Bong gân là một chấn thương phổ biến thường xuyên gặp do vận động sai cách, tại nạn trong khi lao động, chơi thể thao, di chuyển… Bong gân không quá nguy hiểm nhưng ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống, đi lại... Vậy bong gân cổ chân bao lâu thì khỏi? Cần làm gì để chữa bong gân cổ chân nhanh lành?
Bong gân là tình trạng dây chằng được nối giữa hai hoặc nhiều xương xung quanh một khớp bị giãn căng quá mức hoặc có thể bị rách một phần hay toàn bộ. Bong gân gây đau nhức khó chịu cho người bệnh. Hơn nữa bong gân còn gây ra tình trạng giảm hoặc mất chức năng vận động của các khớp. Vị trí thường bị bong gân là ở các khớp cổ tay, cổ chân.
Các vị trí bị bong gân khác nhau sẽ có những triệu chứng khác nhau. Hơn nữa còn tuỳ vào mức độ nên triệu chứng có thể sẽ khác nhau, cụ thể:
- Đau nhức : Triệu chứng đau nhức dữ dội sau đó chuyển sang âm ỉ khó chịu, ngay sau khi bạn gặp vấn đề về chấn thương do lao động, di chuyển, va chạm, thể thao… Đặc biệt khi di chuyển gặp khó khăn, đau tăng hơn khi vận động hoặc ấn vào khớp chỗ bị tổn thương. Như vậy rất có thể đây là dấu hiệu của việc bong gân.
- Sưng tấy: Tại vùng khớp bị tổn thương xuất hiện tình trạng sưng tấy sau một vài giờ. Đây là một trong nhưng biểu hiện của bong gân, vì xuất hiện sau một vài giờ bị tổn thương nên sẽ thường bị chủ quan, vận động bình thường, gân tổn thương nặng hơn.
- Bầm tím: Dấu hiệu này xuất hiện sau khi dây chằng bị tổn thương chảy máu bên trong, thường triệu chứng này xuất hiện sau cùng khá muộn.
- Khó khăn khi di chuyển, vận động: Khi bị bong gân người bệnh sẽ gặp cản trở trong việc vận động, di chuyển tại các khớp bị tổn thương.
Bong gân cổ chân bao lâu thì khỏi còn phụ thuộc vào các yếu tố khác nhau như cơ địa của từng bệnh nhân, tình trạng, mức độ bong gân, phương pháp điều trị.
Tuy nhiên, cũng có thể dựa vào mức độ bong gân để ước tính thời gian hồi phục. Thông thường bong gân cổ chân có vị trí tổn thương liên quan đến dây chằng sẽ được chia làm 3 cấp độ, cụ thể:
- Cấp độ 1 (Nhẹ): Trường hợp dây chằng chỉ bị giãn nhẹ, chưa bị đứt, rách hoặc chỉ đứt nhẹ, có hiện tượng sưng nhẹ, đau khi chạm vào. Ở mức độ 1 thì thời gian phục hồi có thể ước chừng khoảng 1-2 tuần.
- Cấp độ 2 (Trung bình): Trường hợp này dây chằng có thể bị đứt hoặc rách một phần nhỏ hoặc vừa. Mắt cá chân có hiện tượng sưng tấy to, đau nhức khi cử động. Với cấp độ 2 này thời gian điều trị của người bệnh có thể lên tới 2-6 tháng mới bình phục.
- Cấp độ 3 ( Nặng): Trường hợp dây chằng bị đứt rời hoàn toàn, phần mắt cá chân bị sưng to, đau nhức, không thể đi lại được. Với cấp độ 3 này thời gian điều trị của người bệnh sẽ lâu hơn, khó khăn hơn vì có thể cần phải can thiệp phẫu thuật điều trị, thời gian cần để người bệnh phục hồi trong trường hợp này vào khoảng trên 6 tháng.
Tuy nhiên, đây chỉ là trường hợp bong gân thông thường, không có kèm theo các vấn đề khác như gãy xương, rạn xương… Nếu trường hợp vừa gãy xương vừa bong gân có thể thời gian bình phục của bệnh nhân được kéo dài hơn.
Dưới đây sẽ là một số tham khảo mẹo nhỏ chữa bong cổ chân nhanh tại nhà. Đối với các mẹo này chỉ mang tính chất tham khảo, hỗ trợ điều trị, phù hợp với trường hợp bong gân nhẹ, cụ thể:
- Nghỉ ngơi, không đi lại, di chuyển bằng chân bị tổn thương
- Có thể sử dụng đá lạnh để chườm tại vị trí sưng tấy. Dùng đá lạnh bọc trong khăn vải sạch sau đó tiến hành chườm. Thời gian mỗi lần chườm khoảng 20-30 phút, mỗi ngày chườm khoảng 3-4 lần.
- Cố định phần bị tổn thương bằng dây chun: có thể dùng băng chun, băng kẹp để cố định phần chân bị tổn thương, giúp cố định dây chằng đúng vị trí.
- Kê chân cao trong vòng 48h
- Có thể sử dụng các loại thuốc kháng viêm, giảm sưng, giảm phù nề để cải thiện vị trí bong gân
- Sau khoảng thời gian 2-3 ngày có thể tiến hành tập vận động nhẹ nhàng để tăng cường sức mạnh của cơ tốt hơn, giúp nhanh bình phục hơn
- Trong trường hợp bong gân ở mức độ năng hơn, cần tới gặp bác sĩ chuyên môn để được thăm khám, chẩn đoán và có hướng điều trị kịp thời.
Như vậy, bong gân bao lâu thì khỏi còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Đặc biệt là phụ thuộc vào mức độ, trạng thái bong gân nặng hay nhẹ của từng người bệnh. Tuy nhiên, bong gân cũng không thể chủ quan bởi có thể có những biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, khi những triệu chứng không thuyên giảm nên đến bệnh viện đẻ được điều trị.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn