Đối tượng trẻ nhỏ có hệ miễn dịch yếu nên thường xuyên mắc bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là trong giai đoạn thời tiết chuyển mùa. Không khí ẩm thấp, môi trường bụi bặm, các dịch bệnh bùng phát... là những nguyên nhân dẫn đến trẻ em mắc các bệnh về đường hô hấp trên, cúm giao mùa.
Mới đây, hot mom Mie Nguyễn chia sẻ con trai cô lần đầu tiên phải nhập viện do mắc cúm A. Cụ thể, Mie cho biết: "Khổ thân em bé của mẹ, từ bé tới giờ ốm thế nào em vẫn chịu ăn chịu uống mà lần này em không ăn uống nổi luôn. Cứ sốt đùng đùng 39 độ mãi mà không giảm. Em bị cúm A các mẹ ơi, đổi mùa dễ ốm các mẹ cẩn thận nhé".
Được biết, cúm A là một trong những bệnh lây truyền qua đường hô hấp do virus cúm nhóm A, B. Trong đó virus cúm A phổ biến, gây bệnh nặng nhất và có thể lây lan trên diện rộng. Cúm A có thể gây bệnh từ nhẹ đến nặng, đôi khi có thể dẫn đến tử vong. Vì vậy, cha mẹ cần lưu ý cách nhận biết, xử trí và chăm sóc trẻ mắc cúm A để đề phòng biến chứng, giúp trẻ nhanh hồi phục sức khoẻ.
Cúm A nằm trong danh sách những bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, xuất hiện khi thời tiết đang giao mùa. Các chủng cúm A phổ biến thường hoành hành là A/H1N1, A/H3N2, A/H5N1, A/H7N9.
Trẻ bị mắc cúm A có những biểu hiện nào?
- Trẻ bị sốt cao liên tục, khó giảm.
- Ho, sổ mũi, hắt hơi, đau họng (có thể bị xung huyết).
- Chán ăn, hay quấy khóc, mệt mỏi.
- Đau đầu.
- Đau nhức mắt và sợ ánh sáng.
- Đau cơ, nhức mỏi cơ thể nhất là phần chân và lưng.
Một số biến chứng nguy hiểm khi trẻ bị nhiễm cúm A các gia đình nên hết sức lưu ý đó là: viêm tai giữa, hen phế quản kịch phát, viêm cơ tim, viêm phổi.
- Nôn trớ nhiều lần, mệt mỏi, xanh xao.
- Mặt mũi tái nhợt, con không chơi, chỉ nằm ngủ li bì.
- Khó thở, thở gấp, thở rít.
- Bỏ bú, bỏ ăn.
Khi trẻ có biểu hiện trên, tốt nhất cha mẹ nên đưa con đi khám, tuyệt đối không tự sử dụng thuốc mà không có sự chỉ định của bác sĩ.
Do trẻ mắc cúm A có thể bị sốt, viêm long đường hô hấp, đau đầu, đau cơ… nên trẻ thường mệt mỏi, ăn uống kém. Nếu cha mẹ không chú ý dinh dưỡng sẽ khiến trẻ mệt hơn và chậm phục hồi sức khoẻ.
- Đối với trẻ còn bú mẹ cần tăng cường cho bú theo nhu cầu. Cho trẻ bú làm nhiều lần khi trẻ thấy dễ chịu.
- Đối với các trẻ lớn cần cho trẻ ăn các thức chế biến dưới dạng lỏng, dễ tiêu như: cháo, súp, các món hầm nhừ, nước hầm rau củ…
- Thực phẩm trong bữa ăn của trẻ vẫn cần đảm bảo đầy đủ 4 nhóm chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.
- Tăng cường thực phẩm giàu đạm để bổ sung dinh dưỡng giúp cơ thể nhanh phục hồi. Nguồn thực phẩm giàu đạm tốt là: thịt, cá, trứng, thịt gia cầm, ngũ cốc nguyên hạt, các sản phẩm từ sữa ít béo…
- Nên cho trẻ ăn nhiều rau xanh và trái cây tươi giàu vitamin, đặc biệt là vitamin C như: nước cam, chanh, bưởi, dưa hấu… để hỗ trợ tăng cường sức đề kháng.
- Cho trẻ uống đủ nước bằng các loại nước như nước lọc, nước trái cây, nước canh… đề phòng ngừa mất nước do sốt và giảm mệt mỏi.
- Nếu trẻ mệt, biếng ăn, nên chia nhỏ bữa ăn thành 5-6 bữa nhỏ trong ngày giúp trẻ dễ ăn và hấp thu dinh dưỡng tốt hơn.
Sau 24 - 48 giờ, trẻ bị nhiễm virus cúm có thể biểu hiện các triệu chứng và kéo dài 3 - 6 ngày.
Hầu hết người bệnh mắc cúm A có thể hồi phục trong vòng một tuần. Tuy nhiên trong một số trường hợp, bệnh cúm A có thể gây ra các biến chứng nặng như: viêm phổi, viêm tai giữa, viêm xoang... Một số trường hợp có thể tiến triển nặng với các triệu chứng như sốt cao, khó thở, tím tái, phù phổi do suy tim và có thể gây tử vong.
Vì vậy, khi trẻ có các dấu hiệu trên, cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa Nhi để được các bác sĩ khám và hướng dẫn điều trị, chăm sóc đúng cách để phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn