Nôn trớ là tình trạng rất thường gặp ở trẻ sơ sinh khi ăn no hoặc vặn mình. Việc này có thể khiến bé yêu mệt mỏi, quấy khóc. Còn mẹ thì lo lắng và cũng vất vả khi phải dọn bãi "chiến trường" của con.
Trớ là hiện tượng bé trào một ít sữa ra miệng sau mỗi cữ bú hay trước cữ bú tiếp theo, không có sự co thắt cơ bụng. Trong khi đó, nôn ói là hiện tượng phun mạnh sữa ra miệng, có sự tham gia của cơ bụng. Hầu hết trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ sẽ thường xuyên bị trớ. Còn ọc sữa có thể là do thức ăn trong dạ dày trào lên cổ họng hoặc cũng có thể do bé nuốt không khí khi bú. Khi không khí đó trở lại dưới dạng ợ hơi, một số chất lỏng có thể đi cùng với nó. Số lượng chất nôn có thể sẽ nhiều hơn so với khi trẻ ọc sữa. Ngoài ra, trẻ cũng có thể có các triệu chứng khác, chẳng hạn như sốt hoặc quấy khóc.
Lý do làm trẻ hay bị trớ, ọc là do dạ dày của bé còn nhỏ và nằm ngang hơn so với người lớn, thức ăn lại ở dạng lỏng và cơ thắt giữa dạ dày và thực quản còn yếu. Nếu bé vẫn bú tốt, tăng cân tốt, không quấy khóc thì đây chỉ là tình trạng trào ngược dạ dày thực quản sinh lý thoáng qua, sau 4-6 tháng tuổi, trình trạng nôn trớ này sẽ tự cải thiện. Còn khi bé ọc sữa quá thường xuyên, quá nhiều gây ra tình trạng ho khò khè kéo dài, viêm phổi tái đi tái lại, ói có máu, chậm tăng cân, rối loạn giấc ngủ. Lúc này bé không còn là tình trạng trào ngược dạ dày thực quản sinh lý nữa mà là trào ngược dạ dày thực quản bệnh lý, mẹ cần đưa con đi khám.
Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác gây ra tình trạng nôn trớ, ọc sữa đó là mẹ cho ăn quá nhiều, sữa có pha chất lạ (ví dụ như thuốc), con quấy khóc, say xe, bé bị chấn động do ngã hay lý do khác, con đến giai đoạn vặn mình, hẹp môn vị...
Vậy có cách nào hạn chế được tình trạng này? Mẹ hãy tham khảo ngay những mẹo dưới đây để giúp bé luôn thoải mái, bú ngoan, ăn khỏe nhé!
Mẹ hãy cho bé bú bên trái xong rồi chuyển bé sang bên phải. Bú với thứ tự như vậy sẽ giúp sữa dễ dàng xuống dạ dày, không gây trào ngược.
Mẹ chỉ nên giữ thời gian trung bình 10 phút cho vú thứ nhất và 20 phút cho vú thứ hai, bú trong thời gian quá lâu sẽ khiến bé dễ nuốt hơi, gây mệt và rối loạn thèm bú hay nghiền vú…
Mẹ nên giữ bình sữa hơi nghiêng sao cho đầu núm vú của bình được đầy sữa... Đồng thời, mẹ cũng lưu ý không để vừa khóc vừa bú vì như thế sẽ khiến bé nuốt hơi nhiều làm căng dạ dày, dễ nôn trớ.
Mẹ cũng nên chọn núm vú phù hợp với miệng trẻ. Lỗ núm vú phù hợp, tránh trường hợp quá nhỏ làm cho trẻ phải gắng sức khi bú. Ngược lại nếu lỗ núm vú quá to, sữa xuống quá nhiều làm trẻ nuốt không kịp, trẻ dễ bị sặc, ói khi bú.
Khi bé ngừng bú, mẹ đừng cho bé nằm ngay mà hãy bế bé thẳng lên, áp ngực bé vào một bên ngực mẹ, mặt bé kê lên vai mẹ rồi vỗ lưng nhẹ nhàng giúp bé ợ hơi. Bé ợ xong, mẹ mới nhẹ nhàng để bé nghiêng bên trái với gối kê hơi cao, không cho bé đùa nghịch ngay.
Dạ dày của bé sơ sinh vẫn còn yếu nên mẹ hãy chia nhỏ bữa ăn trong ngày, mỗi bữa chỉ để bé ăn 30 – 50ml tùy theo độ tuổi, có thể cách 1 – 2 tiếng cho bé bú một lần.
Mặt khác, nếu bé nôn trớ nhưng lại kèm theo sốt, tiêu chảy hoặc nôn quá nhiều dẫn đến tình trạng nôn nhiều mất nước, ngủ lịm, lơ mơ, lì bì… mẹ cần ngay lập tức đưa bé đi khám bác sĩ ngay nhé.
Để giảm thiểu tình trạng say tàu xe, hãy sắp xếp nhiều điểm dừng trong chuyến đi để bé có cơ hội hít thở không khí trong lành và xoa dịu cơn đau bụng.
Nếu em bé của bạn có nhiều đờm và chất nhầy do nhiễm trùng đường hô hấp, hãy hút mũi cho trẻ. Có thể con sẽ phản kháng nhưng cách này giúp con dễ chịu hơn sau đó, và giảm thiểu nôn trớ sau khi uống sữa.
Trẻ sơ sinh bình thường có thể vặn mình nhiều và giảm hẳn lúc 3 tháng tuổi. Nếu mẹ thấy tình trạng vặn mình của con là bất thường, đáng lo thì có thể ghi hình bé. Điều này sẽ giúp bác sĩ xác định chẩn đoán tốt hơn. Nếu bú sữa mẹ hoàn toàn, bé cần được bổ sung vitamin D và mẹ cần uống canxi liên tục đến khi mẹ ngừng cho con bú. Vitamin D có thể được bổ sung qua đường uống 400 UI/ngày. Điều này cũng giúp con giảm thiểu tình trạng vặn mình gây ra hiện tượng nôn trớ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn