Cơm, gạo là loại thực phẩm không thể thiếu trong bữa cơm người Việt. Thông thường, rất ít gia đình có thói quen đổ cơm thừa sau mỗi bữa ăn và thường có xu hướng đậy lại và để tới bữa sau.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nếu chúng ta ăn phải cơm không được bảo quản tốt có thể bị ngộ độc thực phẩm, đau bụng, nôn ói.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Hoan, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lúa cho biết để cơm lâu bị thiu, chúng ta có thể áp dụng một số cách như sau:
- Nấu lại cơm sau khi ăn xong: Đây là phương pháp tuy truyền thống nhưng có hiệu quả trong việc giúp bảo quản cơm nguội tốt hơn. Bạn có thể nấu lại khoảng 2 phút, sau đó cất cơm đi sẽ giúp cơm lâu thiu hơn.
Giải thích điều này, các chuyên gia cho rằng, trong quá trình ăn uống, việc dùng đũa, thìa xới cơm sẽ khiến vi khuẩn xâm nhập vào nồi cơm và sinh sôi. Do vậy việc nấu lại cơm sẽ giúp loại bỏ vi khuẩn, bảo quản cơm nguội trong thời gian lâu hơn.
Cách phổ biến và nhanh gọn hơn đó là bảo quản trong tủ lạnh. Đây cũng là phương pháp giúp tiết kiệm thời gian và được nhiều gia đình áp dụng. Bạn nên cho cơm thừa vào hộp kín và đặt trong ngăn mát tủ lạnh. Đến bữa ăn chỉ cần lấy ra hấp lại là được. Cần lưu ý là không để cơm nguội trong tủ lạnh không quá 1 ngày.
Đây là phương pháp bảo quản cơm nguội cũng như nhiều loại thực phẩm khác. Thời tiết nóng, độ ẩm cao chính là điều kiện lý tưởng khiến vi khuẩn sinh sôi khiến thức ăn có mùi, dễ lên men và hỏng.
Nếu trong nhiệt độ phòng thoáng mát, bạn cũng có thể hoàn toàn bảo quản cơm nguội trong môi trường này được.
Tuy nhiên lưu ý không nên để các thực phẩm khác dính vào cơm. Bạn chỉ cần cho cơm ở chỗ thoáng mát, đậy lại bằng rổ thưa, không đậy kín trong hộp hay để nguyên trong nồi nếu không cơm sẽ bị hấp hơi nước và nhanh thiu.
Chuẩn bị trước khi nấu là khâu quan trọng giúp cơm ngon và lâu thiu hơn. Thông thường, nhiều người sẽ không chú ý đến bước này. Tuy nhiên đây lại là bước giúp cơm ngon hơn, tơi hơn và đặc biệt là hạn chế bị thiu.
Để cơm nấu được ngon và lâu thiu thì chúng ta phải rửa sạch nồi và nắp trước khi nấu cơm, chú ý rửa sạch cả những bợn cơm dưới đáy và nắp nồi. Gạo cần được vo kỹ nếu như gạo để lâu, nhiều bụi hoặc bị mốc, có thể tráng qua nhiều lần cho nước sạch. Để có nồi cơm ngon và lâu thiu thì nên có thói quen xóc gạo. Trước khi nấu 2h, cho gạo ra rá vo sạch, để chỗ ráo nước.
Ngoài ra, còn có một số người cho rằng, cho một ít giấm hoặc muối ăn vào nồi cơm để giúp cơm được bảo quản lâu hơn do tăng khả năng nhiễm khuẩn. Khi cơm chín, cần mở vung, đánh tơi nồi cơm bằng đũa hoặc vật dụng chuyên dùng để xới cơm.
Hấp cơm nguội đúng cách: Bảo quản cơm nguội đúng cách sẽ giúp gia đình bạn tiết kiệm được thực phẩm cũng như có bữa ăn đảm bảo sức khỏe hơn. Để sử dụng lại cơm nguội từ ngày hôm trước, bạn có thể hấp lại bằng nồi cơm điện hoặc quay trong lò vi sóng cũng sẽ giúp cơm ngon và không bị khô.
Vào mùa Hè, nhiệt độ cao và độ ẩm thất thường là điều kiện lý tưởng khiến nấm mốc và các vi khuẩn lên men. Nếu để thực phẩm quá lâu trong nhiệt độ thông thường, thực phẩm sẽ dễ bị biến đổi, gây ngộ độc thực phẩm khi ăn phải, đặc biệt là cơm. Do vậy, cần chú ý bảo quản thức ăn thừa ngay sau khi dùng bữa xong.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn