Men gan chính là các enzyme giúp tăng tốc các phản ứng hóa học trong cơ thể, cụ thể là các phản ứng tại gan.
Các hoạt động có sự tham gia của men gan, có thể kể đến là:
- Sản xuất hầu hết các protein mà cơ thể cần.
- Chuyển hóa chất dinh dưỡng từ thực phẩm bạn ăn vào để tạo ra năng lượng cho cơ thể hoạt động.
- Lưu trữ một số vitamin, khoáng chất và đường.
- Sản xuất mật, dung dịch giúp tiêu hóa chất béo và hấp thụ vitamin A, D, E và K.
- Sản xuất các chất giúp đông máu.
Có rất nhiều loại men gan, trong đó có 4 loại chính là:
- AST (Aspartate Transaminase) hay còn có các tên gọi khác là ASAT (Aspartate Amino Transferase) hoặc SGOT (Serum Glutamic Oxaloacetic Transaminase). AST là một loại enzyme có thể được tạo ra từ gan, tim , thận , não và cơ bắp. AST có chức năng làm chất xúc tác cho quá tình chuyển nhóm amin, cũng như phân hủy và tổng hợp chúng, đặc biệt là phản ứng giữa aspartate và alpha- ketoglutarate chuyển hóa thành oxaloacetate và glutamate.
- ALT (Alanine Transaminase) hay còn có các tên gọi khác là ALAT (Alanine Amino Transferase) hoặc SGPT (Serum Glutamic Pyruvic Transaminase). ALT là enzyme có mặt trong bào tương, thường được tìm thấy ở gan, cơ vân và tim. ALT có chức năng thúc đẩy phản ứng chuyển nhóm amino từ Alanine sang alpha-ketoglutarate tạo thành Glutamate và Pyruvate.
- GGT (Gamma Glutamyl Transpeptidase) là loại men gan được tìm thấy trong ống mật, túi mật, tuyến tụy, thận. GGT có vai trò vận chuyển các axit amin qua màng tế bào.
- Photphatase kiềm - Alkaline phosphatase (ALP) là một loại men gan có tác dụng bẻ gãy các phân tử protein. Nó được sản xuất chủ yếu ở gan, một lượng ít ở xương, thận và ruột.
Nồng độ men gan sẽ phản ánh trực tiếp tình trạng sức khỏe của gan. Nếu nồng độ men gan thay đổi ở mức độ nhẹ thì sẽ không có triệu chứng. Do đó, để phát hiện sớm các vấn đề về gan, bạn cần thực hiện xét nghiệm đo nồng độ men gan. Phạm vi bình thường của các men gan là:
- AST: 20 – 40 UI/L.
- ALT: 20 – 40 UI/L
- GGT: 11- 50 UI/L đối với nam và 7 – 32 UI/L đối với nữ.
Nồng độ men gan cao hơn phạm vi bình thường có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh nguy hiểm như viêm túi mật, viêm gan mãn tính, xơ gan, thậm chí là ung thư gan. Ngoài ra, nguyên nhân gây men gan cao có thể là do:
- Nghiện rượu, uống bia rượu thường xuyên khiến gan quá tải, không thải độc triệt để, vô tình làm tổn thương gan. Người nghiện rượu có thể có nồng độ men gan cao gấp 2 - 10 lần phạm vi bình thường.
- Ảnh hưởng của các loại thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn, bao gồm cả thuốc bổ.
- Do một số bệnh lý khác như bệnh đường mật, sốt rét, đái tháo đường,...
Men gan thấp hơn phạm vi bình thường có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh nguy hiểm như nóng gan, xơ gan, u mạch máu gan, suy gan nặng,...
Men gan thấp là tình trạng ít gặp hơn so với men gan cao. Một số nguyên nhân khác gây men gan thấp là:
- Mắc bệnh thận, bệnh nhân phải lọc thận.
- Bị hội chứng ure huyết cao.
- Chế độ ăn uống thiếu khoa học, ăn nhiều đồ dầu mỡ, thiếu đạm, thiếu sắt và canxi.
Để men gan luôn duy trì ở phạm vi bình thường, giúp gan khỏe mạnh, bạn cần có lối sống khoa học và lành mạnh:
- Bỏ uống rượu bia, thức uống có cồn, cà phê, hoặc các loại nước uống có thể làm gan quá tải.
- Không tự ý sử dụng thuốc, hãy hỏi bác sĩ về tác dụng phụ của các thuốc đối với gan.
- Ăn thực phẩm sạch, tươi sống.
- Tham khảo bác sĩ hoặc các chuyên gia dinh dưỡng về các phương pháp thanh lọc cơ thể, thải độc gan.
- Nên đi xét nghiệm chức năng gan và đo men gan định kỳ để phát hiện sớm vấn đề.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn