Chia sẻ về kỹ thuật kể chuyện trong truyền thông, chuyên gia về viết nội dung Trần Hoàng Hà - người từng viết cho hơn 100 thương hiệu - nói:
Kỹ thuật kể chuyện là một công cụ cực kỳ hữu ích trong các chiến dịch truyền thông chuyên nghiệp, vì nó tạo ra sự kết nối đầy tinh tế giữa thương hiệu và khán giả. Câu chuyện khiến người đọc bị "cuốn" theo thế giới cảm xúc, làm cho họ cảm thấy như họ đang tham gia một câu chuyện, thay vì chỉ là người đọc thông tin.
Đó chính là lý do, một bài viết áp dụng kỹ thuật kể chuyện sẽ giúp độc giả dễ dàng tiếp nhận thông điệp truyền thông hơn so với một bài quảng cáo trực diện. Khi kết hợp với thông điệp chính xác và tạo cảm xúc, kỹ thuật kể chuyện trở thành công cụ mạnh mẽ, thúc đẩy người tiêu dùng thực hiện hành động như: theo dõi Fanpage, mua hàng hay giới thiệu cho bạn bè.
+ Kỹ thuật này có thể được ứng dụng để biên soạn các định dạng nội dung nào, hỗ trợ công việc kinh doanh của chị em phụ nữ?
- Kỹ năng kể chuyện có thể ứng dụng rất đa dạng, trên cả định dạng chữ viết, hình ảnh hay video clip. Chẳng hạn, khi mô tả một sản phẩm kinh doanh như "mắm quê", cách thức lối mòn là chỉ ghi chung chung về thành phần, nguyên liệu, hương vị. Để tăng độ hấp dẫn, chị em có thể kể câu chuyện về hành trình chọn lọc nguyên liệu, quy trình ủ chượp để cho ra đời mẻ mắm chất lượng ngon nhất. Hay một bạn nhân viên trong công ty cũng có thể ứng dụng kỹ thuật kể chuyện để kể lại trải nghiệm thực tế của khách hàng, từ đó xây dựng lòng tin đối với thương hiệu.
+ Chị có thể chia sẻ về một công thức kể chuyện dễ áp dụng dành cho độc giả được không?
- Một trong những công thức hiệu quả, dễ áp dụng là 3S, viết tắt của Star (nhân vật), Story (câu chuyện) và Solution (Giải pháp từ doanh nghiệp). Đây là công thức đơn giản mà chị em có thể áp dụng cho viết post Facebook, viết kịch bản quay clip TikTok và nhiều hơn thế nữa. Tôi lấy ví dụ áp dụng công thức này để viết một bài chia sẻ trên Facebook cá nhân của một nữ doanh nhân. Star (Nhân vật chính) ở đây chính là nữ doanh nhân, Story (câu chuyện) có thể là hành trình cô ấy khởi nghiệp, vấp phải sự phản đối, trải qua những lần thử nghiệm, thất bại và đứng dậy. Cuối cùng, bài viết sẽ đề cập đến Solution (Giải pháp) về sản phẩm hay dịch vụ mà cô ấy cung cấp, từ đó thúc đẩy độc giả chuyển đổi thành hành động mua hàng.
+ Khi áp dụng kỹ thuật kể chuyện này, chị em còn cần phải lưu ý tới điều gì khác nữa?
- Khi biên soạn nội dung, điều quan trọng là chị em phải thấu hiểu đối tượng mục tiêu để tạo ra những câu chuyện gắn kết với độc giả. Hãy tìm hiểu về sở thích, mục tiêu, và các vấn đề của đối tượng mục tiêu, từ đó chắt lọc ra nội dung phù hợp nhất. Bên cạnh đó, cảm xúc là yếu tố quan trọng giúp khán giả cảm nhận sâu sắc và kết nối với nội dung. Chị em hãy sử dụng nhiều động từ, tính từ mô tả, kết hợp với các cụm từ sáng tạo, để "vẽ" nên hình ảnh sống động, khơi gợi cảm xúc trong câu chuyện của mình. Chị em cũng đừng quên đặt câu hỏi hoặc tạo ra yếu tố bất ngờ để kích thích sự tò mò của độc giả. Điều này sẽ giúp họ quan tâm nhiều hơn, và muốn tìm hiểu thêm về câu chuyện đằng sau.
Một bước quan trọng nữa là "Đánh giá bài viết" thông qua chỉ số, hay hỏi đáp ý kiến phản hồi với độc giả. Chẳng hạn với bài chia sẻ trên Facebook, chị em có thể dễ dàng nhận ra bài đăng nào thu hút nhiều hơn, thông qua số lượng tương tác và bình luận. Việc đánh giá hiệu quả từng bài viết giúp chị em điều chỉnh kế hoạch nội dung đắt giá hơn cho lần sau.
Để hình tượng hóa, tôi nghĩ việc ứng dụng kỹ thuật kể chuyện giống như trồng một cái cây vậy. Đó không phải câu chuyện ngày một ngày hai mà là cả một hành trình dài nhưng bền vững để gắn kết thương hiệu của chị em trong tâm trí của đối tượng mục tiêu.
+ Cảm ơn chị đã chia sẻ!
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn