Người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ dân sự Angelo Borrelli cho biết số trường hợp tử vong ở Italy trong ngày 28/2 đều trên 80 tuổi và một trường hợp trên 70 tuổi, song không xác định nguyên nhân do virus SARS-CoV-2 hay hậu quả bệnh lý. Viện Y tế cấp cao sẽ xem xét vấn đề này. Tại Italy, sự lây lan của dịch chưa có dấu hiệu dừng lại. Số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Italy đã tăng lên 888 người và ghi nhận 21 trường hợp tử vong, 46 ca được chữa khỏi, biến nước này tiếp tục là ổ dịch lớn nhất tại châu Âu.
Trong ngày 28/2, Tỉnh trưởng vùng Lombardy cũng đã phải cách ly sau khi có nguy cơ nhiễm bệnh từ một trong các trợ lý bị phát hiện dương tính với virus SARS-CoV-2. Chính phủ Italy vẫn đang duy trì lệnh đóng cửa một loạt các trường học tại các địa phương ở miền Bắc nước này đến ngày 2/3 và sẽ quyết định có kéo dài biện pháp này hay không trong những ngày tới. Nhằm hạn chế thiệt hại kinh tế, chính phủ Italy cũng dự định miễn giảm thuế, cũng như tạm hoãn nghĩa vụ thanh toán các hoá đơn cho các hộ gia đình tại vùng dịch trong vòng 2 tháng.
Dịch bùng phát tại Italy cũng đang ảnh hưởng mạnh đến các nước khác trong khu vực. Trong ngày 28/2, các nước Na Uy, Đan Mạch, Iceland… đều đã phát hiện các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 từ những người trở về từ Italy.
Thông báo được Bộ trưởng Y tế Pháp, Olivier Véran đưa ra trong tối ngày 28/2 cho biết, nước Pháp phát hiện thêm 19 ca dương tính mới với virus Sars-CoV-2 trong ngày, nâng tổng số ca nhiễm lên 57. Trong số các ca nhiễm mới, 1/3 là tại ổ dịch ở tỉnh Oise, cách thủ đô Paris 60km về phía Bắc. Số còn lại nằm ở thành phố Annecy miền Đông và thành phố Montpellier miền Nam nước Pháp. Đáng chú ý, có một nhóm 4 người vừa đi du lịch Ai Cập trở về cũng bị phát hiện nhiễm bệnh. Trước con số tăng nhanh trong hai ngày qua, Bộ trưởng Y tế Pháp tuyên bố, dịch bệnh tại Pháp đã bước sang một giai đoạn mới và nước Pháp cần phải làm tất cả để ngăn chặn dịch.
Hàn Quốc đang đứng đầu thế giới về số ca nhiễm mới. Số ca nhiễm mới mỗi ngày ở Hàn Quốc đang tăng cao hơn Trung Quốc. Cho tới nay, tổng số ca nhiễm virus corona tại Hàn Quốc lên tới 2.931. Trong số 16 trường hợp tử vong được ghi nhận ở Hàn Quốc trong vòng 2 tuần qua vì nhiễm virus, cả 2 bệnh nhân tử vong gần nhất đều có liên quan đến giáo phái Tân Thiên Địa, tâm điểm của đợt bùng phát lây nhiễm cộng đồng tại Hàn Quốc. Giới chức quốc gia hơn 51 triệu dân đang nỗ lực chống lại virus lây lan nhanh này bằng biện pháp xét nghiệm hàng loạt.
Trong khi đó, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) ngày 29/2 công bố thêm 427 ca nhiễm corona và 47 ca tử vong tại nước này. Tổng số ca nhiễm tại Trung Quốc đại lục cho tới nay đã lên tới 79.251. Tổng số người chết tới nay là 2.835 ca.
Tình hình dịch bệnh tại Iran rất nghiêm trọng vì đến hết ngày 28/2, nước này ghi nhận thêm 8 trường hợp tử vong nâng số ca tử vong do dịch Covid-19 lên đến 34 người, trong khi số ca nhiễm là 388. Tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở Iran vào thời điểm này là cao thứ 2 thế giới, sau Trung Quốc.
Tại Nhật Bản, ngày 28/2, chính quyền tỉnh Hokkaido của Nhật Bản đã ban bố tình trạng khẩn cấp do số người nhiễm SARS-CoV-2 tiếp tục tăng, đồng thời khuyến cáo người dân ở trong nhà trong dịp cuối tuần này. Ít nhất 66 ca nhiễm Covid-19 đã được xác nhận ở Hokkaido trong khi Nhật Bản ghi nhận hơn 900 ca mắc trong nước, trong đó có 700 trường hợp có liên quan tới du thuyền Diamond Princess. Tối 28/2, Bộ Y tế Nhật Bản thông báo một nữ công dân Anh, trong độ tuổi 70, là hành khách trên du thuyền Diamond Princess, đã tử vong do nhiễm Covid-19.
Dịch bệnh do virus SARS-CoV-2 gây ra đang tiếp tục lan rộng. Tính đến hết ngày 28/2, đã có thêm các nước Azerbaijan, Belarus, Nigieria, New Zealand, Monaco, Lithuania, Iceland, Mexico thông báo có ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên. Như vậy tính đến thời điểm hiện tại, virus SARS-CoV-2 đã lan ra gần 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo dữ liệu từ trang thống kê toàn cầu Worldometers, toàn thế giới có 2.876 ca tử vong và 84.726 ca nhiễm virus SARS-CoV-2. Số ca hồi phục là 36.904.
Đáng quan ngại hơn cả, Bộ Y tế Nigeria xác nhận trường hợp đầu tiên ở nước này nhiễm virus SARS-CoV-2. Đây cũng là ca nhiễm đầu tiên tại khu vực Nam Sahara ở châu Phi. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo các hệ thống y tế của châu Phi chưa được trang bị đầy đủ để ứng phó với dịch COVID-19 và dịch bệnh đang "trở nên nghiêm trọng hơn". Trong bối cảnh đó, nhiều nước ở "Lục địa Đen" bắt đầu gấp rút tăng cường các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh. Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta đã ký sắc lệnh thành lập một ủy ban ứng phó khẩn cấp quốc gia, có nhiệm vụ điều phối các nỗ lực ứng phó với mối đe dọa của dịch bệnh Covid-19, chỉ đạo xây dựng một cơ sở điều trị và cách ly để có thể sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân trong 7 ngày tới.
Zambia tuyên bố đẩy mạnh các biện pháp giám sát và phối hợp với Đại sứ quán Trung Quốc để đảm bảo an toàn cho hơn 200 sinh viên Zambia ở thành phố tâm dịch Vũ Hán của Trung Quốc.
Dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều nước trên thế giới đã đẩy thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu trong ngày 28/2 tiếp tục lao dốc suốt 1 tuần qua, khiến thị trường chứng khoán toàn cầu trải qua chuỗi ngày u ám nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Hậu quả là gần 6.000 tỷ USD đã "bốc hơi" trong tổng giá trị thanh khoản trên toàn cầu trong tuần giao dịch này.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn