Mẹ vững vàng đồng hành cùng con vượt qua tự kỷ

13:04 | 02/04/2023;
“Tự kỷ không phải là bệnh. Con đã thiệt thòi rất nhiều rồi, mình phải vững vàng đồng hành với con”.

Đây là chia sẻ của chị D.T. (30 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TPHCM) khi đưa con trai rối loạn phổ tự kỷ đến tham dự chương trình "Cùng chong chóng sắc màu, lan tỏa yêu thương" vừa diễn ra tại TPHCM.

Chị T. cho biết gia đình phát hiện con rối loạn phổ tự kỷ khi bé vừa tròn 18 tháng tuổi. Lúc đó, bé có dấu hiệu như là không biết chỉ tay, không biết làm theo hướng dẫn.

Nhớ lại những ngày đầu biết tin con mình "đặc biệt", chị T. cho hay đã khóc rất nhiều, khó lòng chấp nhận.

Thế rồi, gia đình tìm hiểu và tiến hành can thiệp điều trị 1-1 cho con. Trong quãng thời gian này, cũng đã có không ít lần, chị T. ôm mặt bật khóc vì bất lực trước những gian nan nuôi con tự kỷ. Thế nhưng tình thương lớn lao của người mẹ đã giúp chị vượt qua tất cả.


Mẹ cùng con vượt qua tự kỷ
 - Ảnh 1.

Chị T. chia sẻ, chương trình "Cùng chong chóng sắc màu, lan tỏa yêu thương" đã góp phần phổ cập thông tin và đưa kiến thức khoa học đến cộng đồng xã hội. Để mọi người hiểu rằng tự kỷ không phải là bệnh, xin đừng kỳ thị con.

"Hiện tại bé đã tiến triển khá tốt, nhờ gia đình đã dành nhiều thời gian bên con, bước vào thế giới của con để hiểu con và chơi cùng con", chị T. chia sẻ.

Giờ đây niềm vui và cũng là niềm tự hào của người mẹ trẻ là thấy con mình khỏe mạnh mỗi ngày. Chị T. tự hào khoe rằng, bé có một khả năng đặc biệt -  đó là ghi nhớ rất tốt bảng chữ cái, thuộc làu làu rất nhiều bài hát cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt. 

"Cùng chong chóng sắc màu, lan tỏa yêu thương" là chương trình thuộc dự án "Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam" hưởng ứng Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ 2/4.

Năm 2023 là năm thứ 5 của dự án với nhiều hoạt động ý nghĩa và nhân văn. Theo đó, với số tiền 700 triệu đồng từ gói tài trợ của những nhà hảo tâm và cộng đồng, ban tổ chức sẽ thông qua Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam để hỗ trợ các trẻ tự kỷ khó khăn trên cả nước. 

Nhờ đó, các em được cải thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị học hành, phụ huynh được cập nhật kiến thức, hỗ trợ hiện kim cho gia đình trẻ tự kỷ khó khăn... 


Mẹ cùng con vượt qua tự kỷ
 - Ảnh 2.

Nhiều phụ huynh cùng con tham gia các hoạt động như ghép hình, tham qua khu trưng bày tài liệu, chụp hình check-in cùng chong chóng sắc màu

Nhờ dự án "Nâng cao nhận thức về tự kỷ cho trẻ em Việt Nam", hàng ngàn gia đình khó khăn kinh tế không thể tiếp cận dịch vụ xã hội về chăm sóc trẻ tự kỷ đã có cơ hội hiểu biết để tự ứng dụng một phần kiến thức vào thực tiễn chăm sóc con tại nhà. 

Bà Nguyễn Thị Hiền - Phó giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam - nhận định, việc tăng cường sự hiểu biết của cộng đồng, tăng cường phối hợp giữa Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và các nhà chuyên môn giúp giảm sự kỳ thị, phân biệt đối xử với trẻ tự kỷ, mang lại cuộc sống trọn vẹn, ý nghĩa cho trẻ em tại cộng đồng.

Theo đó, dự án đã xây dựng và phát hành bộ tài liệu định hướng kiến thức phục hồi chức năng, hỗ trợ can thiệp hành vi, hỗ trợ hình ảnh, hỗ trợ kỹ năng tự phục vụ… cho trẻ em tự kỷ. 

Các lớp bồi dưỡng tập trung, nâng cao kiến thức hàng năm cho 109 giáo viên chủ chốt tại 82 trung tâm trên 37 tỉnh, thành phố và bồi dưỡng online hàng tháng cho trên 4.500 giáo viên, kỹ thuật viên chăm sóc trẻ tự kỷ… cũng được những chuyên gia đầu ngành đánh giá cao.    

Dự án "Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam" do Công ty PNJ phối hợp cùng Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đồng khởi xướng và tổ chức. Dự án được diễn ra hàng năm, đến nay đã cán mốc 5 năm (2018-2023) trong sứ mệnh chăm lo cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ.

Thông qua dự án, đã có hơn 10.000 phụ huynh và hơn 4.000 trẻ em rối loạn phổ tự kỷ được hưởng lợi với tổng ngân sách 10 tỉ đồng.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn