng thôi mà!
Hy vọng những thông tin trên sẽ hữu ích với các bố mẹ nhé!
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn